Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 05 năm 2024,
Tập đoàn Đèo Cả tham gia phát triển hạ tầng đường sắt
P.V - 12/02/2024 10:08
 
Bên cạnh loạt dự án đường bộ được rốt ráo triển khai thực hiện, Tập đoàn Đèo Cả đã chính thức góp mặt trong lĩnh vực hạ tầng đường sắt.

Thi công hầm đường sắt Khe Nét

Tháng 12/2023, Ban Quản lý đường sắt (Bộ Giao thông - Vận tải) công bố Liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty TNHH Xây dựng IL Sung là nhà thầu Gói thầu XL01 thi công xây dựng 2 hầm đường sắt của Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét (Quảng Bình) thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, với giá trúng thầu 554,594 tỷ đồng. Trong đó, hầm 1 có chiều dài 620 m, dự kiến xây dựng trong 23 tháng, hầm 2 có chiều dài 393 m, dự kiến xây dựng trong 13,5 tháng, khổ hầm 10 m, được thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I.


Cùng với việc khẩn trương đào tạo nhân sự ngành đường sắt, chúng tôi đã hợp tác với các đơn vị có kinh nghiệm đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… học tập công nghệ, chuẩn bị thiết bị hiện đại để thi công, củng cố năng lực tổ chức để đấu thầu.

- Ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả

Gói thầu XL-01 là một trong những gói thầu chính thuộc Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM, sử dụng vốn vay ODA và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Gói thầu XL-01 được đấu thầu hạn chế quốc tế. Để trúng thầu, Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Xây dựng IL Sung đã vượt qua 2 liên danh nhà thầu Hàn Quốc và Việt Nam khác.

Với việc cải tạo đường đèo thành đường hầm xuyên núi, công trình sau khi hoàn thành đóng vai trò cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt, nâng cao tốc độ, rút ngắn hành trình, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM giai đoạn tới, phù hợp với Quy hoạch Tổng thể phát triển ngành giao thông - vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Chiến lược Phát triển giao thông - vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kích hoạt tuyến đường sắt Việt - Lào

Trước đó, tháng 10/2023, Bộ Giao thông - Vận tải có Công văn số 11538/BGTVT-KHĐT chấp thuận liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Thương mại dầu khí Lào là nhà đầu tư đề xuất Dự án Đường sắt Việt - Lào đoạn Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, thực hiện lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Tuyến đường sắt Việt - Lào có tổng chiều dài 554,7 km, trải dài trên địa phận hai nước Lào và Việt Nam. Dự án có quy mô đường đôi, khổ ray 1.435 mm, vận tốc 150 km/h, tổng mức đầu tư khoảng 149.550 tỷ đồng.

Trong đó, đoạn Mụ Giạ - cảng Vũng Áng có tổng chiều dài khoảng 103 km, gồm 8 nhà ga (1 ga chính, 7 ga trung gian) với tổng mức đầu tư khoảng 27.485 tỷ đồng. Tuyến đường sắt này sẽ kết nối Viêng Chăn tới cảng Vũng Áng, kết nối với tuyến đường sắt Lào - Trung Quốc, kỳ vọng tạo ra tuyến vận tải hàng hóa mở rộng đến Bắc Lào và Nam Trung Quốc.

Theo công văn của Bộ Giao thông - Vận tải, Liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Thương mại dầu khí Lào có trách nhiệm hộp hồ sơ đề xuất dự án tại Ban Quản lý đường sắt trước ngày 10/10/2024.

Cần phải nói thêm, Tập đoàn Đèo Cả không phải là đơn vị đầu tiên quan tâm tiếp cận tuyến đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng, nhưng kể từ khi Đèo Cả “nhập cuộc”, đã tạo những chuyển biến tích cực đầu tiên cho dự án này sau nhiều năm “giậm chân tại chỗ”.

Chuẩn bị nguồn lực hạ tầng đường sắt

Theo ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Tập đoàn Đèo Cả, ngoài các dự án đường bộ cao tốc, việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt được xác định là hướng đi mới của Tập đoàn Đèo Cả trong giai đoạn 5 - 10 năm tới.

Để đón đầu các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, trong năm 2023, Đèo Cả đã hợp tác với các trường đại học để tuyển sinh, đào tạo nhân lực chất lượng cao ngành đường sắt. Mô hình hợp tác gồm đặt hàng tại nguồn và đào tạo tại chỗ.

“Cùng với việc khẩn trương đào tạo nhân sự ngành đường sắt, chúng tôi đã hợp tác với các đơn vị có kinh nghiệm đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… học tập công nghệ, chuẩn bị thiết bị hiện đại để thi công, củng cố năng lực tổ chức để đấu thầu”, ông Vĩnh cho biết.

Đơn cử, Đèo Cả đã hợp tác với Sany, PowerChina - những doanh nghiệp uy tín tại Trung Quốc chuyên về thiết bị, công nghệ thi công hạ tầng giao thông, định hướng phối hợp triển khai các dự án hạ tầng đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị, tham quan các nhà máy sản xuất, học tập quy trình vận hành, tối ưu sản xuất.

Những bước đi khẩn trương và bài bản của Tập đoàn Đèo Cả cho thấy tinh thần quyết tâm, sẵn sàng nhập cuộc, không chỉ là để góp mặt, mà Đèo Cả sẽ ghi dấu bằng chính những thành tựu cụ thể trong công cuộc phát triển hạ tầng giao thông đường sắt nước nhà.

Tập đoàn Đèo Cả hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh
Ngày 13/9, Tập đoàn Đèo Cả đã tham gia Hội thảo và Triển lãm công nghiệp Thép Việt Nam hướng tới “Chiến lược tăng trưởng xanh" do Hiệp hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư