Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Tây Nguyên cùng nhìn về một hướng
Nhất Nam - 25/07/2017 19:01
 
Hơn lúc nào hết, liên kết vùng trong kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại là một xu hướng tất yếu cho sự phát triển của vùng Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 4 (tháng 3/2017) là dịp để 5 tỉnh Tây Nguyên cùng nhìn về một hướng, cùng xây dựng một cơ chế hợp tác, liên kết trong xúc tiến đầu tư. Hợp tác này dựa trên sự bình đẳng, các bên cùng có lợi, trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng và thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn vùng để cùng phát triển.

Các địa phương cũng đã nhìn rõ mục tiêu của sự liên kết này là tăng cường hiệu quả xúc tiến đầu tư mang tính chất hợp tác, nhằm chia sẻ thông tin, qua đó, xây dựng cơ chế giao lưu, liên kết, phối hợp các tỉnh Tây Nguyên trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Sự liên kết giữa các vùng Tây Nguyên đã bắt đầu nhận được quan tâm, chú ý và cũng đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo nên một thương hiệu vùng giúp Tây Nguyên bứt phá trong thời gian tới.

Khu vực nhiều tiềm năng

Tây Nguyên có vị trí địa lý chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước; có tiềm năng to lớn về nhiều mặt, đặc biệt là trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng, khoáng sản, du lịch sinh thái, văn hóa… Sở hữu một mạng lưới sông suối, hồ nước dày đặc và nhiều thác, ghềnh, nên khu vực này còn có tiềm năng rất lớn về thủy điện.

Nơi đây có nguồn tài nguyên rừng phong phú (độ che phủ đạt trên 51%) cùng hệ động thực vật đa dạng với nhiều loài quý hiếm. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển nghề rừng và ngành công nghiệp chế biến gỗ, bột giấy… Khí hậu nhiệt đới gió mùa và đất đai là lợi thế đặc biệt của Tây Nguyên, trong đó, nổi bật là đất đỏ bazan với khoảng 2 triệu ha và hàng chục vạn ha đất đen, đất phù sa rất phù hợp cho trồng nhiều loại cây như: hồ tiêu, cà phê, cao su, điều, chè, hoa xuất khẩu… là những sản phẩm chủ lực của vùng.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, tốc độ tăng trưởng bình quân của của 5 tỉnh Tây Nguyên đạt 7,83%, giá trị tổng sản phẩm đạt gần 62.000 tỷ đồng.

Các tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ cho 25 dự án của 24 nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, với tổng vốn gần 86.000 tỷ đồng. 

Khoáng sản ở Tây Nguyên khá đa dạng. Một số loại đã được điều tra có trữ lượng lớn như: than bùn, than nâu, sét cao lanh, puzolan và bauxite. Nhóm khoáng sản kim loại có giá trị như: sắt, wonfram, antinomy, chì, kẽm, vàng; nhóm đá quý như: saphia. Xircon, corindon, thạch anh hồng và thạch anh tinh thể… khá nhiều và phân bố đều ở các tỉnh. Ngoài ra, Tây Nguyên là khu vực tập trung nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, nên thích hợp với du lịch văn hóa dân tộc, với các di tích lịch sử có giá trị, cùng nhiều nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên.

Liên kết nội vùng Tây Nguyên

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách mang tính đặc thù nhằm khai thác lợi thế sẵn có của vùng Tây Nguyên và từng bước cải thiện môi trường đầu tư, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất này. Về chủ trương, những năm qua, Tây Nguyên đã nhận được sự quan tâm của Chính phủ; đã có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành nhằm hỗ trợ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2020 nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào khu vực. Hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ và hàng không từng bước được đầu tư, đến nay đã hình thành mạng lưới giao thông thuận lợi giữa các tỉnh. Nhờ vậy, những năm qua, Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.

Ông Điểu K’ré, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, Đảng, Nhà nước xác định xây dựng Tây Nguyên thành vùng kinh tế trọng điểm, có lực lượng sản xuất phát triển ở mức trung bình của cả nước, có tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vững chắc.

Để thực hiện mục tiêu đó, các tỉnh Tây Nguyên xác định 3 nhóm giải pháp. Đó là tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho các vùng sinh thái đặc thù; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp; tập trung phát triển nông nghiệp hàng hoá có quy mô lớn, gắn với thế mạnh của vùng theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ sạch, nông nghiệp công nghệ cao và có giá trị gia tăng cao, đồng thời tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông - lâm sản.

Người Tây Nguyên làm giàu nhờ hồi sinh cà phê già cỗi
Những vườn cà phê có tuổi đời 30-40 năm già cỗi, chết dần chết mòn đang hồi sinh, đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho nhiều doanh nghiệp và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư