Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Tập đoàn TH rót "tiền tấn" mở "đường lớn” tại vùng quê lúa
Hân Hoàng - 07/03/2017 15:19
 
Vừa qua, tại xã Dũng Nghĩa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Tập đoàn TH tổ chức Lễ khởi công Dự án Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao. Việc một doanh nghiệp có kế hoạch tích tụ tới 3.000 ha đất ở Thái Bình - vốn nổi tiếng “đất chật người đông” khiến nhiều chuyên gia ngạc nhiên…

Cách làm sáng tạo

Dự án Nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại Thái Bình được tư vấn đầu tư bởi Ngân hàng TMCP Bắc Á và vận hành bởi Công ty cổ phần Sản xuất và Cung ứng rau quả sạch quốc tế (FVF), có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, diện tích sản xuất khoảng 3.000 ha. Trong đó, diện tích sản xuất rau, củ, quả sạch dự kiến sử dụng khoảng 1.000 ha; diện tích trồng lúa và sản xuất dầu gạo dự kiến sử dụng khoảng 2.000 ha. Tập đoàn TH đầu tư sản xuất theo chuỗi từ xây dựng vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối sản phẩm.

Nói về năng lực, không ai nghi ngờ Tập đoàn TH, bởi đây là đơn vị đã thành công với Dự án sữa tươi sạch TH true MILK, trở thành doanh nghiệp đầu tiên được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận là doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa.

Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH phát biểu tại Lễ khởi công Dự án.
Bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH phát biểu tại Lễ khởi công dự án.

GS - TSKH. Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nông nghiệp hữu cơ TH chia sẻ, khi tìm hiểu cách làm của TH tại trang trại TH ở Nghệ An, ông cũng choáng ngợp trước chuỗi sản xuất “từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch”, trong đó có các ứng dụng công nghệ cao như chip Afitag quản lý đàn, kiểm soát chất lượng sữa; phần mềm Rationall kiểm soát khẩu phần ăn của hơn 45.000 con bò; cánh tay tưới và máy cắt cỏ của Mỹ (với công nghệ 3:1: làm đất, chạy hàng và gieo) điều khiển tự động; hệ thống xử lý nước thải của Hà Lan; xử lý nước sạch, nước sinh hoạt cho bò của Israel cũng đều là “hàng khủng”.

Tuy nhiên, câu chuyện tích tụ ruộng đất của TH tại Nghệ An hoàn toàn khác khi đất chuyển giao chủ yếu là đất nông, lâm trường. Còn tại Thái Bình, đất được gom trực tiếp từ nông dân.

Vậy làm thế nào để tích tụ được những cánh đồng liền vùng, liền thửa diện tích lớn như vậy? Câu trả lời là, toàn bộ diện tích đất của Dự án được thuê lại của nông dân. Mỗi hộ gia đình có diện tích đất cho thuê sẽ được tạo điều kiện cho 1 lao động tham gia sản xuất tại các dự án do Tập đoàn đầu tư và được hưởng thu nhập theo mức quy định của Tập đoàn.

Sản phẩm rau của quả của TH tại Thái Bình sẽ sớm ra mắt người tiêu dùng.
Sản phẩm rau của quả của TH tại Thái Bình sẽ sớm ra mắt người tiêu dùng.

Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH chia sẻ: “Muốn thành công trong nông nghiệp dứt điểm phải làm bài bản. Muốn vậy phải bằng chính sách thực sự, bằng sự nỗ lực từ hai phía là nhà đầu tư và chính quyền. Bước đầu, chúng tôi sẽ thuê đất, cùng bàn với lãnh đạo tỉnh tính giá thuê dựa trên thu nhập chênh lệch địa tô bình quân ở đây. Chúng tôi thuê thấp nhất là 20 năm, cao là 30 năm và 5 năm chúng tôi sẽ điều chỉnh giá một lần, nhưng không quá 5%”.

Với định hướng này, theo tính toán của bà Thái Hương, mỗi héc-ta được sử dụng lao động chính, mức lương lao động chính không dưới 5 triệu đồng/tháng, tiền lương mỗi năm của một công nhân là 60 triệu đồng, còn địa tô trả cho bà con ở vùng lúa thấp nhất khoảng 24 - 25 triệu đồng/ha, vùng màu khoảng 25 - 30 triệu đồng/ha, Tập đoàn sẽ trả theo vụ thu hoạch, như vậy, trung bình nông dân đã có nguồn thu khoảng 80 - 90 triệu đồng/năm/ha.

“Mô hình TH xây dựng chủ yếu là làm nòng cốt, sau đó chúng tôi sẽ cung cấp giống, cung cấp kỹ thuật, hướng dẫn cho bà con. Chúng tôi  sẽ làm thị trường bao tiêu sản phẩm cho bà con. Con đường đi như thế mới toàn diện được”- người đàn bà sữa quyền lực châu Á chia sẻ về cách làm như vậy. Cách làm này đã thực sự mở ra con đường mới trong lĩnh vực nông nghiệp, từ tích tụ ruộng đất tới xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi và đào tạo nông dân thời đại mới.

Đánh thức tiềm năng từ đất

Câu chuyện về nông nghiệp công nghệ cao là câu chuyện không mới. Từ những thập niên trước, một số doanh nghiệp và cả nông dân có năng lực cũng đã đầu tư. Ngày 17/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1985/QĐ-TTg về Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại mới chỉ có 16 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có TH.

Mỗi sản phẩm đều có cam kết chất lượng và nguồn gốc xuất xứ

Sản phẩm của Dự án được sản xuất theo Tiêu chuẩn Global GAP và Tiêu chuẩn Organic (hữu cơ) (chứng nhận EC 834-2007, EC 889-2008 của châu Âu và USDA-NOP của Mỹ) theo hướng “5 không”: không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen...

Tiến trình sản xuất áp dụng quy trình kiểm soát dịch hại tổng hợp (nguồn giống được lựa chọn kỹ càng có sức đề kháng cao và không mang mầm bệnh; đất trồng, nước tưới an toàn; phương pháp canh tác khoa học có nhật ký hành trình theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây cũng như thu hoạch, sơ chế, bảo quản và phân phối, luôn đạt yêu cầu cao về tính kỷ luật và tuân thủ). Trên mỗi sản phẩm đều có cam kết về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng.

Câu chuyện ở Thái Bình lý giải phần nào lý do vì sao, số doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao được công nhận lại thấp như vậy. Ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, toàn tỉnh hiện đã xây dựng, phát triển được gần 270 cánh đồng lớn, với diện tích trên 12.000 ha cùng nhiều trang trại, gia trại quy mô lớn. Nhưng nhìn chung, phương thức sản xuất vẫn mang đậm tính truyền thống, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, diện tích canh tác còn manh mún, đầu ra của sản phẩm nông sản hết sức khó khăn. Tình trạng lạm dụng hóa chất và thuốc trừ sâu trong sản xuất còn rất lớn, ảnh hưởng đến chất lượng của nông sản. Bởi thiếu tính tuân thủ, thiếu vốn đầu tư nên đa số doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa được công nhận là làm nông nghiệp công nghệ cao.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tỉnh đã thực hiện 5 đột phá chiến lược và 3 giải pháp trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó đẩy mạnh tích tụ đất đai theo hình thức vận động người dân ủy quyền cho chính quyền địa phương ký hợp đồng với doanh nghiệp thuê đất để đầu tư, sản xuất nông nghiệp. Bằng cơ chế này, đến nay, toàn tỉnh Thái Bình đã vận động, tích tụ trên 5.000 ha đất nông nghiệp, sẵn sàng tiếp nhận các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển nông nghiệp trên địa bàn.

Giải xong bài toán tích tụ ruộng đất, tỉnh đã kêu gọi được nhà đầu tư uy tín, giàu kinh nghiệm như TH. Ông Diên chia sẻ: “Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để chứng kiến lễ khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn TH. Đây là dự án công nghệ cao đầu tiên trong lĩnh vực trồng trọt của tỉnh, cung ứng ra thị trường những sản phẩm hữu cơ, chất lượng tốt… đáp ứng yêu cầu trong tỉnh, trong nước và từng bước xuất khẩu ra nước ngoài”.

Có thể nói, nhờ thành công trong tích tụ ruộng đất, từ năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, trong tương lai, bên bờ sông Thái Bình lại có một câu chuyện cổ tích mới đánh thức tiềm năng từ đất với những lá rau lành, cành hoa quả sạch và gạo sạch mang dấu ấn TH.

Tập đoàn TH khởi công dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình
Ngày 24/2, tại xã Dũng Nghĩa huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, tập đoàn TH tổ chức Lễ Khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư