Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thắt chặt hoạt động quản lý thuế
Hàn Tín - 25/03/2021 13:29
 
Có nhiều nội dung mới, rất quan trọng được đề xuất trong Dự thảo hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế đang được Bộ Tài chính hoàn thiện.

Các nội dung có thể nhắc tới như thắt chặt hoạt động quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), quy định về việc khai thuế, nộp thuế, đồng tiền dùng nộp thuế... 

Thương mại điện tử hết cửa trốn thuế?

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, Dự thảo hướng dẫn một số quy định về quản lý thuế có nhiều nội dung hoàn toàn mới, một trong số đó là quy định cụ thể đối với hoạt động kinh doanh TMĐT của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Theo đại diện PVN, nên quy định bán hàng hóa, dịch vụ bằng đồng tiền nào thì nộp thuế bằng đồng tiền ấy. Nếu bán dầu, khí bằng VND thì nộp thuế bằng VND, nhưng doanh nghiệp vẫn quy đổi sang ngoại tệ theo tỷ giá do cơ quan thuế quy định tại thời điểm nộp thuế để hạch toán, thay vì quy định tỷ giá quy đổi là tỷ giá mua vào của ngân hàng nơi thực hiện giao dịch nộp thuế hoặc của Vietcombank công bố trong trường hợp ngân hàng nơi giao dịch không công bố tỷ giá.

“Tổng cục Thuế trực tiếp quản lý thuế đối với nhà cung cấp ở nước ngoài, có trách nhiệm cấp mã số thuế, tiếp nhận tờ khai thuế; cập nhật danh sách nhà cung cấp nước ngoài đăng ký thuế trực tiếp, kê khai thuế trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế. Cơ quan thuế ở Việt Nam có quyền phối hợp với cơ quan thuế ở nước ngoài để trao đổi, đôn đốc nhà cung cấp ở nước ngoài kê khai, nộp thuế; truy thu thuế nếu chứng minh được nhà cung cấp ở nước ngoài kê khai, nộp thuế không đúng thực tế; phối hợp với các cơ quan khác để thực hiện các biện pháp xử lý đối với trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không tuân thủ nghĩa vụ thuế tại Việt Nam”, ông Huy nhấn mạnh.

Nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam, có hoạt động kinh doanh TMĐT với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam được coi là có cơ sở thường trú tại Việt Nam và thực hiện đăng ký giao dịch thuế điện tử cùng với đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế (đăng ký thuế trực tiếp). Nếu không đăng ký thuế trực tiếp, nhà cung cấp nước ngoài có thể ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam cho tổ chức, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam (đăng ký thuế gián tiếp). Trường hợp nhà cung cấp ở nước ngoài không thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam thì người mua hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà cung cấp ở nước ngoài.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, việc quy định cụ thể về quản lý thuế đối với TMĐT và cho phép đối tượng này được nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi sẽ góp phần tăng thu ngân sách nhà nước từ hoạt động thương mại xuyên biên giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là sẽ quản lý chặt chẽ được hoạt động này. “Muốn tránh thất thu ngân sách của hoạt động TMĐT cần phải quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của sàn TMĐT trong việc phối hợp với cơ quan thuế để tránh tình trạng gian lận thuế, trốn thuế”, ông Thịnh đề xuất.

Ngoài USD, doanh nghiệp được nộp thuế bằng nhiều đồng tiền khác

Một trong những điểm mới của Dự thảo hướng dẫn quản lý thuế là quy định về việc khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. “Thay vì chỉ được khai thuế, nộp thuế bằng USD, thì quy định mới cho phép một số đối tượng được khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Đây là quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và hoạt động TMĐT đối với nhà cung cấp nước ngoài không hiện diện tại Việt Nam”, bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế (Tổng cục Thuế) cho biết.

“Cộng đồng doanh nghiệp rất ủng hộ việc cho phép một số đối tượng được khai thuế, nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, đặc biệt là đối với doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, cần phải cụ thể những loại đồng tiền nào được coi là ngoại tệ tự do chuyển đổi”, ông Thịnh phát biểu.

Theo Dự thảo, tất cả  nghĩa vụ với ngân sách nhà nước đối với hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí (thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, phụ thu đối với phần dầu lãi được chia; tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà được chia; tiền hoa hồng dầu, khí; tiền thu về đọc và sử dụng tài liệu dầu, khí...) đều được nộp bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi. Quy định này trên lý thuyết là tạo điều kiện cho ngành công nghiệp dầu khí, nhưng trên thực tế, theo đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) lại làm khó cho ngành công nghiệp đã và đang đóng góp lớn nhất vào ngân sách nhà nước này.

Đại diện PVN phân tích, hợp đồng mua bán khí rất phức tạp, từ việc thăm dò, khai thác, dẫn khí vào bờ bán cho doanh nghiệp đầu mối, mà cụ thể ở đây là PVN. Từ trước đến nay, tất cả các hoạt động này đều được Chính phủ bảo lãnh về ngoại tệ vì doanh nghiệp bán dầu, khí bằng VND, nhưng nộp thuế, nộp phí, lệ phí… các loại bằng USD, nên phải mua USD để nộp thuế.

Vị này cho biết, nếu bắt buộc hoạt động khai thác, thăm dò dầu khí phải nộp bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi thì nhiều khả năng các đối tác sẽ yêu cầu PVN với tư cách là người mua dầu, khí đàm phán và ký kết lại hợp đồng. Vì nếu bắt buộc phải nộp thuế bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi sẽ dẫn đến rủi ro về tỷ giá và có những thời điểm doanh nghiệp không có ngoại tệ để nộp thuế vì họ bán dầu, khí bằng VND, trong khi không có cơ quan, tổ chức nào đứng ra bảo đảm về việc cung cấp đủ ngoại tệ cho doanh nghiệp.

Đủ chế tài quản lý thuế với thương mại điện tử
Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử không quá khó, vấn đề là phải có cơ chế, chính sách đầy đủ, đồng bộ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư