Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Tăng lãi suất, siết tín dụng, tiền vào kênh đầu cơ sẽ giảm?
Hà Tâm - 30/03/2021 11:16
 
Sản xuất, kinh doanh phục hồi chậm, nhưng tín dụng quý I/2021 của nhiều ngân hàng vẫn tăng vọt, nhiều khả năng tín dụng chảy vào lĩnh vực rủi ro.

Đây là một trong những lý do khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp room tín dụng thấp cho nhiều ngân hàng thương mại. 

Các khoản cho vay liên quan bất động sản quý I/2020 chiếm tới hơn 70% dư nợ của Techcombank.

Ngân hàng đổ vốn vào bất động sản

Hạn mức tín dụng mà NHNN vừa cấp cho nhiều ngân hàng thương mại thấp hơn nhiều so với dự kiến, khiến nhiều nhà đầu tư tin rằng, NHNN đang lo ngại dòng vốn đổ vào lĩnh vực rủi ro, nhất là bất động sản, chứng khoán và các kênh đầu cơ khác.

Tính đến giữa tháng 3/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 1,2%, trong khi tín dụng bất động sản chỉ tăng khoảng 1%. Tuy nhiên, tại nhiều ngân hàng thương mại, tỷ trọng cho vay bất động sản đang khá lớn. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm, tín dụng bất động sản tại các ngân hàng trên địa bàn Hà Nội chiếm tới 21% tổng dư nợ. Nếu tính cả tín dụng tiêu dùng đang chiếm gần 20% tổng dư nợ và chủ yếu là cho vay mua nhà, thì tín dụng bất động sản lớn hơn con số 21% rất nhiều. Tương tự, tại TP.HCM, dư nợ cho vay mua nhà và dự nợ tín dụng tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm cũng lên tới gần 30% tổng dư nợ cho vay.

Nhìn vào tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại, có thể thấy, những ngân hàng đẩy mạnh cho vay bất động sản, cho vay cá nhân mua nhà thời gian gần đây đều có tăng trưởng dư nợ cao.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc Ngân hàng MSB cho hay, tỷ trọng cho vay bất động sản tại MSB những tháng đầu năm 2021 chỉ tương đương với mức cuối năm 2020 (11% tổng dư nợ), thấp hơn nhiều so với năm 2019 (23%). Tuy vậy, báo cáo tài chính của ngân hàng này cho thấy, trong khi tỷ trọng tín dụng bất động sản giảm, thì tỷ trọng tín dụng xây dựng lại tăng mạnh. Hơn nữa, tỷ trọng cho vay cá nhân tại ngân hàng này cũng rất cao, trong đó chủ yếu là cho vay bất động sản.

Techcombank chưa công bố dư nợ cho vay bất động sản quý I/2021, song thời điểm này năm ngoái, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT cho hay, các khoản cho vay liên quan bất động sản quý I/2020 chiếm tới hơn 70% dư nợ của Techcombank. Theo báo cáo tài chính, năm 2020, tỷ trọng cho vay hoạt động kinh doanh bất động sản của ngân hàng này là gần 33% (tăng so với tỷ trọng 21% của năm 2019). Nếu tính cả dư nợ cho vay cá nhân - chủ yếu cho vay mua nhà - đang chiếm tới 40% tổng dư nợ, thì dư nợ cho vay bất động sản thực sự còn cao hơn nhiều.

Trong bối cảnh cơn sốt đất lan rộng, việc người dân và ngân hàng đổ vốn đầu tư vào kênh này không có gì là khó hiểu. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết: “Hệ thống ngân hàng ở Việt Nam liên thông chặt chẽ với thị trường bất động sản. Nói cách khác, vốn ngân hàng vẫn chủ yếu đổ vào bất động sản bằng nhiều con đường, nhiều hình thức, bởi đây là lĩnh vực béo bở nhất, nhiều đặc quyền nhất trong nền kinh tế”.

Theo lãnh đạo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), kinh doanh bất động sản là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, NHNN cũng đã có nhiều văn bản cảnh báo các ngân hàng thương mại. Năm 2021, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là đầu tư, kinh doanh bất động sản, các dự án có quy mô lớn, phân khúc cao cấp, biệt thự, nghỉ dưỡng, tập trung nguồn vốn tín dụng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà ở thương mại có hiệu quả cao, tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân, góp phần phát triển thị trường bất động sản ổn định, lành mạnh.

Mặc dù vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc kiểm soát tín dụng bất động sản hiện nay chưa hiệu quả. Dòng vốn từ ngân hàng vẫn đổ vào các dự án sân sau của các ông chủ, bà chủ ngân hàng, kiêm chủ các tập đoàn bất động sản. Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho thị trường và cả hệ thống ngân hàng.

Cần xem lại áp room, không cần thiết hạ thêm lãi suất

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất - kinh doanh vẫn phục hồi chậm do dịch bệnh. Bên cạnh đó, do mặt bằng lãi suất thấp, đã xuất hiện hiện tượng chuyển dịch dòng vốn tín dụng, dòng tiền đầu tư từ sản xuất - kinh doanh sang chứng khoán, bất động sản.

Theo chuyên gia này, tín dụng những năm gần đây tăng chậm hơn trước, song mức tăng trưởng những năm qua là không hề thấp. Hơn nữa, quy mô dư nợ tín dụng/GDP ngày càng lớn (hiện khoảng 140%), nên việc kiểm soát tín dụng tăng ở mức 10-12% trong năm nay là hợp lý. Mặc dù vậy, chuyên gia này cho rằng, nên kiểm soát tín dụng bằng các biện pháp thị trường, các chỉ số quản lý rủi ro, thay vì biện pháp hành chính.

Đồng tình ý kiến này, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, room tín dụng là một hình thức “giấy phép con” mà không còn quốc gia nào trên thế giới áp dụng. “NHNN nên bỏ dần room tín dụng, chuyển sang các hình thức quản lý tín dụng thị trường hơn, ví dụ dựa vào hệ số an toàn vốn, an toàn thanh khoản… Thực tế, đặt room tín dụng hiện nay chỉ làm giảm tín dụng với doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong khi tín dụng với doanh nghiệp sân sau thì NHNN vẫn chưa có giải pháp kiểm soát”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận xét.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng, NHNN không nên cố gắng giảm lãi suất hơn nữa, bởi mặt bằng lãi suất thấp cũng đang gây ra nhiều mặt trái. Việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp thời gian qua đã gây ra một số hệ lụy nhất định khi dòng tiền có dấu hiệu chuyển dịch từ ngân hàng, từ đầu tư sản xuất - kinh doanh sang các kênh đầu cơ, nguy cơ gây ra bong bóng tài sản.

Tín dụng tăng chậm trong quý I/2020 là có tính chu kỳ, cộng thêm yếu tố dịch bệnh. Với mặt bằng lãi suất thấp như vậy, có một số hiện tượng chuyển dịch kênh đầu tư sản xuất - kinh doanh sang chứng khoán, bất động sản… Chúng ta phải chấp nhận hiện tượng này vì đó là sự lựa chọn của người dân, nhưng phải khuyến cáo để người dân tránh rơi vào hội chứng bầy đàn.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Lượng đoán các yếu tố để chọn kênh đầu tư
Có hai căn cứ để chọn kênh đầu tư là lãi suất trên các kênh trong thời gian qua và lượng đoán các yếu tố tác động đến lãi suất trên các kênh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư