Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Sửa Luật Đầu tư công: Quy trình, thủ tục thực hiện dự án cần rút ngắn hơn nữa
Nguyễn Lê - 06/11/2024 09:09
 
Tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Đầu tư công, song đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục chỉnh lý các quy định về trình tự, thủ tục, bố trí vốn... theo hướng thông thoáng hơn nữa.
.
Đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) phát biểu tại hội trường.

Tiếp tục Kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XV, sáng 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi (Dự thảo). Trước đó Dự thảo đã được thảo luận tại tổ.

Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, hơn 100 ý kiến thảo luận ở tổ đều nhất trí với sự cần thiết sứa đổi luật, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Gỡ được nhiều vướng mắc 

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) nói, ông đánh giá cao dự án Luật Đầu tư công sửa đổi trình tại Kỳ họp lần này, đã hiện thực hóa được những chủ trương tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao cho địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm.

Dự thảo luật đã nghiên cứu tháo gỡ được những vấn đề lâu nay đang vướng mắc trong thực tiễn triển khai hoạt động đầu tư công từ các quy định của Luật Đầu tư công hiện hành hoặc do việc quy định tạo ra cách hiểu, cách tiếp cận khác nhau trong tổ chức triển khai thực hiện Luật, để thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các dự án đầu tư công, theo đại biểu Trần Chí Cường.

Cơ bản tán thành với 5 nhóm nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung trong dự án luật, trong đó có các quy định mới góp phần rút ngắn thời gian trong việc triển khai thực hiện dự án, tuy nhiên, đại biểu Cường cho rằng quy định về quy trình thủ tục thực hiện đầu tư dự án công cần phải được nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án.

Vị đại biểu Đà Nẵng phân tích, thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác nhau như đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy… Theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng), một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác.

Tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên (tùy theo loại dự án A, B hay C) sẽ kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày mới khởi công xây dựng, tức là phải hơn 8 tháng kể từ lúc HĐND thông qua mới thực hiện. Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan, ông Cường nêu.

“Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo luật cần nghiên cứu bổ sung quy định thời gian ở các bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan, tương tự như quy định ở điều 36a bổ sung Luật đầu tư quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt trình Quốc hội trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu”, đại biểu Cường phát biểu.

Nội dung tiếp theo vị đại biểu Đà Nẵng đề cập là Dự thảo quy định thời gian bố trí vốn đối với dự án nhóm A là 6 năm, nhóm B là 4 năm và nhóm C là 3 năm không thay đổi so với quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành.

“Với thời gian thực hiện quy trình thủ tục như tôi trình bày ở trên thì việc thực hiện theo quy định tại khoản 2, điều 89 Luật đầu tư công hiện hành về hạn mức đối với phần vốn của các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư trong kỳ đầu tư công trung hạn hiện tại chuyển tiếp sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không được vượt quá 20% là việc bất khả thi”, ông Cường nhấn mạnh.

Vì thế, đề nghị của đại biểu Cường là xem xét nâng hạn mức phần vốn chuyển tiếp của kỳ đầu tư công trung hạn hiện tại sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 50% trên cơ sở căn cứ định hướng, chiến lược phát triển, dự kiến nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của trung ương và địa phương khi phê duyệt kế hoạch đầu tư công trung hạn.   

Rút ngắn thời gian, thủ tục chuẩn bị đầu tư 

Góp ý về điều kiện bố trí vốn hàng năm, đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) nói, theo quy định tại Khoản 2 Điều 57 của Dự thảo thì sau khi dự án hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư như: phê duyệt chủ trương đầu tư, bố trí kế hoạch vốn trung hạn và phê duyệt dự án đầu tư nhưng nếu chưa được bố trí vốn hàng năm thì sẽ không triển khai thực hiện các công việc tiếp theo trong bước thực hiện đầu tư. Như việc giải phóng mặt bằng, thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, đấu thầu lựa chọn đơn vị giám sát… làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam) tham gia thảo luận.

Để rút ngắn về thời gian, thủ tục thực hiện các công việc nêu trên, ông Thắng đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung thêm điều kiện để dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm vào Khoản 2 Điều 57. Cụ thể là : “2. Chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công khác đã được cấp có thẩm quyền (quyết định chủ trương đầu tư), quyết định đầu tư hoặc các thủ tục theo quy định của pháp luật có liên quan”.

Vẫn liên quan đến vốn, khoản 1 Điều 59 quy định “vốn thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được bố trí để lập đề xuất chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án; lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án”.

Vị đại biểu Hà Nam nhận xét, quy định như vậy thì các công việc phải thực hiện tiếp theo như: lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán và đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp, đấu thầu lựa chọn đơn vị giám sát… sẽ không triển khai thực hiện được khi chưa bố trí vốn thực hiện Dự án.

Để khắc phục bất cập này và rút ngắn về thời gian thực hiện các công việc nêu trên, ông Thắng đề nghị xem xét sửa đổi Khoản 1 Điều 59 và Khoản 3 Điều 59 Dự thảo Luật, theo hướng: chuyển các nhiệm vụ như lập thiết kế kỹ thuật, lập thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu trong bước thực hiện đầu tư về nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Sửa Luật Đầu tư công: Chuyển từ quản lý sang kiến tạo phát triển
Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ chuyển đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, từ quản lý sang kiến tạo phát triển,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư