Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thần tốc trong thực hiện mục tiêu kép
Hà Nguyễn - 21/02/2021 14:38
 
Nếu không nỗ lực từng giờ, từng phút ngay từng những ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, thì việc thực hiện mục tiêu kép của năm 2021 sẽ trở nên khó khăn hơn.
Việt Nam phải “thần tốc” hơn nữa trong thực hiện mục tiêu kép.

Tháng Giêng không thể mãi là “tháng ăn chơi”, bởi những diễn biến trong thực tại của kinh tế - xã hội Việt Nam cho thấy, nếu không nỗ lực từng giờ, từng phút ngay từng những ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, thì việc thực hiện mục tiêu kép của năm 2021 sẽ trở nên khó khăn hơn.

Thực tế cho thấy, những khó khăn hiện hữu, những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang đặt kinh tế - xã hội Việt Nam trước thách thức mới. Dù các lực lượng phòng chống dịch đã làm việc xuyên Tết, không nghỉ, để người dân Việt Nam có một cái Tết an lành, nhưng dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp.

Vì dịch bệnh phức tạp, Hải Dương đã phải thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh. Nhiều địa phương trong cả nước, bao gồm cả Hà Nội và TP.HCM vẫn đang phải phong tỏa một số khu vực để phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh. Những nỗ lực này là cần thiết và quan trọng để bảo vệ sức khỏe nhân dân, để phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh, nhưng cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất - kinh doanh.  

Có một thông tin đáng mừng, đó là tờ Nikkei Asia vừa tiếp tục đưa ra dự báo rằng, kinh tế Việt Nam sẽ dẫn đầu về tăng trưởng khu vực Đông Nam Á trong năm 2021. Xuất khẩu - một trong những động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam - sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới.

Không chỉ Nekkei Asia, mà nhiều tổ chức, định chế quốc tế cũng đưa ra dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Tuy vậy, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cho thấy, rủi ro vẫn đang rình rập kinh tế Việt Nam nói riêng, kinh tế toàn cầu nói chung.

Một báo cáo được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ hồi đầu tháng 2/2021 cũng dự báo rằng, trường hợp dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I/2021, thi GDP trong quý ước tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Nếu vậy, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt 6,37%.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP (tăng 7,11%); còn quý III, quý IV, phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng tương ứng 6,73% và 7,04% - đều cao hơn so với kịch bản trong Nghị quyết.

Rõ ràng, rủi ro vẫn đang chực chờ trước mắt. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải “thần tốc” hơn nữa trong thực hiện mục tiêu kép. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh để bảo đảm sức khỏe của người dân, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế. Cùng với đó, phải đặc biệt thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất - kinh doanh ngay sau Tết, không để các hoạt động kinh tế đình trệ, với tinh thần quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm, tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, không để tháng Giêng là “tháng ăn chơi”…

Trong cuộc họp đầu năm mới Tân Sửu về tình hình Tết, phòng chống Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh điều này. Thủ tướng lưu ý phải nỗ lực thực hiện một số chủ trương, biện pháp để đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, để ngay từ đầu năm, bảo đảm hoạt động bình thường, bắt tay ngay vào việc, triển khai quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII…

Năm mới Tân Sửu bắt đầu trong trạng thái bình thường mới, khí thế mới. Với quyết tâm cao độ ngay từ đầu năm và với khí thế mới đó, tin tưởng, Việt Nam sẽ tiếp tục có một năm thành công trong thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống, ngăn chặn được dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của người dân, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế, sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển mới.

Kinh tế Việt Nam đạt mục tiêu kép, khi lạm phát chỉ 3,23%
Diễn biến lạm phát năm 2020 chịu nhiều áp lực, tăng - giảm đan xen do ảnh hưởng giá cả thế giới, song kết quả cuối cùng, chỉ số giá tiêu dùng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư