Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Tăng nhập khẩu từ các nước có mối quan hệ thương mại để kiểm soát giá thịt lợn trong nước
Phương Anh - 12/03/2020 09:51
 
Đây là một trong những giải pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình nguồn cung và kiểm soát giá thịt lợn.
.
2 tháng đầu năm 2020 (tính đến ngày 29/2) Việt Nam đã nhập khẩu 65.865 tấn thịt các loại. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 98,7% số xã có bệnh dịch tả lợn châu Phi) đã qua 30 ngày; trong đó có 39 tỉnh, thành phố đã hết bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước chỉ phát sinh thêm 24 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi làm 20.177 con lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy. Dự kiến hết tháng 3, tổng số lợn buộc phải tiêu hủy dưới 4.000 con, giảm 46% so với tháng 2.

Theo báo cáo của cơ quan quản lý chuyên ngành chăn nuôi và thú y của các tỉnh, thành phố, đến ngày 10/3, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào tháng 12).

Ngay từ tháng 7/2019 (sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi qua đỉnh điểm), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc họp với tất cả 18 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, điển hình như Công ty CP Việt Nam, Công ty Dabaco… để chỉ đạo việc tăng đàn, giảm giá bán thịt lợn cũng như thành lập nhiều đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra tình hình phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, hướng dẫn, đôn đốc việc chỉ đạo nuôi tái đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.

Sau khi dịch qua đỉnh điểm vào tháng 5/2019, việc tái đàn đã được triển khai ngay tại các địa phương. Tuy nhiên, thời gian phục hồi đàn lợn cần khoảng 5-7 tháng. Do đó, từ tháng 1 đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn. 

“Nhiều địa phương đã nuôi tái đàn thành công (như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa, Bình Định, Đồng Nai,...) khẳng định việc nuôi tái đàn đã có kết quả, lượng thịt lợn đủ cung ứng cho nhu cầu của các địa phương, thậm chí có thể cung cấp cho cả các địa phương xung quanh”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, sẽ tăng cao từ tháng 3 và nguồn cung thịt heo cho năm 2020 đạt khoảng 4 triệu tấn (trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh).

Về mặt nhập khẩu, báo cáo của các Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu thuộc Cục Thú y cho biết: Tổng sản lượng thịt các loại nhập khẩu từ các nước trong năm 2019 là 280.474 tấn (tăng khoảng 17% so với năm 2018 là 239.000 tấn); năm 2020 (tính đến ngày 29/2) là 65.865 tấn.

Từ cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan hỗ trợ, thúc đẩy nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ và các nước có mối quan hệ thương mại (Brazil, Đức, Liên bang Nga, Australia,...).

Từ tháng 1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thú y làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của Lào và Campuchia để xúc tiến các thủ tục nhập khẩu lợn sống từ các nước này theo nguyên tắc bảo đảm tuân thủ các quy định và không có nguy cơ về dịch bệnh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thành lập đoàn công tác sang Hoa Kỳ để thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước, trong đó có nội dung tăng nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, ngày 6/3 vừa qua, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã làm việc với Chủ tịch Tập đoàn Miratorg của Liên bang Nga về hợp tác thúc đẩy xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Dự kiến, cuối tháng 3 tập đoàn này sẽ có các lô hàng thịt lợn xuất khẩu sang Việt Nam.

Tạo điều kiện để thịt lợn Nga vào thị trường Việt Nam
Tại buổi làm việc với ông Viktor Linnik, Chủ tịch Tập đoàn Miratorg, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư