Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Thanh toán online bùng nổ, ngân hàng mong cơ chế xử lý tranh chấp rõ ràng
T.L - 17/06/2022 17:51
 
Nhiều người dân cho biết không còn nhu cầu tiêu dùng bằng tiền mặt. Phòng giao dịch của các ngân hàng ngày càng "ế khách” khi hầu hết dịch vụ đều có thể thao tác trên kênh số.

Tại Hội thảo “Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt” diễn ra chiều nay (17/6), ông  Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho hay, hành vi, kỳ vọng người tiêu dùng thay đổi mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Tác động đa chiều của đại dịch Covid-19 càng khiến thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu trong nền kinh tế.

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hàng năm ở nước ta đạt hơn 90%; nhiều dịch vụ ngân hàng đã có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm...; nhiều ngân hàng Việt Nam có trên 90% giao dịch trên kênh số; gần 70% người trưởng thành có tài khoản thanh toán; khoảng 1,1 triệu tài khoản mobile money đã được mở, khoảng 60% trong đó được mở tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa...

Khảo sát của tổ chức thẻ Visa cho thấy, những năm gần đây, tỷ lệ người dân sử dụng cùng một lúc rất nhiều hoặc một trong các phương thức không dùng tiền mặt như thẻ hay ví trên mobile… lên tỷ lệ rất cao trung bình khoảng 93%, trong đó, Việt Nam 95%, Singapore khoảng 97%, Malaysia là 96%.  

Số lượng ngày người tiêu dùng không cần dùng tiền mặt và có thể quản lý chi tiêu của mình không dùng tiền mặt thì với Việt Nam là trung bình khoảng 13,7 ngày và nằm trong top rất tốt, cứ 3 người thì 2 người cố gắng sử dụng không cần dùng tiền mặt, đồng thời 50% là thành công trong việc sử dụng không dùng tiền mặt.   

Thực tế tại các ngân hàng cho thấy, khách hàng ngày càng có xu hướng giao dịch trên kênh số. Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc MB cho hay, chuyển đổi số đang là yêu cầu bắt buộc với các ngân hàng bởi hiện nay, hầu hết khách hàng không còn muốn giao dịch tại quầy nữa mà chủ yếu giao dịch online. Năm 2021, kênh số chiếm hơn 92,3% số lượng giao dịch tại MB. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank cũng cho hay, hiện nay, tỷ lệ giao dịch qua online ở nhiều ngân hàng lên tới 90%. Ngay cả vùng nông thôn có yếu tố công nhân, công nghiệp cũng có tới 98%, còn cao hơn đô thị.

“Việc thanh toán hiện nay là phổ biến và thích ứng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ cập”, ông Tâm nói.

Mặc dù thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng bùng nổ, lãnh đạo các ngân hàng thương mại vẫn chỉ ra nhiều thách thức.

Ông Lưu Trung Thái cho hay, 4 thách thức lớn nhất là: lãnh đạo, nhân sự, công nghệ, cạnh tranh.

“Việc chuyển đổi số là đầu tư với quy mô lớn, nhưng doanh thu và lợi nhuận tạo ra lại là câu hỏi rất lớn, trong khi dịch vụ cơ bản miễn phí, nên bao giờ tạo ra hiệu quả thực sự là rất khó”, ông Thái cho biết MB liên tục triển khai dự án nhưng quan niệm coi chuyển đổi số là quá trình chứ không phải là dự án.

Về nhân sự đặt ra yêu cầu tăng hiệu suất, làm chủ công nghệ và quản lý trên cơ sở xây dựng cơ sở dữ liệu kinh doanh. Thách thức về cạnh tranh đặt ra, nên MB sẽ đặt vấn đề vừa cạnh tranh và hợp tác để các kết nối tăng lên nhanh.

Đề xuất giải pháp, ông Thái đề xuất cho phép kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với các nền tảng ngành ngân hàng, tăng dịch vụ và tính bảo mật, an ninh an toàn. Đẩy mạnh chuẩn QR quốc gia VietQR, gia tăng cung cấp sản phẩm đến khách hàng eKYC để phòng ngừa rủi ro, tiếp cận đa dạng và thuận tiện sản phẩm ngân hàng. Có cơ chế cho phép trích lập dự phòng xử lý rủi ro công nghệ.

Trong khi đó, đại diện HDBank đề nghị, hàng lang pháp lý liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt cần đầy đủ hơn để có cơ sở giải quyết các tranh chấp.

“Hiện nay, mỗi khi tranh chấp xảy ra, ngân hàng thường chủ động chịu thiệt”, lãnh đạo ngân hàng cho hay.

Mobile Money: Doanh nghiệp than trời vì hạn mức thấp, eKYC chặt, NHNN nêu nguyên tắc “không thỏa thiệp”
Theo 3 doanh nghiệp thí điểm Mobile Money (Vinaphone, MobiFone, Viettel), việc triển khai dịch vụ thí điểm 6 tháng đầu năm vẫn còn rất nhiều vướng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư