Thứ Hai, Ngày 14 tháng 04 năm 2025,
Thái Nguyên chuyển mình thành điểm đến du lịch MICE
Hồ Hạ - 13/04/2025 14:46
 
Thái Nguyên đang chuyển mình mạnh mẽ để trở thành điểm đến du lịch MICE hấp dẫn, khi những trung tâm hội nghị hiện đại, khu nghỉ dưỡng cao cấp, chuỗi dịch vụ chuyên biệt liên tục được đầu tư, nâng tầm trải nghiệm cho du khách.
Ảnh minh họa.
Thái Nguyên đã khai thác hiệu quả văn hóa trà để tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo.

Điểm đến đầy tiềm năng

Ông Lê Ngọc Linh, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết, là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích trồng chè, Thái Nguyên đã khai thác hiệu quả văn hóa trà để tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo: từ tour tham quan vùng chè Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Phú Lương đến các chương trình nghệ thuật thưởng trà, ẩm thực trà với 153 món ăn chế biến từ nguyên liệu chè.

Thái Nguyên còn đầu tư xây dựng không gian lưu trú gắn với trà, tổ chức gala dinner trong khung cảnh đồi chè thơ mộng, các hoạt động hóa thân thành “trà nương” giúp du khách được đắm mình trong không gian tràn ngập sắc hương của những cây chè. Tất cả đang tạo nên một hệ sinh thái du lịch trà bài bản, đậm chất văn hóa và ngày càng chuyên nghiệp.

Đặc biệt, việc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên phối hợp với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam khôi phục tuyến tàu Hà Nội - Thái Nguyên, khai trương vào ngày 26/4, hứa hẹn mang lại làn gió mới cho du lịch “xứ trà”.

“Các đoàn tàu được trang trí theo chủ đề trà, kết hợp trưng bày sản phẩm OCOP tại nhà ga, hình thành sản phẩm ‘tàu trà đạo’ - một trải nghiệm chưa từng có tại miền Bắc. Từ ga Lưu Xá, du khách dễ dàng đến thăm hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa hay các làng chè trứ danh, tận hưởng trọn vẹn tinh hoa đất trà trong hành trình ngắn ngày, nhưng giàu cảm xúc”, ông Nguyễn Chính Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho hay.

Thái Nguyên xác định rõ, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là cầu nối văn hóa và động lực phát triển bền vững. Theo bà Trần Nữ Ngọc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên, với lợi thế chỉ cách Hà Nội hơn 80 km, giao thông kết nối thuận lợi, Thái Nguyên đủ khả năng đón các đoàn khách lớn, các hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa, thể thao có quy mô hàng ngàn người.

Tỉnh Thái Nguyên đang đồng bộ hóa hạ tầng du lịch với hàng loạt trung tâm hội nghị mới, khách sạn 4 - 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp như Flamingo Đại Từ (dự kiến khai trương năm 2026), các sân golf tiêu chuẩn quốc tế, sân vận động mới được khánh thành...

Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng không ngừng làm mới sản phẩm, đa dạng hóa trải nghiệm. Các tour nửa ngày, 1 ngày, 2 ngày 1 đêm phục vụ khách công vụ, chuyên gia, học sinh, sinh viên, đoàn thể ngày càng phổ biến. Từ hội họp trong khán phòng, du khách có thể di chuyển dễ dàng ra không gian thiên nhiên để nghỉ dưỡng, tổ chức teambuilding, thưởng trà hay tham gia hoạt động văn hóa bản địa như xem võ thuật cổ truyền, tham quan làng Thái Hải - ngôi làng đạt danh hiệu “Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022”.

“Sự linh hoạt, kết hợp khéo léo giữa công việc và giải trí là “chìa khóa vàng” để Thái Nguyên bứt phá trong thị trường du lịch MICE ở miền Bắc vốn cạnh tranh khốc liệt”, bà Ngọc Anh nhấn mạnh.

Liên kết để tạo “đòn bẩy”

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, du lịch Thái Nguyên muốn phát triển mạnh mẽ không thể “đi một mình”, mà cần sự liên kết chặt chẽ, trước hết là với Thủ đô Hà Nội.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội nhận định, Thái Nguyên là “viên ngọc mới” của du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa phía Bắc. Sự kết nối giữa 2 địa phương thông qua các tuyến cao tốc, đường sắt không chỉ mở ra cơ hội khai thác dòng khách ngắn ngày, mà còn thúc đẩy phát triển các tour du lịch liên kết theo chủ đề: “Từ trái tim Thủ đô đến xứ trà đậm đà bản sắc”, “Hành trình văn hóa - lịch sử vùng trung du” hay “Trải nghiệm MICE trong thiên nhiên trà xanh”.

Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Thái Nguyên trong tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến du lịch, khảo sát sản phẩm mới, đưa doanh nghiệp lữ hành khám phá tiềm năng vùng đất trung du. Các sự kiện lớn trong năm như Lễ hội Quà tặng Du lịch, Festival Thu Hà Nội, Lễ hội Áo dài Du lịch… cũng là dịp để Thái Nguyên giới thiệu sản phẩm độc đáo tới hàng chục ngàn du khách trong và ngoài nước.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng, Thái Nguyên có tiềm năng rất lớn về MICE, đặc biệt, nơi đây đang là “đại bản doanh” của các tập đoàn lớn như Samsung và hàng trăm doanh nghiệp vệ tinh. “Nếu khai thác tốt dòng khách chuyên gia, kỹ sư đang làm việc tại các khu công nghiệp, đồng thời đầu tư nguồn nhân lực chất lượng, dịch vụ an toàn, thân thiện, thì chỉ riêng nguồn khách này đã đủ để duy trì một thị trường khách quốc tế ổn định và lâu dài”, ông Dũng nhận định.

Từ đó, ông Dũng đề xuất tỉnh Thái Nguyên nên tổ chức thêm các giải thể thao, lễ hội trà, sự kiện cộng đồng quy mô lớn để “kích hoạt” cả hệ sinh thái du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh mô hình tàu charter, liên minh các doanh nghiệp gom khách cho chuyến tàu chuyên biệt như “tàu trà đạo”, vừa tạo sản phẩm mới, vừa quảng bá hình ảnh “xứ trà” một cách sống động, hiệu quả.

Điều đáng mừng là, chính quyền và doanh nghiệp du lịch Thái Nguyên đều đang thể hiện quyết tâm cao trong việc chuyên nghiệp hóa và đổi mới. “Chúng tôi xác định phát triển du lịch không chỉ là xây nhà nghỉ, làm tour, mà còn là làm văn hóa, kể chuyện bản địa, tạo cảm xúc cho du khách”, bà Ngọc Anh nhấn mạnh.

Năm 2025, Thái Nguyên đặt mục tiêu đón 6 triệu lượt khách, gần gấp đôi so với năm trước. Đây là con số thách thức, nhưng hoàn toàn khả thi nếu tỉnh duy trì đà tăng trưởng trên 30% như năm 2024, đồng thời tiếp tục đầu tư đồng bộ từ hạ tầng đến con người.

Tháng 4, đến Thái Nguyên trải nghiệm xứ Trà đậm đà bản sắc
Tháng 4/2025, tỉnh Thái Nguyên tổ chức Tuần Văn hóa, thể thao và du lịch Thái Nguyên năm 2025 chủ đề “Trải nghiệm xứ Trà đậm đà bản sắc”...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư