Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 12 tháng 11 năm 2024,
Tách Luật Giao thông đường bộ: Lo ngại phát sinh nhân sự, bộ máy mới
Kỳ Thành - An Nguyên - 13/11/2020 07:33
 
Nên hay không nên tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là băn khoăn của không ít đại biểu Quốc hội, bởi lo ngại việc này sẽ làm phát sinh thêm nhân sự, bộ máy.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Có nên tách thành 2 luật?

Băn khoăn về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn là ý kiến của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận tổ (sáng 11/11) về 2 dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Thực chất, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ do Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chủ trì.

“Theo tôi, sau buổi thảo luận này, chúng ta kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên lấy ý kiến đại biểu xem có nên tách luật không, rồi mới làm tiếp bao nhiêu chương, bao nhiêu điều, sửa thế nào”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) nói.

Khá gay gắt, ông Kiên lập luận, với phương pháp luận xây dựng dự thảo luật này, “không cẩn thận, rồi có khi, giáo viên bây giờ đang đi dạy chất lượng cũng kém, bằng giả cũng nhiều, Bộ Công an cũng phải cấp bằng giáo viên và cả bằng bác sĩ luôn. Theo phương pháp luận thế này thì ta phải làm thế”.

Cùng nhận định, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) ví von, việc tách thành 2 luật “giống như ta chữa lợn lành thành lợn què. Con lợn có 4 chân, giờ phải xẻ thành 2 con lợn mỗi con có 2 chân, thì nó không còn là lợn nữa”.

Ông Sinh phân tích, hiện có 5 lĩnh vực giao thông, gồm: giao thông thủy, hàng hải, hàng không, đường sắt và giao thông đường bộ, bây giờ đề nghị tách Luật Giao thông đường bộ, thì sau này có tách 4 luật kia không? Cùng cách lập luận như vậy, có tách Luật Khám chữa bệnh thành 2 luật không, vì luật này cũng gồm cơ sở vật chất và con người?

“Rõ ràng, câu chuyện đang liên kết với nhau, tự nhiên chúng ta xẻ nó ra, trong khi đang rất cần sự liên kết, liên thông, đảm bảo tính đồng bộ, logic”, ông Sinh nhấn mạnh.

Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (cơ quan thẩm tra dự án luật) cho hay, một số đại biểu khi trao đổi với ông cũng nêu ý kiến là không nên tách. “Nhưng, quan điểm là cái gì có lợi hơn cho Đảng, cho đất nước thì mình làm; còn băn khoăn thì tất nhiên làm gì cũng băn khoăn”, ông Việt nói.

Về vấn đề mà nhiều đại biểu lo ngại là đưa việc quản lý trật tự an toàn giao thông đường bộ sang Bộ Công an thì phát sinh bộ máy, cơ sở (đào tạo, sát hạch lái xe), ông Việt cho biết, phần lớn cơ sở này đã xã hội hóa, nên không gây ảnh hưởng đến bộ máy.

Không phát sinh, thậm chí có thể rút gọn

Từ góc độ của cơ quan chủ trì xây dựng Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung này tương đối toàn diện, dự kiến thực hiện ở hầu hết các điều, các chương, sẽ tạo nên bước đột phá trong việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT đồng bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; gắn chiến lược phát triển giao thông phù hợp với phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; đổi mới tổ chức giao thông đường bộ bảo đảm hợp lý, phù hợp với điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông và an toàn, thuận lợi cho hoạt động vận tải.

“Vì vậy, việc xây dựng Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thay thế Luật Giao thông đường bộ (năm 2008) là hết sức cần thiết”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

“Tách ra có lợi hơn, đảm bảo chuyên sâu hơn và người trong cuộc là Bộ GTVT và Bộ Công an đều đồng thuận cao. Tôi ủng hộ quan điểm là tách luật này.

- Ông Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh

Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm (Trưởng ban Soạn thảo Dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ) cho rằng, việc tách lĩnh vực giao thông đường bộ ra làm 2 luật nhằm giải quyết 2 vấn đề lớn, đó là phát triển hạ tầng giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

“Hiện nay, thực trạng mất an toàn giao thông đường bộ là rất lớn. Có lần, đại biểu chất vấn tôi đánh giá thế nào, tôi nói, vi phạm phổ biến và tràn lan, không cần đánh giá và báo cáo, chỉ cần ra đường là nhìn thấy, ai cũng có thể

vi phạm”, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ.

Khẳng định tình hình không cho phép chậm trễ hơn nữa trong việc xây dựng và ban hành các luật này, Bộ trưởng Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh việc ủng hộ và đồng thuận của các cơ quan Chính phủ, Quốc hội, “đặc biệt, hai bộ chủ quản là Công an và GTVT cũng rất đồng tình, tán thành”.

Đối với ý kiến của các đại biểu còn băn khoăn khi tách thành 2 luật thì có đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí hay không, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, đã đánh giá, tổng kết và nhận thấy, tiết kiệm được rất nhiều, từ nguồn nhân lực đến kinh phí, không phát sinh nhân sự, bộ máy mới, thậm chí có thể rút gọn được. “Tôi nghĩ, không đến mức độ phải thành lập một cục quản lý về lái xe, một cục quản lý về đăng kiểm. Đã quy định thế này, thì sẽ không còn lực lượng thanh tra giao thông đi hoạt động trên mặt đường nữa”, Bộ trưởng Tô Lâm phân tích.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, thực tế trong những năm vừa qua đã phát sinh những tình huống chồng chéo khi kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường. Vì vậy, hoạt động sát hạch, đào tạo giấy phép lái xe khi chuyển về Bộ Công an sẽ “không đụng chạm” đến các cơ sở đào tạo, sát hạch. Ngay cả vấn đề đăng kiểm, tất cả cơ sở đăng kiểm cũng là xã hội hóa, coi như một ngành nghề kinh doanh về đăng kiểm.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư