Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thanh trà - đặc sản của Phong Điền, Thừa Thiên Huế
Hương Việt - 25/12/2020 07:53
 
Cây thanh trà cho thu nhập ổn định và được xem là cây chủ lực của xã Phong Thu và đang dần khẳng định thương hiệu đặc sản của huyện Phong Điền.
.
Xã Phong Thu, huyện Phong Điền vốn là địa phương nổi tiếng với cây đặc sản thanh trà nhờ đất phù sa nằm dọc 2 bờ sông Ô Lâu bồi đắp màu mỡ.

Từ năm 2017, cây thanh trà nơi đây đã được công bố nhãn hiệu tập thể thanh trà Huế - Phong Thu. Không còn trồng theo hình thức truyền thống, để nâng cao chất lượng trái thanh trà đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, huyện Phong Điền đã tập trung quy hoạch, mở rộng diện tích trồng mới và hình thành vùng sản xuất cây thanh trà theo hướng VietGap, hướng tới xây dựng thương hiệu thanh trà trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương.

Với lợi thế diện tích đất phù sa nằm dọc 2 bờ sông Ô Lâu, trong những năm qua Đảng ủy, UBND xã Phong Thu đã có Nghị quyết, chuyên đề và chương trình, kế hoạch để khuyến khích người dân phát triển cây thanh trà trở thành cây đặc sản chủ lực của địa phương. Xã đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng cao và hiệu quả kinh tế từ cây thanh trà.

Để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nhằm mang lại thu nhập ổn định cho người dân, UBND xã Phong Thu, Hợp tác xã thanh trà Phong Thu phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đưa các giống cây Thanh trà chất lượng cao vào trồng, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc, bón phân, tưới tiêu.... để cây đảm bảo các điều kiện tiêu chuẩn về chất lượng theo hướng VietGap, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Lịch – Giám đốc Hợp tác xã thanh trà Phong Thu cho biết: “Qua 2 năm triển khai trồng cây thanh trà theo hướng VietGap, chúng tôi đã áp dụng các quy trình kỹ thuật cao vào chăm sóc như bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp mới, từ đó áp dụng một cách có hiệu quả về năng xuất và chất lượng của trái thanh trà, hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn nhiều so với trước đây”.

Trong “Đề án phát triển các sản phẩm đặc trưng huyện Phong Điền giai đoạn 2019 – 2020 và định hướng đến năm 2025”, huyện Phong Điền đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiêu cung cấp nước cho cây Thanh Trà, tổ chức liên kết giữa các hộ gia đình có vườn cây và các vùng có cây Thanh Trà, liên kết với các doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGap có ứng dụng công nghệ cao và định hướng khuyến khích người dân mở rộng thêm diện tích sản xuất ở những vùng đất đai đủ điều kiện trồng cây Thanh Tra như đất phù sa ven sông, đất vườn, đất đồi… theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bên cạnh đó, huyện Phong Điền còn hỗ trợ người dân áp dụng mô hình sơ chế, bảo quản, tiêu thụ hiệu quả đối với trái Thanh Trà và đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch… Toàn huyện Phong Điền, hiện có 270ha trồng cây thanh trà, tập trung chủ yếu tại xã Phong Thu và thị trấn Phong Điền, trong đó có hơn 20 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGap đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Ông Nguyễn Hữu Nam - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Thu cho biết: “Toàn xã hiện có 150 ha trồng cây thanh trà, trong đó 500 hộ trồng thanh trà, năm nay cây thanh trà được mùa, bình quân 1ha cho thu trên 200 triệu đồng. Xác định cây Thanh Trà là cây chủ lực của địa phương, trong những năm qua, xã đã tập chung quy hoạch, hình thành được vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất từ đó đã đem lại thu nhập cao, ổn định cho người nông dân từ cây thanh trà”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư