Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thận trọng với “bẫy thông tin”
Mạnh Bôn - 21/06/2013 06:43
 
Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hà Minh Huệ chia sẻ với Báo Đầu tư nhân Kỷ niệm 88 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.  
TIN LIÊN QUAN

"Việt Nam là quốc gia có nền báo chí tiến bộ, phát triển nhanh và phù hợp với xu hướng chung của thế giới”, ông Hà Minh Huệ đánh giá và cho biết, cả nước hiện có 812 cơ quan báo in; 74 báo, tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh - truyền hình, hàng ngày chuyển tải một lượng thông tin khổng lồ đến công chúng.

Ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Thưa ông, trên mặt trận đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, báo chí vẫn luôn là vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước?

Trong 88 năm qua, báo chí đóng góp rất lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.

Đất nước đổi mới phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường. Song hành với cơ chế thị trường, tệ nạn tham ô, tham nhũng; sử dụng tiền, tài sản nhà nước lãng phí, thất thoát cũng ngày một gia tăng. Báo chí đã coi chống tham n

hũng, lãng phí, tiêu cực là mặt trận và đã lao vào mặt trận này với sự nhiệt huyết và đầy trách nhiệm như mặt trận đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây.

Tham nhũng, lãng phí được coi là quốc nạn. Các đại biểu Quốc hội đánh giá thế nào về vai trò của báo chí với tư cách là đơn vị xung kích trên mặt trận chống quốc nạn, thưa ông?

Rất cảm động khi nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định trên nghị trường, hàng loạt vụ án tham ô, tham nhũng, lãng phí, thất thoát “động trời” có thể không bao giờ bị phát hiện hoặc đã rơi vào quên lãng nếu không có sự tham gia tích cực, quyết liệt của báo chí.

Mới đây, khi cho ý kiến vào Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi, Luật Phòng chống tham nhũng, nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm không đồng tình khi trong 2 bản báo cáo tổng kết của 2 luật này, ban soạn thảo chưa có những đánh giá, nhận định về vai trò của báo chí trên mặt trận chống tham nhũng, lãng phí.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, những vụ tham nhũng, lãng phí, thất thoát mà báo chí phát hiện không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, chống thất thu, tham ô, tham nhung, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản của Nhà nước, của nhân dân, mà còn mang ý nghĩa chính trị rất lớn, lấy lại và củng cố lòng tin của người dân với chế độ, với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp.

Ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí trên mặt trận bảo vệ biển đảo, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển?

Chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên biển là đề tài được rất nhiều người Việt Nam cả trong nước lẫn sinh sống, định cư ở nước ngoài hết sức quan tâm. Đáp ứng nhu cầu thông tin chính xác, khách quan, kịp thời cùa người dân, trong vài năm gầm đây, thông tin về chủ quyền biển đảo, về hoạt động kinh tế trên biển đã được báo chí tập trung phản ánh.

Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước là bảo vệ chủ quyền biển đảo, đồng thời giữ môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông để cùng nhau phát triển.

Báo chí cũng đã đề cập khá sâu rộng, đa chiều các hình thức đấu tranh cả chính trị, ngoại giao với mục đích giữ toàn vẹn lãnh thổ trên vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; giữ môi trường hòa bình, ổn định trên Biển Đông; bảo vệ ngư dân Việt Nam khai thác, đánh bắt hải sản trên vùng biển Việt Nam.

Ông có ấn tượng đặc biệt với những bài báo nào phản ánh về đề tài biển Đông?

Là thành viên chấm Giải báo chí quốc gia trong mấy năm gần đây, tôi đã đọc, nghe, xem rất nhiều tác phẩm báo chí phản ánh tinh thần giữ biển đảo quê hương không chỉ của người lính, những người dân đang sống ở Trường Sa, mà cả ngư dân và những người con nước Việt sống trên đất liền, sống ngay giữa các thành phố lớn.

Mỗi tác phẩm báo chí đứng trên góc độ khác nhau phản ánh về tình yêu biển đảo khác nhau, vì thế rất khó so sánh tác phẩm nào hơn tác phẩm nào. Tuy nhiên, tôi rất ấn tượng khi đọc những tác phẩm báo chí do phóng viên theo tàu đánh bắt hải sản của ngư dân đi Trường Sa.

Cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với ngư dân lênh đênh trên biển nhiều ngày trời, phóng viên đã ghi lại toàn bộ hoạt động, cảm xúc của ngư dân đi khai thác hải sản làm giàu cho mình và cho đất nước. Sự có mặt của ngư dân Việt Nam ngày đêm trên biển đã khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia đối với vùng biển thuộc Việt Nam.

Tôi cũng rất ấn tượng với bài báo có tựa đề “Một cách yêu biển đảo Việt Nam” phản ánh cách thức thể hiện tình yêu biển đảo của sinh viên và tác phẩm “Làm giàu ở Trường Sa” phản ánh cuộc sống của ngư dân ngày đêm chinh phục đại dương, vượt khó, làm giàu từ vùng biển quê hương.

Trên mặt trận kinh tế, ông có nghĩ rằng, gần đây, báo chí nói quá về khó khăn của doanh nghiệp, nói quá về sự khó khăn của người lao động?

Công tâm mà đánh giá, báo chí tiếp cận các vấn đề kinh tế từ nhiều cấp độ, góc độ khác nhau. Thông tin hàng ngày về mọi vấn đề kinh tế được chuyển tải trên các phương tiện thông tin đại chúng có tác dụng tích cực đối với dư luận xã hội, với các nhà lãnh đạo, quản lý kinh tế.

Tuy nhiên, đúng là dường như báo chí có xu hướng hơi thiên về phản ánh khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân ngày càng khó khăn do bị mất việc, giãn việc, nhưng lại không nêu ra giải pháp hay gương doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh biết vượt qua vượt qua khó khăn.

Theo ông, vì sao báo chí lại thích “nói quá” về khó khăn của doanh nghiệp, người dân?

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ ở Việt Nam, mà cả thế giới rất khó khăn. Nhưng trong việc thể hiện thông tin, do kiến thức về kinh tế chuyên ngành có hạn trong khi phóng viên ít đi thực tế nên việc phản ánh thiếu toàn diện, mất cân bằng.

Tôi cho rằng, báo chí ở đâu cũng vậy, thời kỳ nào cũng vậy đều phải phản ánh trung thực, cân bằng, khách quan thông tin không được nặng về phê phán tiêu cực, nhẹ biểu dương và ngược lại.

Ngoài ra, cũng phải nói rằng, không loại trừ có nhiều trường hợp doanh nghiệp lợi dụng báo chí để nói quá khó khăn thực tế mà họ đang gặp phải mong nhận sự trợ giúp, tháo gỡ về vốn, đất đai, thị trường, thuế khóa… hoặc cung cấp thông tin dưới dạng PR, quảng cáo, truyền thông làm sai lệch thông tin. Vì thế, báo chí phải hết sức tỉnh táo để khỏi sa vào “bẫy thông tin”.

Kinh nghiệm và thực tế cho thấy, để khỏi rơi vào “bẫy thông tin” thì báo chí phải thông tin nhiều chiều, cân bằng, khách quan, trung thực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư