Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tâm sự của cô gái Sài Gòn quyết "không vay ai một đồng" tự sắm nhà, xe trước tuổi 30
Như Quỳnh (Vnexpress) - 17/07/2017 13:19
 
"Khi 29 tuổi, trong túi có 1,5 tỷ, mình chỉ mua căn nhỏ 1,3 tỷ, để dư 200 triệu phòng thân", Quỳnh viết.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của Ngô Như Quỳnh, MC 33 tuổi của Đài truyền hình TP HCM về cách sống, tiết kiệm và các nguyên tắc chi tiêu giúp cô không bao giờ nợ ai một đồng và luôn tự chủ về tài chính

Nhiều bạn trẻ hay hỏi mình về cách chi tiêu làm sao để tích luỹ được mà vẫn sống thoải mái, không áp lực, mình muốn chia sẻ quan điểm cá nhân trong bài viết này.

Lấy câu chuyện hôm qua làm ví dụ. Hôm qua mình có lên Facebook hỏi kinh nghiệm mua xe hơi nào tầm một tỷ, tiện ích vừa phải, phù hợp với kế hoạch tài chính và nhu cầu sử dụng ở thời điểm hiện tại. Có nhiều bạn góp ý rằng: 

- Sao ngoài khoản một tỷ sẵn có không vay thêm ngân hàng mua xe xịn đi cho đã. 

- Cỡ Quỳnh phải đi Audi, BMW, Mec mới sang, đi mấy cái xe tầm một tỷ đổ lại... thì rẻ tiền lắm. 

- Sao không vay mua xe mà bỏ tiền túi, để tiền đó làm ăn, trả lãi từ từ.

Mình trả lời không thích vay mượn, có nhiêu mua nhiêu, cũng không thích đua đòi. Có bạn chế giễu, ai cũng như Quỳnh chắc ngân hàng ế, kinh tế thị trường trì trệ. Tội lỗi vậy sao?

Mình chợt nhớ lại hồi mua nhà 2013, lúc đó trong túi có 1,5 tỷ, chỉ mua căn nhỏ 1,3 tỷ, để dư 200 triệu đó phòng thân. Cũng có bạn nói sao không vay thêm ngân hàng mua căn 2-3 tỷ cho thoải mái. Mình cũng nói không thích ở nhà to rồi co ro trả nợ.

Sau đó vì nhà xa, mình mua ôtô để đi lại thuận tiện che nắng che mưa nên chỉ bỏ một phần tài chính ra mua Kia Morning là được rồi. Cũng có nhiều bạn chế giễu "Quỳnh đi xe đó trông... yếu yếu", sao không vay mua thêm xe sang đi cho oách.

co-gai-sai-gon-quyet-khong-vay-ai-mot-dong-tu-sam-nha-xe-truoc-30-tuoi

MC Ngô Như Quỳnh. 

Những suy nghĩ đó không có gì lạ trong thời buổi trọng vật chất ngày nay. Mình biết có rất nhiều bạn trẻ, tiền không có nhưng vẫn vay mượn để quần là áo lượt, hàng hiệu sang chảnh thay vì chọn những thứ vừa tầm mà đẹp. Nhà ở thuê nhưng phải mua xe sang lấy nét. Lương thấp mà vay ngân hàng mua căn hộ cao cấp rồi tới tháng vã mồ hôi trả nợ thay vì tiết kiệm thêm. Tiền ít cũng phải cố đi resort nhiều sao check-in khí thế thay vì đi những nơi vừa tầm...

Mình chợt nhận ra là quan điểm chi tiêu của mình có vẻ khác so với nhiều người. Không bàn đúng sai hay dở, chỉ là sự lựa chọn của mỗi người thôi. Có thể do mình là gái miền Trung "chắt bóp" đã quen, hoặc do gia đình không giàu, do hoàn cảnh tự lập từ nhỏ tới lớn không có ai để dựa dẫm nên về tài chính mình đúng kiểu "ăn chắc mặc bền".

Quan điểm chi tiêu của Quỳnh:

Thứ nhất, tiền là phương tiện, không phải mục đích, không làm nô lệ cho nó. Tiêu xài theo nhu cầu và khả năng có thực của bản thân, chứ không phải đua đòi, lấy nét, làm màu, khoe khoang với ai. 

Thứ 2, không bao giờ xài hết số tiền đang có vào bất kỳ một nhu cầu nào, luôn để dành lại 20-30% phòng trường hợp cấp bách.

Thứ 3, không bao giờ vay mượn ngân hàng lẫn người thân, bạn bè. Có nhiều chơi nhiều, có ít chơi ít, không có không chơi. Mình sợ nợ nần, sợ rủi ro. Mình thích ăn ngon ngủ yên không nơm nớp lo đến tháng trả lãi.

Thứ 4, có thể nghiêm khắc với bản thân nhưng rộng lòng với người thân và bạn bè lẫn những người khó khăn ngoài xã hội, giúp nếu có thể.

Thứ 5, nghiêm khắc với bản thân không có nghĩa là tiết kiệm tới mức hà tiện, mà là xài đúng nơi đúng chỗ. Nếu không cần thì một đồng không bỏ, nếu hợp lý thì bao nhiêu cũng chơi.

Cái này đã có gốc rễ từ xưa. Thời sinh viên, đi dạy kèm được 500 ngàn thì mình đã có thói quen tiết kiệm 200 mỗi tháng. Ra trường đi dạy một triệu mình để dành 300 nghìn. Tới lúc đi làm 300 USD mình cũng để lại 100 USD. Tới lúc công việc thuận lợi có khi thu nhập cả 100 triệu/tháng, mình cũng luôn dành lại 30-50%.

Mình cũng không có thói quen cứ có được một khoản tiền kha khá là kiếm chuyện mua sắm tiêu xài. Bạn mình nhiều người cứ "vô mánh" là đi thả ga. Mình thì để đó, quăng vô tiết kiệm, vẫn sống bình thường.

Vì vậy, dù công việc của mình từ xưa tới nay là làm công ăn lương, làm thuê, lao động trí óc chứ chẳng phải kinh doanh hay mánh mung phi vụ qua một đêm có tiền tỷ, cũng chẳng ai bao, mình vẫn tích góp được để mua nhà, mua xe, chi xài cho những nhu cầu cần thiết mà chẳng áp lực vay mượn hay xin xỏ ai.

Để duy trì điều đó, mình tuyệt đối không bao giờ có cái thói tự đại với những gì mình có hay vung tay quá trán, đua đòi. Mọi thứ mình chi xài đều là vì nhu cầu thực tế, không chạy theo hàng hiệu, không chạy theo hào nhoáng.

Mình không ngại ở nhà thuê, đi xe ôm, ăn mặc giản dị, ăn uống bình dân, cà phê vỉa hè, lui tới những nơi bình thường, không 5 sao hay sang chảnh. Nhưng nếu cần vì công việc hay vì giao tiếp xã hội, mình cũng không ngại tốn kém, vì mình biết đầu tư đó xứng đáng và tái quay vòng. Nên đừng lầm rằng công việc mình làm có liên quan tới showbiz mà phải thế này thế kia mới được. Đi BMW hay Kia, ăn Hyatt hay vỉa hè, mặc hàng hiệu hay Saigon Square, không khác nhau mấy nếu tự thân thấy vui. Mình cho rằng giá trị con người nằm ở bề ngoài ít thôi, chủ yếu là cái gì chứa trong đầu và nhiều nhất là ở lối sống, cách hành xử.

Là một người phụ nữ, ở tuổi 30, mình chẳng là gì so với nhiều người thành công và giàu có khác trong xã hội, nhưng mình hài lòng và tự hào vì những gì đang có, vì nó là kết quả của học hành, làm việc, của nỗ lực bản thân, bao gồm cả sự cân nhắc trong chi tiêu, theo quan điểm của mình. Không nợ nần, dư chút ít, đủ những thứ căn bản, cuộc sống thong dong, tâm hồn thanh thản, đời còn gì sướng hơn.

Mình không ca ngợi việc tiết kiệm cực đoan tới mức hà tiện. Mình vẫn sống, trải nghiệm, hưởng thụ đầy đủ, trong khả năng.

Mua ô tô cũ thời điểm này đảm bảo "ngon - bổ - rẻ"
Thời điểm mua ô tô cũ tốt nhất là vào khoảng giữa năm. Vì đây là thời điểm thay đổi giá bán giữa các năm, người tiêu dùng có thể dễ dàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư