Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Tây Bắc không xa
Anh Minh - 02/04/2013 07:17
 
Hấp lực đầu tư tại khu vực Tây Bắc sẽ tăng lên đáng kể sau khi tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai quy mô 4 làn xe, dài 264 km được hoàn thành vào cuối năm nay.
TIN LIÊN QUAN

Quyết thông tuyến trước Tết 2014

Bất chấp việc có tới hai gói thầu xây lắp lớn do nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc) thi công đang tụt hậu đáng kể so với tiến độ chung nhưng Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn quyết bám bằng được mục tiêu thông xe toàn tuyến Dự án đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai trước tết Âm lịch 2014.

“Do thời gian thi công còn rất ít nên 8 nhà thầu quốc tế đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam thi công dự án đường bộ cao tốc lớn nhất Việt Nam sẽ không được để “chết” thêm bất cứ ngày nào trong mùa khô mang tính bản lề này”, ông Trần Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC khẳng định.

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sắp hoàn thành sẽ đem lại nhiều lợi thế cho các tỉnh Tây Bắc. Ảnh: Anh Minh

Cùng với việc quyết liệt đốc thúc nhà thầu và tư vấn giám sát, VEC vừa căn lại mốc thời gian hoàn thành cho từng gói thầu của Dự án có tổng mức đầu tư (TMĐT) lên tới 19.998 tỷ được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ. Cụ thể, gói thầu A1 đoạn qua Hà Nội do Posco thi công sẽ phải nổ phát pháo thông tuyến đầu tiên vào tháng 6/2013, mở đường cho các gói thầu A7, A2, A6, A8 lần lượt hoàn thành từ tháng 7 đến cuối tháng 11.

“Đường găng Dự án hiện đang nằm cả 2 gói thầu A4, A5 với khối lượng hoàn thành chỉ vào khoảng 30% hợp đồng. Do nhà thầu Keangnam (Hàn Quốc) quá đuối về tài chính và năng lực thi công nên VEC đã phải đưa những nhà thầu phụ chỉ định vào “cứu”, ông Việt cho biết.

Nếu nhà thầu ngoại này không tăng tốc mạnh mẽ trong thời gian tới, VEC sẽ cân nhắc tới phương án thay thế nhằm đảm bảo gói thầu A4, A5 qua địa phận tỉnh Yên Bái có thể thông xe kỹ thuật trong tháng 1/2014.

Trên thực tế, bằng một loạt động thái “ra roi quyết liệt”, tiến độ Dự án đã có những bước chuyển nhất định. Theo đó, VEC sẽ tiến hành hợp long cầu sông Hồng (gói thầu A3) – cây cầu lớn thứ hai trên tuyến vào đầu tuần này.

“Hiện khối lượng hoàn thành toàn Dự án vào khoảng 48%, trong đó tiến độ 6/8 gói thầu xây lắp đang nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi”, ông Việt khẳng định.

Ngoài hạng mục chính của Dự án, VEC đang rốt ráo phối hợp với lãnh đạo các tỉnh có tuyến đường đi qua là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai triển khai Hợp phần phục hồi thu nhập cho các hộ dân bị ảnh hưởng với tổng chi phí khoảng 30 triệu USD.

“Sẽ có khoảng 100.000 hộ dân được đào tạo nghề và được Dự án hỗ trợ máy móc, thiết bị, phương tiện để chuyển đổi sang các nghề phi nông nghiệp, phát triển dịch vụ và chăn nuôi quy mô lớn”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Dự án cho biết.

Kéo Tây Bắc về gần hơn

Nếu như VEC còn đang loay hoay với mục tiêu thông xe vào cuối năm thì vào thời điểm này, lãnh đạo các địa phương có tuyến đi qua đã xây dựng xong kế hoạch tận dụng lợi thế của công trình hạ tầng giao thông đặc biệt này.

Trong số 5 tỉnh dọc tuyến đường cao tốc vượt Tây Bắc, Lào Cai – điểm cuối tuyến đường là địa phương mong đại công trình này nhất.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, hiện tỉnh đã xây dựng xong danh mục 16 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2012 - 2015, tập trung vào các lĩnh vực: Đầu tư xây dựng kho bãi, dịch vụ logistic, dịch vụ vui chơi giải trí, tại Khu Thương mại - Công nghiệp Kim Thành và thành phố Lào Cai; chế biến sâu khoáng sản như: Luyện kim mầu, chế biến phân bón, hoá chất tại cụm công nghiệp Tằng Loỏng; khách sạn cao cấp, siêu thị, trung tâm thương mại tại thành phố Lào Cai và Sa Pa.

Trên thực tế, Lào Cai có rất nhiều lợi thế khi tuyến đường cao tốc này hoàn thành vào năm 2013. Ba tiếng rưỡi từ Hà Nội lên Lào Cai, Sapa bằng đường bộ cao tốc tiện nghi, hiện đại rõ ràng là đem lại sức hấp dẫn nhà đầu tư, khách du lịch so với hành trình quanh co, kéo dài gần 8 tiếng trên Quốc lộ 70 với độ “gắt” của nhiều khúc cua tay áo đủ sức đánh gục ngay cả khách Tây có tiền đình vào loại vững.

Nắm bắt cơ hội điều kiện thuận lợi trên, tỉnh Yên Bái cũng đã lập xong Qui hoạch tổng thể khu, cụm thương mại - dịch vụ gắn với điểm giao cắt với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai tại tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010- 2015, định hướng đến năm 2020.

Theo đó, tỉnh Yên Bái đã qui hoạch tổng thể 4 khu, cụm thương mại dịch vụ, theo đó, đến năm 2015 có 3 khu, cụm thương mại dịch vụ đó là: điểm đường gom đấu nối với đường cao tốc tại Km 114+ 800 thuộc địa bàn thôn Đồng Danh, Ngọn Ngòi xã Minh Quân (Trấn Yên), diện tích 10 ha, vốn đầu tư 16 tỷ đồng; điểm giao cắt Km 121+ 400 khu thương mại dịch vụ Âu Lâu (thành phố Yên Bái), diện tích 25 ha, vốn đầu tư 40 tỷ đồng; điểm giao cắt Km 150 + 200 tại xã An Thịnh (Văn Yên) diện tích 20 ha, vốn đầu tư 32 tỷ đồng

Được biết, lợi thế của cụm 3 tỉnh Tây Bắc nằm ở đầu tuyến đường cao tốc là Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ sẽ còn lớn hơn bởi hiện tuyến đường cao tốc từ Côn Minh tới cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) đã được nước bạn xây dựng xong và sẵn sàng cho việc kết nối để hình thành trục Hành lang đường bộ Côn Minh (Trung Quốc) - Hải Phòng (Việt Nam).

“Bộ GTVT sẽ quan tâm hỗ trợ VEC hoàn thành sớm Dự án bởi công trình này không chỉ làm thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông khu vực, mà còn trực tiếp góp phần vào sự phục hồi của kinh tế đất nước”, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư