Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 07 năm 2024,
Thấp thỏm lo sức mua của thị trường nội địa
Thế Hoàng - 11/07/2024 14:04
 
Nhu cầu thị trường trong nước thấp là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, khiến các nhà sản xuất phải tính toán kỹ cho kế hoạch cuối năm.
Thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, kích cầu tiêu dùng, song cần có giải pháp kiểm soát giá cả
Thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, kích cầu tiêu dùng, song cần có giải pháp kiểm soát giá cả

Doanh nghiệp lo cầu tiêu dùng yếu

Tiêu dùng nội địa - một trong 3 trụ cột tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, “điểm tựa” của doanh nghiệp sản xuất trong nửa cuối năm 2024 - vẫn đang là một ẩn số. Thậm chí, không ít doanh nghiệp cho rằng, cầu hàng hóa những tháng tới vẫn chưa thật sự khởi sắc.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông qua các buổi làm việc với 20 hiệp hội và khảo sát khoảng 30.000 doanh nghiệp, kết quả cho thấy, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là nhu cầu thị trường thấp, áp lực cạnh tranh và chi phí sản xuất tăng cao.

Cụ thể, gần 54% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá lực cầu trong nước yếu (đây cũng là điểm nghẽn lớn nhất đối với vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm); 21,2% doanh nghiệp cho biết, vốn là khó khăn lớn nhất; gần 20% doanh nghiệp cho rằng, lãi suất tuy đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.

Ngoài ra, thiếu đơn hàng và lao động có tay nghề; chi phí nguyên liệu, dịch vụ đầu vào tăng cao cũng gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

TS. Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) khẳng định, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động của doanh nghiệp là kết quả bán hàng suy yếu do nhu cầu giảm.

Khi cầu giảm, doanh nghiệp sẽ hạn chế hơn trong việc chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất hàng hóa, từ đó tác động kéo giảm doanh thu.

Nhìn vào các con số phản ánh tốc độ tiêu dùng nửa đầu năm, có thể thấy sức mua chưa thực sự khả quan. Số liệu của Bộ Công thương cho thấy, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt gần 3,099 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 tăng 11,3%), nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng chỉ còn 5,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,8%).

Sức mua trong nước 6 tháng qua tăng thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và giai đoạn 2015 - 2019. Nhiều doanh nghiệp không trụ nổi đã phải rời thị trường.

Theo thông lệ, thị trường nửa cuối năm 2024 dự báo sôi động hơn nhờ nhu cầu hàng hóa tăng cao ở một số thời điểm như năm học mới, chuẩn bị cho các dịp lễ, Tết…, nhưng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp vẫn chưa dám lạc quan, mà đang nghe ngóng, phân tích kỹ hơn để chuẩn bị nguồn hàng. Bởi, xu hướng tiêu dùng đang thay đổi, người dân ngày càng thắt chặt chi tiêu, cắt bỏ những nhu cầu không thiết yếu để dồn lực cho các nhu cầu thiết yếu.

Người tiêu dùng lo giá cả hàng hóa tăng theo lương

Một bìa đậu bán tại siêu thị Mail tại khu đô thị Time City (458 - Minh Khai, Hà Nội) đã tăng lên 11.000 đồng, trong khi hơn 1 tháng trước chỉ 9.000 đồng. Tương tự, từ mớ rau, con cá đến đủ thứ hàng tiêu dùng khác đều đã tăng, “đánh” thẳng vào “túi tiền” của từng cá nhân, hộ gia đình. Theo đó, tiết kiệm chi tiêu tối đa là giải pháp mà đa số người tiêu dùng đang lựa chọn.

“Gia đình tôi sẽ cắt giảm chi tiêu những thứ không cần thiết để tập trung cho những nhu cầu thiết yếu như ăn uống, đi lại… và chuẩn bị mua sắm sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho các con vào mùa khai giảng”, chị Hoàng Mai Hương (phố Mạc Thị Bưởi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. CPI 6 tháng đầu năm nay tăng so với cùng kỳ năm trước do một số nguyên nhân chủ yếu như nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng đều tăng.

Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%).

Từ ngày 1/7/2024, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu/tháng, lương hưu tăng 15%, lương tối thiểu vùng cũng tăng 200.000 - 280.000 đồng so với mức hiện hành, khiến áp lực kiểm soát lạm phát sẽ nặng nề hơn.

Nỗi lo giá cả hàng hóa tăng theo lương hiện hữu, bởi đây cũng là thực tế xảy ra từ nhiều năm nay. Trong các báo cáo gần đây về nội dung này, cả Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều nhắc đến việc gia tăng áp lực lạm phát khi lương cơ sở được điều chỉnh từ ngày 1/7/2024.

Nếu không kiểm soát được giá cả, rất có thể, đồng lương tăng một chút, nhưng giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng nhanh hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Triển vọng tăng trưởng kinh tế còn nhiều ẩn số, nên doanh nghiệp, người dân có tâm lý thắt chặt tiêu dùng, đầu tư. Khi cả người dân, doanh nghiệp đều thận trọng trong chi tiêu tiêu dùng, thì tốc độ lưu chuyển của hàng hóa trên thị trường sẽ khó được đẩy mạnh, doanh nghiệp khó bán được hàng.

Từ góc nhìn chuyên gia, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nhận định, thị trường nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng để khai thác, kích cầu tiêu dùng. Việc Chính phủ vừa ban hành chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% kéo dài đến hết năm nay kỳ vọng sẽ kích cầu tiêu dùng trong nước, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sức mua tăng nhanh ngày giáp Tết
Sức mua hàng hóa những ngày giáp Tết Giáp Thìn tăng mạnh, thị trường đang trong cao điểm tiêu thụ, khi người tiêu dùng đổ bộ mua sắm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư