Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tận dụng “khoảng chờ” của TPP
Thế Hải - 02/02/2016 13:36
 
Doanh nghiệp cần tận dụng khoảng chờ - giai đoạn 2 năm sau khi TPP được ký kết và chờ Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn, để chuẩn bị những phần thiếu hụt, đáp ứng tốt nhất yêu cầu để được hưởng ưu đãi thuế quan, gia tăng xuất khẩu.
doanh nghiệp tận dụng được cơ hội đến đâu phụ thuộc vào chính doanh nghiệp
Doanh nghiệp tận dụng được cơ hội đến đâu phụ thuộc vào chính doanh nghiệp

Đây là khuyến cáo của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối với các doanh nghiệp tại Hội thảo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình dương (TPP) - Những điều doanh nghiệp cần biết” tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Hội thảo diễn ra chỉ chưa đầy một tuần TPP sẽ được ký chính thức vào ngày 4/2/2016 tại Auckland, New Zealand cho thấy rõ hơn mong muốn của VCCI trong việc truyền thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp, hối thúc sự chuẩn bị và hành động quyết liệt hơn, đón vận hội mới về cơ hội thị trường, giảm thuế, kêu gọi đầu tư…mà TPP mang lại. Theo kế hoạch, sau khi được ký chính thức vào ngày 4/2/2016, các nước thành viên sẽ có thời gian 2 năm để hoàn tất các bước rà soát pháp lý và phê chuẩn theo các thủ tục nội bộ. Nghĩa là tới năm 2018, TPP chính thức có hiệu lực.

“Trong thời gian TPP chưa có hiệu lực, các bên chưa phải thực thi các cam kết được coi là khoảng thời gian quan trọng để doanh nghiệp có thêm thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tăng khả năng tận dụng cơ hội cũng như sẵn sàng cho cạnh tranh TPP ngay khi Hiệp định này có hiệu lực với Việt Nam”, ông Lộc nói.

Dẫn chứng cho điều này, ông Lộc cho hay, do sự chuẩn bị chưa tốt, chưa đầy đủ nên một số Hiệp định Thương mại (FTA) Việt Nam đã ký kết trước đây, các doanh nghiệp mới chỉ tận dụng được 25 - 30% những ưu đãi về thuế quan. Vì thế, với TPP cần phải chuẩn bị thật tốt để nâng cao nhất tỷ lệ tận dụng ưu đãi mà đoàn đàm phán đã đạt được. Bởi vậy, hơn ai hết, doanh nghiệp phải chủ động tiếp cận ngành hàng và  hướng ngành hàng của mình vào những thị trường được ưu đãi thuế quan lớn nhất.

Việc có tới 2 trong số 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ và Nhật Bản, tạo ra thị trường lớn với hơn 800 triệu dân, chiếm 40% GDP toàn cầu, giao dịch hàng hóa chiếm 30% thương mại toàn cầu, TPP được đánh giá sẽ là FTA có tác động lớn nhất tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai gần.

Nhưng dù là “cú hích” tạo đà phát triển cho nền kinh tế Việt Nam, việc doanh nghiệp tận dụng được các cơ hội đến đâu lại phụ thuộc vào chính sự hội nhập của doanh nghiệp bên cạnh những cải cách của Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI, tìm hiểu về TPP càng sâu, đặc biệt là những câu chuyện xoay quanh lĩnh vực của doanh nghiệp, kèm theo đầu tư, chuyển đổi sản xuất, lựa chọn mặt hàng có tính cạnh canh càng sớm, cơ hội đến với doanh nghiệp sẽ tốt hơn.

Tại Cẩm nang doanh nghiệp cần biết do VCCI thực hiện với sự hỗ trợ của Sáng kiến Phát triển Khu vực Tư nhân vùng Mekong (MBI), được phát cho các doanh nghiệp tham gia hội thảo cũng có rất nhiều khuyến cáo cụ thể cho cộng đồng doanh nghiệp.

Đơn cử, để được hưởng ưu đãi thuế quan trong TPP, hàng hóa sản xuất ra phải đáp ứng quy tắc về xuất xứ và doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh dây chuyền sản xuất, thiết lập nguồn cung nguyên liệu mới để đáp ứng quy tắc này cũng như tìm kiếm khách hàng tại các thị trường TPP. Những công việc này đều cần thời gian, thậm chí là khá dài, vì vậy, doanh nghiệp cần hành động ngay để tận dụng tốt nhất khoảng thời gian quý giá này.

Một trong những khuyến cáo “nổi cộm” được các chuyên gia của VCCI nhắc tới là tính mở của TPP. Với số lượng các thành viên TPP không cố định và sẽ tiếp tục mở rộng ở các thời điểm khác nhau, doanh nghiệp phải nhanh nhạy nắm bắt, để có những điều chỉnh mới về kế hoạch kinh doanh cho phù hợp.

Dệt may, một trong những ngành có nhiều lợi ích trong các FTA, đặc biệt là TPP, đồng thời cũng là ngành mở cửa, tham gia hội nhập sớm cũng đưa ra những kinh nghiệm quý giá cho các ngành hàng xuất khẩu khác.

Ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú cho rằng, “công ty đã có sự chuẩn bị từ vài năm trước và hiện giờ đang là cao điểm trong quá trình đầu tư mở rộng sản xuất vào các sản phẩm thế mạnh của doanh nghiệp, thế mạnh trong xuất khẩu sang các nước thành viên TPP theo mô hình đầu tư chuỗi sản xuất khép kín. Ngay cuối quý 1/2016, Nhà máy sản xuất vải dệt kim tại Nha Trang với công suất 3.780 tấn/năm, tổng mức đầu tư 285 tỷ đồng sẽ đi vào hoạt động. Liền sau đó là Dự án Nhà máy dệt vải Denim ở Nha Trang với dây chuyền dệt nhuộm indigo hoàn chỉnh, năng lực 35,7 triệu sản phẩm/năm, tổng mức đầu tư là 698 tỷ đồng cũng được đưa vào vận hành để bổ sung thêm năng lực cho toàn Tổng công ty.

“Đầu tư khẩn trương, dồn dập nhưng trên cơ sở nghiên cứu và xem xét kỹ nhu cầu thị trường chứ không hời hợt là cách để Phong Phú tận dụng tốt nhất thời cơ về mở cửa thị trường hàng hóa, trong đó Việt Nam và các đối tác cam kết dành ưu đãi thuế quan cho hàng hóa của nhau nếu thỏa mãn các quy tắc xuất xứ trong cam kết”, ông Trình nói.

TPP không còn là lời hứa
Thứ Năm tuần này (ngày 4/2), đoàn Việt Nam sẽ có mặt tại Auckland (New Zealand) để đặt bút ký chính thức vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư