Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Thần tốc 4G
Thanh Thúy - 22/03/2017 15:14
 
Hiện 4/5 doanh nghiệp viễn thông đã được cấp phép 4G tại Việt Nam. Một số doanh nghiệp đã bắt tay vào việc xây dựng hạ tầng mạng lưới. Trong đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) có tốc độ triển khai mạng 4G ở một quy mô có thể nói là “vô tiền khoáng hậu” - thậm chí là trên bình diện thế giới.

Khối lượng công việc một tuần bằng… một năm   

Nói Viettel đang trong một “chiến dịch” 4G “vô tiền khoáng hậu” đó là bởi để đầu tư một hạ tầng mạng lưới viễn thông, các doanh nghiệp trong nước cũng như trên thế giới cần ít nhất là 10 năm. Nhiều doanh nghiệp viễn thông đầu tư theo kiểu nhỏ giọt, đầu tư vào thành thị trước, thu hồi đủ vốn mới đầu tư tiếp ra vùng nông thôn, thậm chí bỏ trống vùng sâu, vùng xa. Viettel được coi là doanh nghiệp nhanh nổi tiếng về tốc độ triển khai mạng lưới cũng cần tới 4 năm để hoàn thành mạng 2G tại Việt Nam, 8 năm để hoàn thành mạng 3G; thế mà đối với mạng 4G-công nghệ hiện đại, chỉ trong 6 tháng, gần như Viettel đã hoàn thiện mạng lưới toàn quốc, tới cả vùng sâu, vùng xa.

Thượng tá Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel và cũng là Tổng giám đốc Tổng công ty Mạng lưới Viettel (VT Net) cho biết, hiện Viettel đang tổ chức tới 1.500 đội, mỗi đội có 3 người để triển khai lắp đặt trạm BTS 4G đồng thời trên toàn quốc. Thượng tá Tào Đức Thắng cho hay: VT Net sẽ cố gắng hoàn thành việc lắp đặt trạm phát sóng 4G vào khoảng ngày 10/4, sớm hơn so với kế hoạch cũ là ngày 15/4. Sau gần 6 tháng triển khai, Viettel lắp đặt xong hơn 36.000 trạm BTS để phủ sóng 4G toàn quốc, để vùng phủ 4G của Viettel rộng và sâu như đã từng làm với 2G, lớn hơn cả lượng trạm BTS 3G hiện nay của Viettel (hiện Viettel đang khai thác khoảng 35.000 trạm BTS 3G). Đây là tốc độ triển khai mạng lưới mà thế giới chưa có tiền lệ!

Gần 10 năm trước đây, khi Viettel cũng triển khai một chiến dịch lắp đặt trạm phát sóng 2G, tạo nên một cuộc bùng nổ về viễn thông di động lần đầu tiên ở Việt Nam, thì lúc cao điểm nhất, cả một năm trời, tức là suốt 365 ngày cũng chỉ lắp được 8.000 trạm BTS. Đó cũng là con số khổng lồ thời kỳ ấy, bởi chưa từng có một doanh nghiệp viễn thông nào đầu tư lớn và triển khai khẩn trương đến như vậy.

.
Nhân viên kỹ thuật Viettel di chuyển tại những địa hình hiểm trở

Với 3G, Viettel cũng tự phá kỷ lục của chính mình khi trong 365 ngày, triển khai lắp đặt được 10.000 trạm BTS. Giờ đây với 4G, Viettel đã có một quyết tâm lớn hơn nhiều, thể hiện cả về chi phí đầu tư và tốc độ triển khai. Thực tế, mỗi ngày Viettel lắp mới thêm được tới khoảng 1.000 trạm BTS 4G. Tức là số trạm 4G lắp mới trong 1 tuần xấp xỉ bằng cả một năm triển khai 2G. Đến nay, mạng 4G của Viettel đã có mặt rộng khắp ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước, phủ sóng tới 704 quận, huyện, tương đương với gần 99% tổng số quận, huyện. Trong đó có tới hơn 100 huyện biên giới.

Không chỉ triển khai hạ tầng ở các khu vực thủ phủ tỉnh hay trung tâm huyện, Viettel còn đưa sóng 4G tới gần 6.300 xã trên toàn quốc-tương đương 70% số xã; trong đó có nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Rất nhiều vị trí đặc biệt trên lãnh thổ Việt Nam cũng đã có sóng 4G của Viettel, đó là các xã cực đầu của Tổ quốc như: Xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau); xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang); ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Cam-pu-chia tại xã Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) hay đỉnh núi Phan-xi-păng cao nhất được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” tại huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai)…

Tốc độ triển khai như vậy của Viettel chính là xuất phát từ tầm nhìn của lãnh đạo tập đoàn. Phó tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng chia sẻ, ngay từ những ngày đầu, lãnh đạo Viettel đã xác định phải xây dựng một hạ tầng cáp quang rộng khắp, là cơ sở để triển khai công nghệ băng thông rộng. Vì thế đến nay, Viettel đã có 320.000km cáp quang tại Việt Nam. Nếu tính tất cả các thị trường nước ngoài, Viettel đã có tới 500.000km cáp quang, đủ quấn hơn 12 lần quanh Trái Đất!

Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, với hơn 36.000 trạm BTS 4G, chỉ riêng hạ tầng của Viettel đã đủ để đưa Việt Nam vào tốp 20 quốc gia có hạ tầng 4G hiện đại nhất, chất lượng nhất, mật độ phủ dân cư tốt nhất theo chuẩn quốc tế. Công nghệ 4G mà Viettel sử dụng là công nghệ 4TX/4RX (4 thu, 4 phát) hiện đại hơn hẳn so với công nghệ 4G phổ biến hiện nay trên thế giới là 2TX/2RX (2 thu, 2 phát). Hiện chỉ có chưa tới 10% số nhà mạng trên thế giới sử dụng được công nghệ này.

Phổ cập 4G đến từng người dân

Điện thoại di động bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào năm 1993, nhưng chỉ đến năm 2005, khi Viettel đã tham gia thị trường thì mới tạo nên một cuộc cách mạng, làm thay đổi lớn ngành viễn thông đất nước (Viettel tham gia thị trường viễn thông cuối năm 2004 nhưng đến năm 2005 mới thực sự bứt phá). Đó là phổ cập điện thoại đến người dân Việt Nam, đưa mật độ điện thoại từ chỗ chỉ 4% trong năm 2004 lên tới đạt xấp xỉ 100% trong năm 2008. Thành tích này của Viettel giúp cho Việt Nam được thế giới công nhận là một trong những nước có tốc độ phát triển viễn thông nhanh nhất. Năm 2010, Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất về viễn thông.                    

Sau 12 năm kể từ “cách mạng alô”, dù là một trong những nước cuối cùng cấp phép triển khai 4G nhưng Viettel quyết tâm lấy lại được thứ hạng của Việt Nam trong ngành viễn thông trên thế giới, cũng như đưa hạ tầng viễn thông đi trước, chuẩn bị cho sự phát triển của đất nước và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (dựa trên nền tảng viễn thông-băng rộng). Nếu kể cả Việt Nam, Viettel đã triển khai mạng 4G ở 7 quốc gia, là các thị trường Viettel đang đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh thế mạnh về vốn, kinh nghiệm triển khai nhanh, Viettel có thêm một thế mạnh mới về công nghệ khi đã tự nghiên cứu, sản xuất được trạm BTS 4G, dần thay thế thiết bị nhập khẩu.

.
Hình ảnh triển khai lắp đặt thiết bị phát sóng 4G tại trạm

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, khẳng định: “Chúng tôi coi đây là sứ mạng của Viettel. Viettel đặt mục tiêu sẽ làm bằng được điều đó trong 4 năm, giống như từng làm với 2G. Với 4G, Viettel quyết tâm lấy lại được thứ hạng về viễn thông trên thế giới, đưa hạ tầng viễn thông đi trước, chuẩn bị cho sự phát triển của đất nước và đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng viễn thông-băng rộng.”

Viettel đặt ra mục tiêu cho mình, đến năm 2020, mỗi người dân Việt Nam sẽ có một chiếc điện thoại smartphone để truy cập internet. Để tạo điều kiện thuận lợi phổ cập 4G, Viettel sẽ có những giải pháp để giá 4G rẻ hơn giá 3G và sẽ có chính sách để người dân có thể dùng dịch vụ 4G miễn phí để truy cập một số trang tin tức cơ bản thiết yếu như phổ biến kiến thức pháp luật, nông nghiệp, y khoa...Về thiết bị 4G, Viettel đã có thể cung cấp các dòng máy 4G với giá 2 triệu đồng, thậm chí sẽ ra cả những dòng máy với giá 1 triệu đồng để đưa 4G đến từng người dân. Điều khó nhất, cần đầu tư lớn nhất là hạ tầng 4G thì đến nay, Viettel đã gần thực hiện xong. Không dừng lại ở đó, Viettel đã đi trước, bắt tay nghiên cứu công nghệ 5G.

4G chỉ chờ giờ "khai hỏa"
Các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone đang gấp rút chạy đua lắp đặt trạm, thử nghiệm dịch vụ để kịp khai trương cung cấp dịch vụ 4G ngay...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư