Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thắt chặt quản lý thuế với thương mại điện tử
Mạnh Bôn - 12/06/2019 09:11
 
TS. Mai Thị Ánh Tuyết, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội kỳ vọng, Luật Quản lý thuế (sửa đổi) được Quốc hội xem xét thông qua vào ngày mai (13/6), góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT).
.
TS. Mai Thị Ánh Tuyết, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế có hoạt động TMĐT phát triển mạnh nhất. Bà có nghĩ thế không?

Kinh doanh TMĐT là một loại hình kinh doanh mới xuất hiện, nhưng phát triển vô cùng ấn tượng ở các nước trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, viễn thông. Ưu điểm của kinh doanh TMĐT so với kinh doanh truyền thống là tính linh hoạt cao độ về mặt cung ứng và giảm thiểu phí tổn trong khâu lưu thông. Giao dịch điện tử thông qua mạng Internet không chỉ có chi phí rất rẻ, mà các bên có thể tiến hành giao dịch khi ở cách xa nhau.

Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ dân số trẻ, mà xu hướng của giới trẻ là thích cái mới, thích sự tiện lợi, nhanh chóng, thuận tiện, cộng với việc cả nước hiện có trên 131 triệu thuê bao điện thoại di động, khoảng 14 triệu thuê bao Internet băng thông rộng, nên hoạt động TMĐT phát triển vô cùng mạnh mẽ và được đánh giá là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng TMĐT cao nhất trên thế giới. Theo dự báo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, trong vòng 5 năm tới, quy mô giao dịch TMĐT ở Việt Nam sẽ tăng gấp 2 - 3 lần hiện nay.

Nhưng vấn đề là cơ quan thuế chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý đối với hoạt động TMĐT, nên đã dẫn đến thất thu thuế rất lớn, thưa bà?

Có tính toán cho thấy, riêng thất thu thuế từ hoạt động TMĐT ở Việt Nam ước khoảng một tỷ USD/năm, do các cơ quan quản lý nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý đối với hoạt động kinh doanh này. Quản lý thuế hiện nay đối với loại hình kinh doanh qua mạng gặp nhiều khó khăn như khó xác định chính xác được người nộp thuế, doanh thu phát sinh, xác định quy mô kinh doanh, xác định quá trình giao dịch…

Hơn nữa, giao dịch TMĐT trên nền tảng Internet là giao dịch xuyên biên giới, các công ty vận hành mạng nước ngoài hầu hết không đăng ký kinh doanh và không có văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam. Đây thực sự khó khăn cho ngành thuế trong quản lý thuế đối với các nhà mạng nước ngoài. Hình thức giao dịch TMĐT là mua bán trực tuyến và thanh toán trực tuyến qua tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, nên cũng gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan thuế khi tiến hành thanh tra, kiểm tra người nộp thuế tham gia TMĐT.

Như vậy, để quản lý thuế đối với TMĐT, ngoài cơ quan thuế, còn cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan hữu quan. Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thông qua vào ngày mai sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Những quy định nào trong Luật Quản lý thuế mà bà cho là sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý đối với TMĐT?

Như tôi đã nói, muốn quản lý thuế nói chung, đặc biệt là quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT hiệu quả, phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành hữu quan, chứ một mình cơ quan thuế không thể làm được. Vì vậy, Luật Quản lý thuế sửa đổi lần này đã quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành. Luật cũng đã giao cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm tổ chức xây dựng, quản lý và phát triển cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật của hệ thống thông tin về người nộp thuế.

Để có cơ sở dữ liệu thông tin về người nộp thuế, luật đã quy định rõ trách nhiệm của 10 bộ, ngành.

Trong đó, Bộ Công thương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng kết nối, cung cấp thông tin liên quan trong quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT.

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng trong việc kết nối, cung cấp thông tin liên quan với cơ quan quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng, trò chơi điện tử trên mạng.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong việc phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế thuế; xây dựng và phát triển hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, các tiện ích tích hợp thanh toán điện tử để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT.

Muốn quản lý được thuế phải nắm được giao dịch qua tài khoản ngân hàng của người nộp thuế. Thưa bà, Luật Các tổ chức tín dụng lại quy định, tổ chức tín dụng phải bảo đảm bí mật thông tin của khách hàng?

Luật Các tổ chức tín dụng quy định, tổ chức tín dụng không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Cơ quan thuế chính là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về thuế, vì vậy, khi cơ quan thuế yêu cầu cung cấp thông tin về khách hàng, thì tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm cung cấp.

Luật Quản lý thuế cũng đã quy định, tổ chức tín dụng còn có trách nhiệm cung cấp cho cơ quan thuế thông tin về số hiệu tài khoản theo mã số thuế của người nộp thuế khi mở tài khoản; khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh TMĐT có phát sinh thu nhập từ Việt Nam...

Vơi những quy định trong Luật Quản lý thuế cộng với việc phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, ngân hàng thương mại với cơ quan thuế, tôi tin là sẽ nâng cao được hiệu quả quản lý thuế nói chung, quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói riêng.

Thương mại điện tử kéo logistics phát triển
Doanh nghiệp logistics có nhiều cơ hội tăng trưởng, mà một trong những cú hích là sự tăng tốc của lĩnh vực thương mại điện tử.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư