Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tanzania học hỏi kinh nghiệm triển khai công tác đăng ký kinh doanh của Việt Nam
Thanh Huyền - 25/05/2016 18:42
 
Trong chuyến trao đổi và học hỏi kinh nghiệm triển khai công tác đăng ký kinh doanh của Việt Nam từ ngày 22/6 đến 29/6, Đoàn công tác của Tanzania và Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa có buổi trao đổi kinh nghiệm triển khai công tác đăng ký kinh doanh.
Buổi làm việc giữa Đoàn công tác Tanzania với Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Ảnh: K.T)
Buổi làm việc giữa Đoàn công tác Tanzania với Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Ảnh: K.T)

Buổi làm việc có sự tham dự của ông Patrick Gilabert, Trưởng Đại diện Văn phòng UNIDO tại Việt Nam; ông Frank Kanyusi Frank, Giám đốc điều hành Cơ quan Đăng ký kinh doanh và cấp giấy phép Tanzania; bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cùng các chuyên gia đến từ Tanzania và Việt Nam.

Những nội dung chính mà Tanzania muốn học tập kinh nghiệm gồm: khung khổ pháp lý, phát triển và vận hành Hệ thống đăng ký doanh nghiệp, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng, các điều kiện về nguồn lực (con người, tài chính, hạ tầng IT…), đào tạo nhân lực và người sử dụng Hệ thống.

Tại buổi làm việc, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã chia sẻ với Đoàn công tác của nước bạn những kinh nghiệm đúc rút được sau 10 năm triển khai Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh.

Việt Nam đã bắt đầu Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh kể từ năm 2007 dưới sự hỗ trợ của UNIDO và một số tổ chức quốc tế khác. Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay, Chương trình đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong tất cả các mặt: khung khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ chế phối hợp liên ngành và phát triển nguồn lực.

Về khung khổ pháp lý, Việt Nam đã có được hệ thống quy định pháp lý về đăng ký kinh doanh tương đối hoàn thiện theo hướng đề cao quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình gia nhập và hoạt động trên thị trường. Theo đó, hồ sơ, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được đơn giản hóa, giúp doanh nghiệp tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.

Về hạ tầng CNTT, đã xây dựng thành công và đưa vào vận hành Hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia kể từ năm 2010. Cho đến nay, Hệ thống đã được phát triển gồm 3 cấu phần chính là Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia có khả năng cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến về đăng ký kinh doanh bao gồm: Đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, Đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp, Dịch vụ cung cấp thông tin, Tra cứu tên doanh nghiệp, Chuẩn hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Hiện nay, Hệ thống đang tiếp tục được nâng cấp, mở rộng để cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh thông qua Hệ thống này.

Về cơ chế phối hợp liên ngành, năm 2010, đã thiết lập được cơ chế liên thông điện tử giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế. Đây được coi là mô hình liên thông điện tử đầu tiên trong khối cơ quan quản lý nhà nước ở Việt Nam. Hiện nay, việc phối hợp trao đổi thông tin giữa hai bên được thực hiện thường xuyên, liên tục và hoàn toàn thông qua Hệ thống; nhờ đó, Cơ sở dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp của hai ngành đã được thiết lập tương đối đồng nhất và trở thành nguồn dữ liệu quan trọng, đáng tin cậy phục vụ cho công tác xây dựng chính sách.

Song song với việc xây dựng khung khổ pháp lý, hạ tầng CNTT, công tác phát triển nguồn lực, bao gồm tài chính và nguồn lực con người cũng đã được chú trọng thực hiện và được coi là một trong những điều kiện quyết định sự thành công của Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh.

Những nỗ lực và kết quả của Chương trình cải cách đăng ký kinh doanh ở Việt Nam đã được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận. Ở trong nước, Đăng ký kinh doanh đã nhiều năm liền được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là lĩnh vực tốt nhất. Trong Báo cáo của một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam cũng được đánh giá là đã có những cải thiện trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh.

Với những điểm tương đồng trong kinh nghiệm triển khai công tác đăng ký kinh doanh giữa hai nước, Bà Trần Thị Hồng Minh khẳng định, “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những bài học kinh nghiệm quý giá đã đúc rút được trong suốt thời gian qua và hy vọng rằng, những kinh nghiệm, thông tin mà các bạn thu hoạch được thông qua Chương trình công tác này sẽ đóng góp thiết thực cho kế hoạch phát triển lĩnh vực đăng ký kinh doanh mà Tanzania đang thực hiện dưới sự hỗ trợ của UNIDO”.

Phải đình chỉ vụ án chủ quán phở chậm nộp đăng ký kinh doanh
Phân tích pháp lý vụ Chủ quán phở Nguyễn Văn Tấn ở huyện Bình Chánh, TP.HCM bị xử lý hình sự sau khi chậm nộp giấy đăng ký kinh doanh.
Bình luận bài viết này
  • Hoàng Huỳnh 17:49 | 26-05-2016
    Tôi đã từng có thời gian công tác 1 năm tại Tanzania năm 2005 cho một dự án của UNICEF tại đây, vào thời điểm mà chỉ có 6 người Việt Nam lưu trú tại đất nước này bao gồm 2 vợ chồng ngài Đại sứ và 1 anh tùy viên. Đất nước ,phong cảnh, cách sống và con người... là những kỷ niệm theo tôi mãi, chắc chắn là tôi sẽ quay lại đây một ngày không xa. Về kinh doanh thì tôi thực sự cảm nhận là Việt Nam chúng ta hoàn toàn có rất nhiều cơ hội và chắc chắc sẽ gặt hái được nhiều thành công.
Xem thêm trên Báo Đầu Tư