Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quản lý thuế doanh nghiệp lớn phải chuyên nghiệp
Mạnh Bôn - 23/11/2020 19:40
 
Hầu hết các nước trên thế giới đều có cơ quan chuyên nghiệp quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn - đối tượng đóng góp 60 - 80% tổng thu ngân sách nhà nước.
Chính thức xin ý kiến chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp để thành lập cơ quan chuyển trách quản lý thuế doanh nghiệp lớn
Chính thức xin ý kiến chuyên gia, hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp để thành lập cơ quan chuyển trách quản lý thuế doanh nghiệp lớn

Bộ Tài chính đang nghiên cứu triển khai Kết luận 90/TB-VPCP (ngày 11/3/2020) của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành thuế.

561 doanh nghiệp lớn đóng góp 45,8% ngân sách nhà nước

Một trong những điểm quan trọng nhất trong Kết luận 90/TB-VPCP là tăng cường năng lực cho các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thuế, trong đó lưu ý thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp lớn, các tập đoàn, công ty đa quốc gia.

Tính đến đầu năm 2020 cả nước có khoảng 610.650 doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh (không bao gồm doanh nghiệp chưa hoạt động, không phát sinh doanh thu, chi phí; doanh nghiệp tạm ngừng, ngừng, chờ giải thể và doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể, phá sản). Trong số doanh nghiệp có kết quả hoạt động kinh doanh chỉ có 7.192 doanh nghiệp có quy mô từ 500 tỷ đồng trở lên thì hiện tại Tổng cục Thuế (Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn chỉ quản lý 561 đơn vị).

“Doanh nghiệp lớn có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Nếu như năm 2015 cả nước có 3.945 doanh nghiệp lớn (quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên) thì quy mô GDP đạt 193,2 tỷ USD thì đến năm 2019, số lượng doanh nghiệp lớn tăng lên 7.192 đơn vị thì quy mô GDP đã tăng lên 266,5 tỷ USD. Còn đối với ngân sách nhà nước, chỉ tính khoản thu do Tổng cục Thuế quản lý tại 561 doanh nghiệp lớn và công ty con trực thuộc, hàng năm đã đóng góp vào ngân sách nhà nước 45,8%.

Năm 2019, chỉ tính riêng 561 doanh nghiệp này và các công ty con trực thuộc đã đóng góp 443.600 tỷ đồng, bằng 45,8% tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 (không bao gồm thu từ quyền sử dụng đất, thu cổ tức được chia và lợi nhuận còn lại cho phần vốn nhà nước, thu từ xổ số kiến thiết). Còn trong 9 tháng đầu năm nay, 561 doanh nghiệp lớn đóng góp vào ngân sách nhà nước 195.620 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn cho biết.

Đơn vị được giao chuyên trách quản lý doanh nghiệp lớn (Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn trực thuộc Tổng cục Thuế) chính thức được thành lập năm 2010 và được giao quản lý 405 doanh nghiệp bao gồm 35 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, 4 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 17 lô dầu khí. Đến năm 2016 được giao thêm nhiệm vụ quản lý hợp đồng dầu khí; ngân hàng thương mại; doanh nghiệp bưu chính viễn thông có vốn nhà nước; doanh nghiệp vận tải, dịch vụ hàng không; các khoản thu của ngân sách trung ương bao gồm cổ tức, lợi nhuận của phần vốn nhà nước; chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước… Và đến năm 2018 số lượng doanh nghiệp lớn được đơn vị này quản lý đã tăng lên 561, đóng góp vào ngân sách nhà nước từ 22-27% giai đoạn trước năm 2018 lên 40% vào năm 2018 và 45,8% vào năm 2019.

“Số lượng doanh nghiệp lớn được giao quản lý gia tăng, quy mô vốn, phạm vi, địa bàn hoạt động, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp lớn càng ngày càng tăng. Đóng góp của khu vực doanh nghiệp này vào tăng trưởng kinh tế, ngân sách nhà nước cũng như giải quyết công ăn việc làm mỗi năm một lớn nhưng đầu mối được giao quản lý hiện vẫn chỉ thực hiện chức năng hướng dẫn giải đáp chính sách; thông kê báo cáo số thu ngân sách nhà nước của khu vực doanh nghiệp lớn bên cạnh nhiệm vụ xây dựng tiêu chí lựa chọn và phối hợp thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp lớn. Điều này dẫn tới hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thuế đối với doanh nghiệp lớn chưa cao”, ông Phụng cho biết.

Tránh chồng chéo trong quản lý doanh nghiệp lớn

Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, với mô hình cấp vụ chủ yếu thực hiện chức năng hỗ trợ, tham mưu trong khi số lượng và quy mô thu ngân sách nhà nước được giao ngày càng lớn dẫn đến hiệu quả quản lý nhà nước về thuế chưa cao.

“Cần phải có mô hình tổ chức bộ máy phù hợp thì hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế mới đáp ứng yêu cầu thực tế. Đó là nếu loại trừ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp siêu nhỏ theo tiêu chí phân loại hiện nay (Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ) thì doanh nghiệp lớn hiện đóng góp trên 90% vào ngân sách nhà nước và là động lực quyết định đến tăng trưởng kinh tế”, bà Cúc ủng hộ quan điểm thay đổi mô hình quản lý nhà nước từ cấp vụ lên cấp cục.

Bà Cúc cho rằng, so với hầu hết các nước trên thế giới bây giờ Việt Nam mới thành lập đơn vị chuyên trách quản lý nhà nước về thuế đối với doanh nghiệp lớn là quá muộn.

“Phải thành lập Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn càng sớm càng tốt, nhưng cần phải nghiên cứu để làm sao không chồng chéo trong công tác quản lý thuế. Cụ thể, công tác thanh tra, kiểm tra hiện đang do Vụ Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) đảm nhiệm vậy thì khi thành lập cục thì đơn vị nào chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra đối với doang nghiệp lớn”, bà Cúc đặt câu hỏi.

Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Trần Xuân Hà đồng ý với kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập đơn vị quản lý nhà nước về thuế đối với doanh nghiệp lớn vì mặc dù Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn hiện nay đã thực hiện khá tốt chức năng, nhiệm vụ trong việc tham mưu, đề xuất các văn bản hướng dẫn chính sách thuế; tổng hợp những vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tế quản lý thuế doanh nghiệp lớn; phối hợp với các đơn vị trong công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc nợ… Nhưng doanh nghiệp lớn ngày càng gia tăng về số lượng, quy mô, phạm vi hoạt động, địa bàn hoạt động và nhiều doanh nghiệp còn đầu tư ra cả nước ngoài thì chỉ với chức năng tham mưu, giúp việc như hiện nay, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn khó bảo đảm yêu cầu quản lý thuế.

“Hệ thống thuế tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, được phân công, phân nhiệm rõ ràng. Nếu thành lập Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn thì doanh nghiệp lớn, các công ty con của doanh nghiệp lớn sẽ kê khai thuế, thực hiện các thủ tục hành chính thuế ở đâu, ở trung ương hay địa phương? Quy trình, thủ tục quản lý thuế đối với khu vực này thế nào, có khác với đối tượng khác không?”, ông Hà nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hà, sau khi thành lập, Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn trước mắt chỉ tập trung vào một số nhóm đối tượng, sau một thời gian triển khai thực hiện tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm và mở rộng đối tượng quản lý, phạm vi quản lý thì việc quản lý thuế doanh nghiệp lớn mới hiệu quả.

Thắt chặt quản lý thuế với thương mại điện tử
TS. Mai Thị Ánh Tuyết, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kỳ vọng, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày mai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư