Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Góc nhìn Đầu tư
Tại sao không đặt mục tiêu tăng trưởng 7-8%
Bảo Duy - 03/07/2017 07:45
 
Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7-8%, thậm chí cao hơn, mà không cần phải khai thác thêm dầu, thêm than đá, không phải nỗ lực tăng trưởng tín dụng. Giới chuyên gia kinh tế không ai nghi ngờ về việc này.
.
Việc tập trung nguồn lực vào các ngành kinh tế tạo giá trị gia tăng, có năng suất lao động cao, thúc đẩy các đầu tầu kinh tế có thể giúp Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đặt ra

Thậm chí, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2017, do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức vừa tổ chức, các dư địa trong tầm tay cũng đã được nêu ra với những tính toán và giải pháp cụ thể, thuyết phục. Nhưng câu hỏi còn lại vẫn là sự lựa chọn của Chính phủ. Và đây lại là sự lựa chọn không dễ khi nhìn vào danh mục các dư địa mà Chính phủ có thể làm.

Thứ nhất, nếu cải thiện được 1% hiệu quả (ROA) của khu vực kinh tế nhà nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, thì nền kinh tế đã có thêm khoảng 3 tỷ USD (tính từ tổng tài sản ước tính trong khu vực doanh nghiệp nhà nước vào khoảng 300 tỷ USD). Khi đó, tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam sẽ thêm được khoảng 1,5 điểm phần trăm.

Thứ hai, nếu tăng thêm 1% hiệu quả của khu vực kinh tế tư nhân - khu vực đang có khoảng 200 tỷ USD tài sản, thì cũng đã góp thêm khoảng 2 tỷ USD. Thêm những điểm phần trăm được góp vào mức tăng trưởng GDP.

Số điểm phần trăm trong GDP sẽ còn tăng lên khi các nguồn vốn FDI cam kết và ODA đã ký kết chưa giải ngân được đưa vào lưu thông.

Thứ ba là các giải pháp giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Đây đang được coi là dư địa rất lớn, có thể thực hiện ngay, có tác động ngay tới niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp.

Chỉ cần nhìn vào con tính chi phí logistic của Việt Nam đang chiểm khoảng 21% GDP, nếu giảm được 1% thì cũng có thể tiết kiệm được khoảng 4 tỷ USD cho các hoạt động đầu tư hiệu quả hơn. Nhưng giới chuyên gia cho rằng, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính có thể giảm được 2% chi  phí này. Khi đó, nền kinh tế có thể sẽ có thêm 8-10 tỷ USD.

Thứ tư, tập trung nguồn lực vào các ngành kinh tế tạo giá trị gia tăng, có năng suất lao động cao, thúc đẩy các đầu tầu kinh tế, khu vực TP. HCM và Hà Nội. Như vậy, nếu thúc đẩy khu vực tứ giác TP.HCM-Đồng Nai-Bình Dương-Vũng Tàu thêm 1 điểm phần trăm, thì GDP sẽ được hưởng lợi...

Điều quan trọng là niềm tin kinh doanh sẽ được cải thiện, thúc đẩy các kế hoạch kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, kéo theo việc làm, thu nhập và kích thích tiêu dùng trong nước. Tăng trưởng kinh tế sẽ là kết quả đương nhiên, theo đúng quy luật của thị trường.

Trong chuỗi tính toán này, phần việc khó nhất thuộc về Chính phủ. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện kỷ luật ngân sách, “đóng băng” chi thường xuyên, tập trung vào hiệu quả đầu tư, tiến hành cổ phần hóa, thoái vốn đúng như cam kết, xử lý được 50% nợ xấu, cắt bỏ 50% điều kiện kinh doanh...

Quan trọng nhất là thực hiện đầy đủ và nhất quán các giải pháp cải cách thể chế kinh tế thị trường, tuân thủ cơ chế phân bổ nguồn lực để thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ nguồn lực; thị trường vận hành đầy đủ và cạnh tranh công bằng... Những giải pháp này không phải quá khó để thực hiện vì đã nhận được sự đồng thuận và đang được quyết tâm thực hiện.

Vấn đề còn lại có lẽ là tốc độ và hiệu quả thực thi.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng, không bàn "chuyện vô thưởng, vô phạt"
Một sự quyết tâm nhìn thấy rõ từ Chính phủ về việc phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay, khi một chỉ thị về việc thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư