Chủ Nhật, Ngày 30 tháng 03 năm 2025,
Sửa Luật Phá sản, chú trọng phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Nguyễn Lê - 27/03/2025 11:03
 
Dự thảo Luật Phá sản (sửa đồi) khuyến khích, ưu tiên phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã ngay từ khi có nguy cơ mất khả năng thanh toán.
.
Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày tờ trình dự án luật. Ảnh: PT 

Bước tiến lớn tại Dự thảo Luật Phá sản (sửa đổi) là đã có nhiều quy định ưu tiên phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã ngay từ khi có nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Gỡ điểm nghẽn trong giải quyết vụ việc phá sản

Sáng 27/3, Thường trực Ủy ban Kinh tếTài chính họp mở rộng thẩm tra Dự án Luật Phá sản (sửa đổi).

Trình bày tờ trình dự án luật, Phó chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến nêu rõ, kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014 cho thấy còn nhiều điểm nghẽn trong giải quyết vụ việc phá sản, nhu cầu giải quyết phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã không ít, nhưng kết quả giải quyết chưa nhiều, thời gian giải quyết một vụ việc phá sản kéo dài...

Chỉ số phá sản doanh nghiệp của Việt Nam (Ngân hàng Thế giới - WB - sử dụng chỉ số giải quyết phá sản là một trong những tiêu chí đánh giá môi trường kinh doanh để xếp hạng năng lực cạnh tranh của các quốc gia) xếp thứ 129 (năm 2017), thứ 130 (năm 2018) trên thế giới, là một chỉ số tụt hạng trong đánh giá năng lực cạnh tranh quốc gia , làm giảm thu hút đầu tư kinh doanh của Việt Nam...

Phó chánh án cho biết, xây dựng Luật Phá sản (sửa đổi) nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định còn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn; tháo gỡ những điểm nghẽn trong giải quyết vụ việc phá sản; tạo hành lang pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp, hợp tác xã phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh; tuyên bố phá sản và thanh lý kịp thời những doanh nghiệp, hợp tác xã không còn khả năng phục hồi.

Sửa luật cũng nhằm khơi thông nguồn lực, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế lành mạnh; góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia thủ tục, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, đóng góp vào việc đưa đất nước vững bước tiến vào “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Về những điểm mới, lần sửa đổi này đã bổ sung khái niệm “doanh nghiệp có nguy cơ mất khả năng thanh toán”; sửa đổi khái niệm “Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán”.

Với thủ tục phá sản, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung, trong đó có bổ sung chủ thể có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng và khắc phục vướng mắc từ thực tiễn.

Theo đó gồm: Chủ nợ có bảo đảm nhưng tài sản bảo đảm không còn tồn tại; tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; thành viên, nhóm thành viên có số vốn điều lệ chiếm từ 65% trên tổng số vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; thành viên, nhóm thành viên có số vốn điều lệ chiếm dưới 65% trên tổng số vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên trong trường hợp Điều lệ công ty quy định; đại hội đồng cổ đông; doanh nghiệp, hợp tác xã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc đang tiến hành thủ tục giải thể mà mất khả năng thanh toán.

Nội dung này còn có tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán; Bộ Tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm đã được Bộ Tài chính ban hành văn bản chấm dứt áp dụng biện pháp kiểm soát có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Lần sửa đổi này cũng quy định điều kiện áp dụng; thời hạn thực hiện các thủ tục bằng 1⁄2 thời hạn trong phục hồi thông thường; Nghị quyết Hội nghị chủ nợ thông qua khi có số chủ nợ đại diện cho từ 51% tổng số nợ của chủ nợ tham gia biểu quyết tán thành; quy định việc chuyển đổi thủ tục phục hồi rút gọn sang giải quyết theo thủ tục thông thường khi vụ việc không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn.

Ưu tiên phục hồi

Vấn đề được nhiều đại biểu rất quan tâm tại phiên họp là định hướng ưu tiên nội dung phục hồi tại lần sửa đổi này. Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công Tòa án Nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng Dự án Luật Phá sản (sửa đổi). Tuy nhiên, Tòa án Nhân dân tối cao đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép đổi tên Luật thành “Luật Phục hồi, phá sản”. Việc đổi tên này để phù hợp với việc mở rộng phạm vi quy định về chế định phục hồi trong Dự án Luật.

Lý do nữa cần đổi tên là bảo đảm đúng mục tiêu, định hướng xây dựng Luật là khuyến khích, ưu tiên phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã ngay từ khi có nguy cơ mất khả năng thanh toán để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, tránh tâm lý e ngại thủ tục phá sản.

Tên mới cũng phù hợp với xu thế của thế giới trong quy định hai thủ tục này bằng một luật (như, Luật Phục hồi và phá sản đối với bên mắc nợ của Hàn Quốc, Luật về tái cấu trúc, phục hồi và phá sản của Ả rập - Ai cập) hoặc quy định tại hai luật riêng (ví dụ Nhật Bản có Luật Phục hồi dân sự và Luật Phá sản).

Phó chánh án Nguyễn Văn Tiến cho biết, Dự thảo Luật bổ sung Chương thủ tục phục hồi, quy định chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã là người có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã có nguy cơ mất khả năng thanh toán/mất khả năng thanh toán.

Chương này cũng quy định về trình tự, thủ tục thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi; thứ tự ưu tiên thanh toán trong phương án phục hồi hoạt động kinh doanh; hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi mở thủ tục phục hồi; các biện pháp khuyến khích phục hồi: khoanh tiền thuế nợ, tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất...

Nội dung mới được bổ sung còn có nhiệm vụ, quyền hạn của hội nghị chủ nợ, điều kiện thông qua nghị quyết hội nghị chủ nợ; việc đình chỉ việc thực hiện phương án phục hồi, đình chỉ thủ tục phục hồi và hậu quả pháp lý…

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến đều nhất trí cao sự cần thiết phải sửa đổi Luật Phá sản và cơ bản nhất trí với tên mới là Luật Phục hồi, phá sản, cũng như việc ưu tiên cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp khi chưa tiến hành quy trình phá sản.

Nhưng, theo nhận xét của một số vị đại biểu thì quy định về phục hồi vẫn khá phức tạp, chính sách vẫn còn chung chung.

Chẳng hạn, Điều 4 Dự thảo về  chính sách của Nhà nước trong phục hồi, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định: Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn trong kinh doanh thực hiện thủ tục phục hồi, phá sản nhằm khôi phục hoặc chấm dứt hoạt động kinh doanh một cách có trật tự, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lành mạnh hóa nền kinh tế. Chính phủ quy định cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã gặp khó khăn trong kinh doanh tham gia thủ tục phục hồi, phá sản.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Ngô Trung Thành nhận xét, quy định này chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra về tiếp sức cho doanh nghiệp sống lại và phát triển.

Theo chương trinh, Dự án Luật Phá sản (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, nhưng nhiều khả năng sẽ lùi sang trình tại Kỳ họp thứ 10. 

Khởi kiện mở thủ tục phá sản doanh nghiệp: Chiêu đòi nợ “hiểm” - Bài 1: Doanh nghiệp ngàn tỷ bị tuyên phá sản vì nợ 17 tỷ đồng
Do chưa chịu trả nợ, mà nhiều doanh nghiệp kiện và yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. Hệ lụy cũng kéo theo từ đây.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư