Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp
Như Chính - 27/01/2018 09:18
 
Năm 2018, tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018.

Theo đó, mục tiêu cụ thể đối với ngành nông nghiệp trong năm 2018 đã được xác định tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương là: Tăng trưởng khu vực nông nghiệp đạt 3,0%, trong đó, nông nghiệp 2,25%, lâm nghiệp 6,0%, thủy sản 5%; kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD; có ít nhất 52 đơn vị hành chính cấp huyện và 37% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để thực hiện mục tiêu đó, giải pháp trọng tâm năm 2018 là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chủ động, sáng tạo, tìm lợi thế để phát triển, khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và giải pháp của ngành đảm bảo mục tiêu tăng trưởng năm 2018.

Bên cạnh đó, tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, khuyến khích phát triển liên kết theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ; giảm chi phí trung gian để nâng cao thu nhập cho nông dân; tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, đẩy mạnh chế biến sâu, chế biến tinh, ứng dụng khoa học công nghệ, các quy trình sản xuất tiên tiến nhằm nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Tập trung chuyển đổi, cơ cấu lại cây trồng vật nuôi trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế của từng vùng, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi khác hiệu quả hơn; đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng, kinh tế biển.  

Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, nhân rộng những mô hình sáng tạo, hiệu quả như mô hình hội quán ở tỉnh Đồng Tháp, mô hình tích tụ tập trung ruộng đất, thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tư phát triển nông nghiệp đã thành công ở một số địa phương. Chủ động rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ và của Bộ; kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung một số quy định tại các Luật có liên quan để kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản, triển khai các giải pháp cụ thể phát triển nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững; quyết liệt ngăn chặn việc khai thác hải sản trái phép, không khai báo, không quản lý; khẩn trương đề nghị Cộng đồng châu Âu bỏ “thẻ vàng” đối với Việt Nam trong quý II năm 2018; thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi đất rừng sang các mục đích sử dụng khác.

Phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ nông nghiệp nhằm giảm chi phí, thời gian vận chuyển, bảo quản, kiểm định, kiểm dịch và các loại phí liên quan đến sản xuất, tiêu thụ nông sản. Giao các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương rà soát, đề xuất giải pháp phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Khánh thành Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp tại ĐBSCL
Tập đoàn BASF vừa tổ chức Lễ khánh thành Trung tâm Thực nghiệm và Chuyển giao Kỹ thuật Nông nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ thực vật tại huyện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư