Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Tăng tốc cuộc đua chuyển đổi số ngành y tế
M.A - 28/12/2020 17:34
 
Cuộc đua công nghệ y tế đang nóng lên, khi doanh nghiệp nội, ngoại đang đẩy mạnh các kế hoạch phát triển nhằm giành lợi thế trên hành trình chuyển đổi số của thị trường nhiều tiềm năng này.
Triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Triển khai nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Doanh nghiệp nội tăng cường đầu tư

Theo kế hoạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẽ triển khai thí điểm phòng khám từ xa tại Bệnh viện Đa khoa TP. Hà Tĩnh từ đầu tháng 1/2021, với mục tiêu nâng cao chất lượng khám và điều trị các ca bệnh khó, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế cao, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Có thể nói, đây là bước đi mới nhằm thực Đề án Khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) giai đoạn 2020 - 2025 của Bộ Y tế. 

Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là một trong những bệnh viện đầu tiên khánh thành Trung tâm Telehealth. Nhiều bệnh viện khác cũng tham gia “cuộc đua” Telehealth sau đó. Đến nay, ngành y tế đã xây dựng được 1.300 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth.

Đồng hành cùng các bệnh viện, cơ sở y tế trong thực hiện Đề án, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã ấp ủ những kế hoạch mới, với những giải pháp nhằm tăng sự hiện diện trên thị trường. Điều này khiến thị trường ngày càng cạnh tranh hơn, thúc giục họ có giải pháp và chiến lược thông minh hơn để giành lợi thế.

Hiện nay, trong lĩnh vực công nghệ thông tin y tế, những tên tuổi lớn chủ yếu là Viettel Solutions, VMED Group, VNPT, FPT Healthcare, Isofth…

Viettel Solutions là tên tuổi “nổi” nhất hiện nay. Trong thời gian qua, Viettel đã phối hợp với hơn 1.000 bệnh viện khánh thành trung tâm Telehealth và đang hỗ trợ nhiều bệnh viện khác phát triển nền tảng này.

Một tên tuổi lớn khác trên thị trường là Tập đoàn VMED - công ty cung cấp các giải pháp và dịch vụ y tế đứng đầu Việt Nam. Cùng với Viettel, VMED cũng tham gia hỗ trợ thực hiện Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025 với một loạt giải pháp cho các chuyên khoa ngoại, sản, nhi, tim mạch, hồi sức cấp cứu (Tele ICU).

Theo đại diện VMED, doanh nghiệp này cũng đang lên kế hoạch tìm những start-up phù hợp định hướng Tập đoàn để tiến hành đầu tư. “Chúng tôi đang xây dựng một trung tâm mô phỏng bệnh viện thu nhỏ, có đầy đủ phần cứng, phần mềm, quy trình, biểu mẫu; cung cấp những dịch vụ như hoạch định, tài chính, quản trị... để các start-up có thể tới tìm hiểu các vấn đề, thử nghiệm các giải pháp của mình, đồng thời làm nơi trình diễn được các sản phẩm, giải pháp của mình đối với các nhà đầu tư, người sử dụng”, đại diện VMED nói.

Tập đoàn FPT cũng là tên tuổi lớn trong thị trường công nghệ y tế. Với hơn 20 năm kinh nghiệm xây dựng ứng dụng CNTT cho hơn 200 bệnh viện ở cả Trung ương và địa phương, FPT đã cho ra mắt nhiều sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu của ngành y tế trong ký nguyên số, trong đó có phần mềm FPT.eHospital đáp ứng yêu cầu phát triển bệnh viện thông minh. 

“Ông lớn” ngoại đua tranh

Các tập đoàn dược đa quốc gia như Novartis, AstraZeneca, Sanofi và GSK cũng đang triển khai nhiều kế hoạch tại thị trường Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nitin Kapoor, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn AstraZeneca Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi sẽ sớm hoàn thành xây dựng 60 phòng Neb thông minh cho các bệnh viện nhi đồng tại Việt Nam. Đây là mô hình điều trị kiểu mẫu trong tương lai, cho phép thực hiện những phân tích dữ liệu lâm sàng chính xác hơn”.

Tương tự, tập đoàn dược của Thụy Sỹ F. Hoffmann-La Roche, một trong 10 tập đoàn dược lớn nhất thế giới về doanh thu, đang tăng tốc chuẩn bị ra mắt nền tảng thông tin dành cho các nhân viên y tế tại Việt Nam, giúp tối đa hóa kết quả khám chữa bệnh.

Nhiều tập đoàn đa quốc gia khác như Sanofi, Novartis hay Pfizer cũng không đứng ngoài cuộc chơi số hóa. Novartis dự kiến tiếp tục củng cố việc chuyển đổi số bằng những đầu tư dài hạn hơn, chẳng hạn chuyển đổi mô hình hoạt động và vận dụng tối đa tương tác trực tuyến với nhân viên y tế, cung cấp những nền tảng kỹ thuật số cho các hoạt động tương tác với khách hàng. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ nhân viên y tế nâng cao năng lực trong ứng dụng các công cụ kỹ thuật số trong môi trường mới.

Sanofi cũng đang thúc đẩy số hóa nhằm hỗ trợ bác sỹ và bệnh nhân. Với cách tiếp cận số mới, công ty đang và sẽ cung cấp phương thức thuận lợi giúp bác sỹ tiếp cận được thông tin y tế, điều trị mới nhất.

Cần phải nhấn mạnh rằng, trong thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp cận các công nghệ số như vạn vật y tế kết nối (IoT), AI, điện toán đám mây (Cloud Computing), phân tích dữ liệu lớn (Big Data)... Đến thời điểm này, 100% bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có 10 bệnh viện và một phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy.

Mục tiêu chuyển đổi số của ngành y tế 5 năm tới là phấn đấu 100% cơ sở y tế trên toàn quốc triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; 90% người dân có hồ sơ sức khoẻ điện tử; 100% triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa và đặt lịch khám chữa bệnh trực tuyến. Đến năm 2025, 15% (khoảng 210 bệnh viện/1.400 bệnh viện) chuyển đổi số thành công và phấn đấu đến 2030, tăng tỷ lệ này lên 50%.

Chương trình chuyển đổi số y tế quốc gia 2020 - Ehealth Vietnam Summit sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, ngày 29 - 30/12/2020, do Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế đồng chủ trì. Chương trình nhằm tổng kết chuyển đổi số Việt Nam năm 2020, đạt mục tiêu kép chống Covid-19 và giữ được tăng trưởng kinh tế.
Bước tiến lớn trong chuyển đổi số ngành y tế
Ngày 25/9, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa, đánh dấu cột mốc quan trọng trong chuyển đổi số ngành y...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư