Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Tận dụng mọi cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế
Nguyễn Lê - 15/11/2021 08:18
 
Đặt mục tiêu thích ứng an toàn với dịch Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên đầu, song Quốc hội cũng yêu cầu tận dụng mọi cơ hội để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã được Quốc hội thông qua với 100% đại biểu nhấn nút thuận

Tính toán kỹ lưỡng chỉ tiêu tăng trưởng

Cuối tuần qua, Nghị quyết về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã được Quốc hội thông qua với 100% đại biểu nhấn nút thuận. Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp là thông điệp đầu tiên được nêu tại mục tiêu tổng quát của kế hoạch này.

Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

So với dự kiến ban đầu của Chính phủ, chỉ tiêu tăng GDP của kế hoạch năm sau không thay đổi, dù quá trình thảo luận ghi nhận không ít băn khoăn. Theo đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%. GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%...

Trước khi Quốc hội bấm nút, báo cáo tiếp thu, giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đại biểu cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, mức tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5% là khá cao, khó hoàn thành, nên đặt mức tăng trưởng GDP khoảng 5-5,5%.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021 trên nền tăng trưởng thấp (tăng khoảng 2% so với năm 2020), bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6-6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ phục hồi kinh tế, thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời để bảo đảm sự hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu cho năm 2022, do đó, dự thảo Nghị quyết vẫn giữ nguyên chỉ tiêu này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giải trình ý kiến đề nghị cần nghiên cứu xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, đặt mục tiêu cao hơn đối với chỉ tiêu lao động qua đào tạo năm 2021 đạt 67%; tăng tỷ lệ bội chi lên 5% GDP, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP khoảng 55%...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng chiến lược vắc-xin toàn diện được triển khai rất tích cực, đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng với Chính phủ đang khẩn trương xây dựng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nội dung cân đối ngân sách và bội chi, sẽ sớm trình Quốc hội xem xét.

“Việc xây dựng kịch bản tăng trưởng, các chỉ tiêu chủ yếu đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. Tuy nhiên, Chính phủ cần chủ động hơn nữa trong công tác điều hành để có thể đạt được kết quả ở mức cao nhất, phấn đấu vượt các chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường được Quốc hội quyết định”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh.

Xây dựng nền kinh tế tự chủ, năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp

Chỉ có 2 vị không tán thành và 3 người không biểu quyết, Nghị quyết về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua.

Nghị quyết nêu rõ quan điểm tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở kế thừa và phát triển, vừa toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có dư địa lớn và khả năng bắt kịp, tiến cùng, vượt lên ở khu vực, thế giới và 3 lĩnh vực quan trọng là cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là các tổ chức tín dụng; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Quốc hội đã quyết nghị nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, trong đó tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 bình quân 3,7% GDP; bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32 - 34% GDP, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng duy trì ở mức dưới 3%, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt tối thiểu 85% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 20% GDP, kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%...

Đáng chú ý, quá trình thảo luận, cả Ủy ban Kinh tế và đại biểu Quốc hội đều đề nghị cân nhắc, xem xét tính khả thi của mục tiêu “Phấn đấu đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, trong đó có khoảng 60.000 - 70.000 doanh nghiệp quy mô vừa và lớn”, song chỉ tiêu này vẫn được giữ nguyên.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thời gian qua, do tác động của dịch Covid-19, nên số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản đã tăng mạnh, do đó, việc nghiên cứu, cân nhắc điều chỉnh mục tiêu về số lượng doanh nghiệp là phù hợp.

Tuy nhiên, trên cơ sở hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp “triển khai”, đồng thời một trong những giải pháp được nêu tại Nghị quyết về việc triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, thì mục tiêu về số lượng doanh nghiệp cần đặt ra mục tiêu tích cực để nỗ lực phấn đấu và vẫn có thể đạt được.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, khi đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết giữa kỳ, sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Thanh cũng hồi âm ý kiến đề nghị cân nhắc tăng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 lên mức cao hơn 3,7% GDP, vì cho rằng, trong giai đoạn 2021 – 2025, cần nhiều đầu tư hơn cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, trước yêu cầu thực tiễn về nhu cầu đầu tư phục vụ Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc xem xét, điều chỉnh tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước cần phải được tính toán hợp lý, phù hợp. Chính phủ đang xây dựng Chương trình, nên việc xác định chính xác mức bội chi ngay tại Nghị quyết này chưa khả thi, do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị vẫn tiếp tục thực hiện mức bội chi ngân sách nhà nước là 3,7% GDP đến khi Quốc hội xem xét, quyết định Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Từ ngày 1/1/2022, áp dụng danh mục chỉ tiêu thống kê mới

Với đa số đại biểu tán thành, chiều 12/11, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục Chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, có hiệu lực thi hành từ ngày đầu tiên của năm sau.

Theo đó, Danh mục Chỉ tiêu thống kê quốc gia đã được sửa đổi, bổ sung từ 20 thành 21 nhóm và từ 222 chỉ tiêu thành 230 chỉ tiêu. Luật quy định, định kỳ 5 năm, rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính: Ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế
Dư địa cho các gói kích thích kinh tế đủ lớn là còn, có thể chấp nhận tăng bội chi trong 2 năm 2022-2023, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư