Thứ Hai, Ngày 07 tháng 04 năm 2025,
Tăng trưởng GDP quý I ước đạt 6,93%, cao nhất giai đoạn 2020-2025
Hà Nguyễn - 06/04/2025 08:45
 
Mức tăng trưởng 6,93% của quý I/2025 cao hơn con số đề ra ở kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7% tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, nhưng chưa đạt mục tiêu phấn đấu của kịch bản tăng trưởng năm 2025 đạt 8%.

Tăng trưởng GDP tích cực, quý I đạt 6,93%

Sáng nay (6/4), Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, GDP quý I ước tăng trưởng 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Đây mức tăng trưởng tích cực, cao nhất trong các quý I của giai đoạn 2020-2025 (tốc độ tăng trưởng GDP quý I của các năm 2020-2025 lần lượt là: 3,21%; 4,85%; 5,42%; 3,46%; 5,98% và 6,93% - PV). Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất thế giới, khu vực.

Mức tăng trưởng này đã vượt mục tiêu đặt ra với quý I/2025 (từ 6,2-6,6%) của kịch bản tăng trưởng cả năm 6,5-7% tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, tuy nhiên chưa đạt mục tiêu phấn đấu của kịch bản tăng trưởng năm 2025 đạt 8% (trong đó mục tiêu của quý I tăng 7,7%).

Nguyên nhân là do bối cảnh thế giới biến động nhanh, khó đoán định, ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội Việt Nam, trong khi thời gian thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên chưa nhiều. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm chúng ta đồng thời triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, phức tạp về sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, trong mức tăng trưởng 6,93% của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42%, đóng góp 40,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,7%, đóng góp 53,74%.

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế tích cực, một điểm sáng khác của nền kinh tế trong quý I/2025 là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm.

Cụ thể, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 3,22% so với cùng kỳ; tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, phù hợp, mặt bằng lãi suất cho vay mới có xu hướng giảm; thu ngân sách đạt 36,7% dự toán, tăng 29,3% so với cùng kỳ, bảo đảm nguồn lực cho đầu tư phát triển và triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu quý I lần lượt tăng 13,7%, 10,6% và 17% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 3,16 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký gần 11 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ; vốn thực hiện đạt gần 5 tỷ USD, tăng 7,2%...

Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, quý I/2025, hoạt động sản xuất - kinh doanh duy trì đà tăng trưởng tích cực. Khu vực nông nghiệp, dịch vụ đạt tốc độ tăng khá, bám sát kịch bản; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I tăng 9,9% so với cùng kỳ, thu hút khách du lịch quốc tế đạt trên 6 triệu lượt người, tăng 29,6%...

Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo quý I ước tăng 9,28%, duy trì tăng trưởng tích cực theo kịch bản (9,8%) và tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế.

 Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 gặp thách thức lớn

Mặc dù tăng trưởng GDP quý I là tích cực, song báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, những khó khăn, thách thức, biến động chung của thế giới, khu vực tác động ngày càng lớn đến kinh tế - xã hội Việt Nam.

Một trong số đó chính là các động lực tăng trưởng có nguy cơ suy giảm, khiến mục tiêu tăng trưởng năm 2025 gặp thách thức nặng nề hơn.

Theo Bộ Tài chính, nếu bị áp mức thuế 46% trên diện rộng, xuất khẩu sang Mỹ sẽ bị tác động mạnh, lây lan ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, doanh nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, tiêu dùng, lao động việc làm trong nước…

Kết quả khảo sát sơ bộ của Bộ Tài chính cho thấy, các doanh nghiệp đánh giá 5 nhóm hàng chịu tác động lớn nhất là: điện tử, máy tính; dệt may, da giày; gỗ và sản phẩm từ gỗ; thủy sản; máy móc, thiết bị.

“Đây cũng là các nhóm ngành hàng sử dụng nhiều lao động và có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ. Trong ngắn hạn, mức độ tác động có thể chưa rõ nét, do nhiều doanh nghiệp đã chủ động đẩy mạnh xuất khẩu, tích trữ hàng hóa sang Mỹ trong các tháng trước”, Bộ Tài chính nhận định.

Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đang gặp áp lực lớn.   (Ảnh: VGP)

Cũng theo Bộ Tài chính, cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm đã mở ra dư địa và thời gian để đàm phán với Mỹ, nhưng cần triển khai rất khẩn trương, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực ngoại giao, thương mại… và chủ động nghiên cứu, chuẩn bị ban hành ngay các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp Mỹ vẫn áp mức thuế cao đối với Việt Nam, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến kinh tế, tâm lý của thị trường, nhà đầu tư và dòng tiền của doanh nghiệp.

Cùng với áp lực về tăng trưởng, Bộ Tài chính cho rằng, ổn định kinh tế vĩ mô cũng đối diện với rủi ro gia tăng.

Cụ thể, điều hành tỷ giá gặp sức ép lớn do nguy cơ suy giảm thặng dư thương mại, cán cân thanh toán, cán cân vãng lai. Do đó, mục tiêu ưu tiên là cần giữ ổn định tỷ giá phù hợp để ổn định tâm lý thị trường, nhà đầu tư, hạn chế áp lực tăng chi phí nhập khẩu, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, việc hoàn thiện thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc; đời sống của một bộ phận người dân, người lao động dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng, thu hẹp…

“Đây là sức ép rất lớn trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, yêu cầu sự chủ động, quyết liệt, sát sao, đổi mới hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương”, Bộ Tài chính nhận định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư