Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tăng thuế xuất khẩu, doanh nghiệp vàng kêu khó
Hà Tâm - 27/03/2015 08:37
 
Các DN cho rằng, tăng thuế xuất khẩu lên 2% sẽ khiến DN vàng nữ trang thêm khó sống.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hiệp hội vàng phản đối tăng thuế xuất khẩu vàng trang sức
Không giảm thuế xuất khẩu, Niken Bản Phúc có đóng cửa ?
Doanh nghiệp nhận đúng luật, Hải quan phán truy thu
PNJ "bình chân" khi tăng thuế xuất khẩu vàng trang sức

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 36/2015/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ và các sản phẩm khác bằng vàng thuộc các nhóm 71.13, 71.14, 71.15 tại Biểu thuế xuất khẩu. Mức điều chỉnh là từ 0% lên 2%, bắt đầu từ ngày 7/5/2015.

Tăng thuế xuất khẩu, doanh nghiệp vàng kêu khó
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 36/2015/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng vàng trang sức, kỹ nghệ 

Cụ thể, các mặt hàng được điều chỉnh thuế gồm: Đồ trang sức và các bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng, có hàm lượng vàng từ 95% trở lên (mã 7113.19.10 và 7113.19.90); đồ kỹ nghệ vàng hoặc bạc và các bộ phận rời của đồ kỹ nghệ vàng bạc bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý, có hàm lượng vàng từ 95% trở lên (mã 7114.19.00); các sản phẩm khác bằng vàng, đã hoặc chưa mạ hoặc dát phủ kim loại quý, có hàm lượng vàng từ 95% trở lên (mã 7115.90.10).

Các mặt hàng đồ kim hoàn bằng vàng (thuộc nhóm 71.13), đồ kỹ nghệ bằng vàng (thuộc nhóm 71.14) và các sản phẩm khác bằng vàng (thuộc nhóm 71.15) để được áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu 0% cần phải đáp ứng điều kiện: Ngoài hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu theo quy định chung, phải có Phiếu kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng dưới 95% do tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ cấp.

Các tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định gồm: Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3, Viện Ngọc học và Trang sức Doji, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu – Trung tâm vàng hoặc tổ chức có quyết định chỉ định tổ chức thử nghiệm xác định hàm lượng vàng của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Trường hợp các mặt hàng là đồ kim hoàn bằng vàng (thuộc nhóm 71.13), đồ kỹ nghệ bằng vàng (thuộc nhóm 71.14) và các sản phẩm khác bằng vàng (thuộc nhóm 71.15) xuất khẩu theo hình thức gia công xuất khẩu hoặc có đủ điều kiện xác định là được sản xuất từ toàn bộ nguyên liệu nhập khẩu, xuất khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu thì khi làm thủ tục hải quan thực hiện theo quy định hiện hành, không phải xuất trình Phiếu kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng.

Đối với trường hợp xuất khẩu theo hình thức sản xuất xuất khẩu, khi làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp phải xuất trình giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu của ngân hàng nhà nước theo quy định tại Thông tư số 16/2012/TT-NHNN hướng dẫn một số điều của Nghị định số 24/2012/NĐ-CPcủa Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Việc tăng thuế xuất khẩu vàng khiến nhiều DN vàng lo lắng. Trước đó, khi Bộ Tài chính ban hành dự thảo Thông tư trên, Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam đã có công văn số 44/2014 gửi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ lo ngại về mức thuế 2% nêu trên.

Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, hiện Chính phủ đã có chủ trương thu hẹp sản xuất, kinh doanh vàng miếng và khuyến khích vàng trang sức, mỹ nghệ. Vì vậy, thời gian qua, các DN đã đầu tư mạnh mẽ cho phát triển hoạt động sản xuất- kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, tuyển dụng thêm hàng ngàn lao động.

Tuy nhiên, do nền kinh tế đang gặp khó khăn,  tổng cầu suy giảm mạnh, nên hoạt động tiêu thụ vàng trang sức, mỹ nghệ ở trong nước gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp vàng bạc đá quý đang tìm cách đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu mặt hàng này, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn, do từ một vài năm nay, các doanh nghiệp này chưa được phép vay vốn tín dụng ngân hàng và chưa được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mà chủ yếu phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường.

Hơn nữa, từ nhiều tháng nay, giá vàng Việt Nam luôn cao hơn khá nhiều so với giá vàng quốc tế và chênh lệch giá mua, bán vàng cũng không đáng kể, chỉ khoảng 1/1.000.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vàng bạc đá quý Trung Quốc, Thái Lan, Inđônêxia, Ấn Độ… đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp Việt Nam (thuế xuất khẩu bằng 0%, được nhập khẩu nguồn nguyên liệu, chi phí nhân công rẻ hơn, thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại hơn…), đồng thời chính sách vĩ mô của các quốc gia này cũng rất ổn định để khuyến khích phát triển thị trường vàng bạc đá quý.

Vì vậy, các doanh nghiệp vàng bạc đá quý Việt Nam sẽ không thể thực hiện xuất khẩu được mặt hàng vàng trang sức, mỹ nghệ trong thời gian tới, nếu phải chịu mức thuế suất 2% như quy định tại dự thảo Thông tư nói trên.

Theo Hiệp hội, việc xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ là xuất khẩu giá trị lao động sống và tái tạo ngoại tệ từ nguồn nguyên liệu, máy móc, công nghệ nhập khẩu nên cần được khuyến khích để tạo việc làm hàng vạn lao động ở các làng nghề… Bên cạnh đó, khi Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), thì ngành vàng bạc đá quý Việt Nam sẽ còn chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt hơn nữa.

Do vậy, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị Phó thủ tướng xem xét chỉ đạo giữ nguyên mức thuế suất xuất khẩu đối với mặt hàng này như hiện hành là 0% trong một thời gian nữa để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định được hoạt động sản xuất kinh doanh để phát triển thị trường xuất khẩu, đồng thời góp phần củng cố lòng tin của các doanh nghiệp vào sự ổn định của chính sách vĩ mô để họ yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh.

Trong trường hợp xét thấy cần thiết phải áp mức thuế suất xuất khẩu cho mặt hàng này, Hiệp hội vàng đề nghị chỉ áp thuế suất xuất khẩu 0,5% đối các nhóm hàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng lớn hơn 99% nếu cơ quan quản lý Nhà nước muốn hạn chế xuất khẩu vàng có hàm lượng cao, bởi vì theo thông lệ quốc tế, vàng có hàm lượng trên 99% được coi như là vàng nguyên liệu.

Còn với nhóm hàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng nhỏ hơn 99%, cần áp thuế xuất khẩu 0%, vì theo thông lệ quốc tế, loại vàng có hàm lượng thông thường này được coi như là vàng trang sức, mỹ nghệ.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư