Năm 2022 là năm khó quên với nhà đầu tư chứng khoán khi chứng kiến độ biến động mạnh của thị trường, vượt ngưỡng lịch sử 1.500 điểm rồi lao dốc xuống dưới 900 điểm, mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.
Sau khi xuống ngưỡng 873 điểm - đáy của năm, thị trường đã có hồi phục mạnh mẽ từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12 với nhiều chuyển động được cho là tích cực hơn như đà mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại; các tín hiệu vĩ mô cho thấy đang ổn định dần như tỷ giá, lạm phát, lãi suất, câu chuyện room tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước nới thêm room tín dụng 1,5 - 2%, bổ sung thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thông qua việc bơm tiền qua OMO, có kế hoạch mua USD, điều chỉnh tỷ lệ LDR…; Bộ tài chính đề xuất giãn thời gian áp dụng Nghị định 65/2022, Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác gỡ khó cho thị trường bất động sản...
Tuy nhiên, những chính sách trên vẫn được đánh giá cần có thời gian để có tác dụng hỗ trợ, hiệu ứng rõ ràng lên nền kinh tế. Chẳng hạn, việc NHNN mua USD chỉ xảy ra khi giá USD trong ngân hàng tiếp tục giảm; hay liên quan thị trường trái phiếu cũng cần thêm thời gian để khôi phục niềm tin ở nhà đầu tư; hay diễn biến lãi suất huy động và cho vay vẫn ở mức cao sẽ tác động đến nhu cầu vay, đặc biệt nhu cầu mua bất động sản, qua đó tạo áp lực dòng tiền cho các doanh nghiệp bất động sản…
Điều đó được phản ánh trên thị trường chứng khoán khi sau 3 tuần hồi phục mạnh từ 873 điểm lên vùng 1.100 điểm, thị trường đã điều chỉnh và hiện giằng co quanh ngưỡng 1.030 điểm trong 2 tuần qua.
Cho năm 2023, nhiều ý kiến đồng thuận rằng, tâm điểm kinh tế thế giới vẫn sẽ là chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ kéo dài bao lâu. Dù lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt ở một số nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, nhưng các ngân hàng trung ương vẫn tiếp tục phát đi tín hiệu giữ lãi suất ở mức cao… Đặc biệt, sự thay đổi theo hướng diều hâu bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã gây ra làn sóng chấn động khắp các thị trường tài chính toàn cầu trong tuần qua.
Tất cả các yếu tố này đều không chắc chắn về mặt thời điểm, tức đâu đó vẫn sẽ có những tiềm ẩn rủi ro tác động lên thị trường chứng khoán thế giới và cả Việt Nam.
Nhằm giúp nhà đầu tư phần nào nhận diện được biến số năm 2023 để có hành động phù hợp, Báo Đầu tư Chứng khoán lựa chọn chủ đề "Nhận diện biến số 2023" cho Talkshow Chọn danh mục (phần 2) kỳ thứ 9 tuần này.
Talkshow tuần này có sự xuất hiện của 2 chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích đầu tư, đang giữ trọng trách quan trọng tại các công ty chứng khoán và quản lý quỹ lớn.
Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc Đầu tư của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital.
Bà Hoài Phương có 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích đầu tư và quản lý quỹ tại Việt Nam. Chị Phương hiện đang quản lý Quỹ đầu tư cổ phiếu VESAF của VinaCapital, quỹ này tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ với tiềm năng tăng trưởng cao trong dài hạn.
Và bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research
Bà Hoàng Việt Phương gia nhập Công ty cổ phần Chứng khoán SSI vào năm 2007 và được bổ nhiệm vị trí Trưởng bộ phận Phân tích và Tư vấn Đầu tư cho khách hàng tổ chức từ năm 2011, đồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp về mảng chiến lược đầu tư. Hiện bà Hoàng Việt Phương là Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research).
Điểm nổi bật ở bà Phương là tính chuyên nghiệp, cách tiếp cận thực tế và luôn chú trọng đến hiệu quả, hệ sinh thái các báo cáo của SSI Research đáp ứng nhu cầu của khách hàng cá nhân và tổ chức với nhiều phong cách đầu tư khác nhau.
Trong giai đoạn 2013 - 2022, dưới sự đóng góp của bà Phương, SSI Research đã giành chiến thắng tại nhiều hạng mục quan trọng về nghiên cứu phân tích tại Giải thưởng Asiamoney Brokers Poll - giải thưởng do tạp chí uy tín đầu ngành tài chính Asiamoney trao tặng. Bà Phương được bình chọn là Chuyên gia phân tích chiến lược hàng đầu Việt Nam năm 2013-2022 và nhà bình luận tốt nhất Việt Nam do khách hàng cá nhân bình chọn năm 2020-2021.
Phần II của loạt talkshow CHỌN DANH MỤC do Báo Đầu tư tổ chức được phát trực tiếp lúc 8h30 thứ Sáu hàng tuần trên các kênh youtube, fanpage và báo điện tử của Báo Đầu tư, Đầu tư Chứng khoán, đồng thời, thông tin chương trình sẽ được tổng hợp và phân tích sâu hơn trên các ấn phẩm của Báo Đầu tư, cũng như các kênh truyền thông, báo chí khác. Ngoài ra, chương trình tuần này cũng được phát trực tiếp trên các kênh fanpage của Công ty Chứng khoán SSI, Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital.