Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Tập trung quản lý thuế doanh nghiệp lớn vào một đầu mối
Mạnh Bôn - 14/01/2021 11:14
 
Quản lý số thu chiếm 40% số thu nội địa do ngành thuế quản lý, nếu tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm như như hiện nay, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn sẽ bị quá tải.
Viettel là một trong những doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước lớn nhất, ngoài thuế còn có cổ tức, lợi nhuận sau thuế đang do Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn quản lý.
Viettel là một trong những doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước lớn nhất, ngoài thuế còn có cổ tức, lợi nhuận sau thuế đang do Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn quản lý.

Bộ Tài chính chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Cục quản lý thuế doanh nghiệp lớn nhằm giữ vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương.

Tăng quản lý, giảm thất thu

Theo chuyên gia tư vấn thuế quốc tế của Ngân hàng Thế giới, ông Jonathan Leigh Pemberton, thành lập Cục quản lý thuế doanh nghiệp lớn, không chỉ khẳng định vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi quốc gia, hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách và bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, mà quan trọng hơn là có đầu mối để quản lý một số ít doanh nghiệp nhưng đóng góp từ 35-60% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN).

“Với vai trò quan trọng như vậy, hầu hết các nước trên thế giới đều có cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp lớn, kể cả các quốc gia mà ngân sách trung ương không giữ vai trò chủ đạo”, chuyên gia Jonathan cho biết và mong muốn Việt Nam sớm có một cơ quan quản lý thuế tương tự như nhiều nước trên thế giới.

Theo khảo sát cua Diễn đàn thuế năm 2019 tại 58 quốc gia thì có tới 50 quốc gia có cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp lớn chuyên nghiệp. Còn theo khảo sát của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2014 tại 22 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì có 16 quốc gia có cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp lớn và số quốc gia thành lập cơ quan tương tự mỗi năm một tăng lên.

“Ngày càng có thêm nhiều quốc gia thành lập cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp lớn một phần do khu vực này mặc dù chỉ chiếm số lượng rất nhỏ doanh nghiệp nhưng đóng góp 35-60% tổng số thu NSNN; có nhiều công ty thành viên; mô hình kinh doanh, cấu trúc tài chính phức tạp; tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi cung ứng xuyên biên giới và phạm vi toàn cầu; đa dạng về lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh… Rủi ro về thuế (trốn thuế, né thuế, tránh thuế, gian lận thuế) với khu vực doanh nghiệp này rất cao. Vì vậy, xu hướng của các quốc gia trên thế giới đều thành lập một cơ quan chuyên quản chịu trách nhiệm về quản lý cả thuế trực thu, thuế gián thu, các khoản nộp NSNN của đối tượng này. Đồng thời đây cũng là cơ quan chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như hỗ trợ doanh nghiệp lớn trong việc thực thi đầy đủ các chính sách thuế”, chuyên gia Jonathan cho biết thêm.

Chuyên gia Jonathan cho biết thêm, tại các quốc gia đã có cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp lớn, ngay sau khi thành lập, ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của doanh nghiệp lớn đã cải thiện rõ rệt, nhờ đó đã tăng được số thu NSNN.   

“Ở khu vực Mỹ Latin, sau khi thành lập cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp lớn, số thuế giá trị gia tăng mà đối tượng này đóng vào NSNN đã tăng 22%. Còn theo nghiên cứu của IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế), tại Philippines, sau khi thành lập cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp lớn, tình trạng chậm kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp lớn giảm tới 80%. Các doanh nghiệp lớn đã tự nguyện nộp thuế tăng 4% thay vì đợi sau khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra mới thực hiện nộp các khoản đang ẩn, lậu này. Còn tại Sri Lanka đã có 95% số doanh nghiệp lớn chấp hành tốt pháp luật thuế sau khi có cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp lớn, thay vì chỉ có khoảng 55% như trước đây”, chuyên gia Jonathan thông tin thêm.

Quản lý phải đi cùng với hỗ trợ doanh nghiệp lớn

Tại Việt Nam, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (thuộc Tổng cục Thuế) được thành lập từ năm 2010 chỉ có chức năng, nhiệm vụ tham mưu; nghiên cứu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế; đề xuất cơ chế, chính sách pháp luật đặc thù; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách thuế…

Hiện Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn được giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi 35  tập đoàn, tổng công ty với 405 doanh nghiệp và 17 nhà điều hành hợp đồng dầu khí, 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và trực tiếp tổ chức quản lý các khoản thu lớn thuộc ngân sách trung ương gồm thu từ dầu thô, khí thiên nhiên; thu lợi nhuận còn lại, cổ tức được chia tại doanh nghiệp lớn; thu tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp an ninh quốc phòng; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước… 

“Mặc dù chỉ được giao thu một số khoản nhưng số thu do Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn hiện chiếm 40% số thu nội địa do ngành thuế quản lý, vì vậy, nếu vẫn tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ như cấp vụ như hiện nay đã và đang dẫn đến nhiều bất cập”, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn nhận định.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, theo phân cấp quản lý nguồn thu và nhiệm vụ được giao thì Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn chủ yếu thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, giải đáp về chính sách pháp luật, thực hiện công tác thống kê báo cáo phục vụ điều hành thu ngân sách. Cục thuế ở các địa phương là cơ quan quản lý thuế trực tiếp đối với doanh nghiệp lớn. Việc này dẫn đến thiếu thống nhất, đồng bộ, kịp thời khi giải đáp xử lý vướng mắc về chính sách thuế đối với doanh nghiệp giữa các địa phương; làm tăng khối lượng, thời gian xử lý ở phía cơ quan thuế địa phương; tăng thủ tục hành chính, tăng chi phí giải trình từ phía doanh nghiệp; vai trò chỉ đạo điều hành thống nhất quản lý thuế doanh nghiệp lớn trong cả nước bị hạn chế, lúng túng.

Phó chủ tịch VCCI, ông Hoàng Quang Phòng bày tỏ sự đồng tình với thành lập cơ quan chuyên quản về thuế đối với doanh nghiệp lớn không chỉ nhằm “quản lý” khu vực này hiệu quả hơn, mà còn hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này thực hiện tốt hơn các vấn đề liên quan đến chính sách thuế.

“VCCI thừa nhận trong thời gian vừa qua ngành thuế ngày càng làm tốt hơn việc hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ pháp luật thuế, nâng cao năng lực quản trị, giảm rủi ro về thuế, nhưng việc hỗ trợ doanh nghiệp lớn chưa đáp ứng được yêu cầu một phần là do chưa có cơ quan chuyên quản doanh nghiệp lớn”, ông Phòng cho biết.

“Cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh về cả số lượng lẫn quy mô. Việc xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, thậm chí rất lớn đòi hỏi công tác quản lý thuế đối với khu vực này phải được nâng cao, chuyên nghiệp để hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp lớn khi nảy sinh vướng mắc liên quan đến chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế”, ông Phòng nói thêm.

Bộ Tài chính đề xuất thành lập Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn
Đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 3 Quyết định số 41/2018/QĐ-TTg quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư