Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Thất thu ngàn tỷ vì khoáng sản xuất lậu
Thanh Hương - 05/06/2013 08:04
 
Điều tra của một số thành viên Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, xuất khẩu quặng sắt trong năm 2011 và 2012 không chỉ gây thiệt hại về tài nguyên, mà còn gây thất thoát thuế hàng ngàn tỷ đồng.
TIN LIÊN QUAN

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch VSA cho hay, VSA đã nhận được báo cáo của các doanh nghiệp thành viên về thực trạng xuất khẩu quặng sắt năm 2011 và năm 2012 từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Báo cáo đưa ra các số liệu thống kê về xuất khẩu quặng, giá bán được khai với các cơ quan chức năng của cả hai bên. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là, số liệu thống kê có sự chênh lệch rất lớn. Chênh lệch đó chính là lượng hàng xuất lậu.

Cụ thể, theo báo cáo này, trong năm 2011, số lượng quặng sắt xuất khẩu từ Việt Nam được thống kê là 1,34 triệu tấn, với giá bán bình quân 52 USD/tấn. Tuy nhiên, theo con số thống kê của phía Trung Quốc, thì số lượng quặng sắt nhập khẩu từ Việt Nam là 2,89 triệu tấn, với đơn giá bình quân 106 USD/tấn.

Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02/CT-TTg (ngày 9/1/2012), yêu cầu dừng hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt, tổ chức khai thác có hiệu quả dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê và các dự án khai thác quặng sắt khác để phục vụ cho các cơ sở sản xuất gang, thép trong nước. Đối với các mỏ đang khai thác, nếu không bảo đảm hiệu quả và yêu cầu về môi trường, thì cần có phương án đóng cửa mỏ và hoàn thổ theo quy định.

Với chủ trương trên, theo số liệu thống kê của phía Việt Nam, số lượng xuất khẩu quặng sắt còn không đáng kể. Cụ thể, chỉ có 0,0236 triệu tấn quặng sắt được xuất khẩu, với đơn giá bình quân 46 USD/tấn. Tuy nhiên, ở đầu nhập khẩu phía Trung Quốc, con số này là 1,748 triệu tấn, với đơn giá bình quân là 92 USD/tấn.

Từ các thông số trên, báo cáo trên nhận định, việc xuất khẩu quặng sắt lậu là rất lớn, với con số trên 3,2 triệu tấn trong năm 2011 và 2012, cũng như có sự chênh lệch quá lớn về giá xuất khẩu của các đơn vị xuất khẩu Việt Nam khi kê khai với hải quan và giá thực nhập vào Trung Quốc. “Điều này dẫn tới thất thu lớn về thuế cho Việt Nam”, báo cáo viết.

Nếu tính theo trị giá hàng xuất khẩu năm 2011, chênh lệch giữa thống kê của hai phía xuất khẩu và nhập khẩu là 1,55 triệu tấn và tính đơn giá là 106 USD/tấn của bên nhập ghi nhận, thì lượng quặng sắt đã xuất khẩu nói trên có trị giá 164 triệu USD, tương đương 3.444 tỷ đồng.

Áp dụng các mức thuế, phí theo mức mà tỉnh Lào Cai đang áp dụng hiện nay (thuế xuất khẩu 40%, thuế tài nguyên 120.000 đồng/tấn, phí bảo vệ môi trường 60.000 đồng/tấn và phí bảo trì đường bộ là 80.000 đồng tấn), thì 1,55 triệu tấn quặng nói trên lẽ ra phải đóng cho ngân sách 1.780 tỷ đồng thuế, phí các loại.

Cũng với phép tính tương tự, con số 1,7 triệu tấn quặng sắt với đơn giá bình quân 92 USD/tấn của năm 2012 lẽ ra phải đóng cho ngân sách khoảng 1.780 tỷ đồng nữa.

Như vậy, đã có gần 3.500 tỷ đồng nằm ngoài ngân sách, nếu số liệu điều tra của các doanh nghiệp VSA là đúng. Đó là chưa kể thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cũng như các nghĩa vụ khác mà doanh nghiệp phải nộp, nếu khai báo đầy đủ.

Báo cáo cũng cho hay, việc xuất lậu quặng sắt chủ yếu tập trung qua một số tỉnh biên giới phía Bắc, đặc biệt là các cảng Việt Trì (Phú Thọ), Hải Dương, Hải Phòng và đường biển ở Quảng Ninh, với số lượng rất lớn các xe tải, tàu thuyền và xà lan lớn, nhỏ.

“VSA không có điều kiện kiểm tra sự chính xác của số liệu trên, nên chúng tôi đã chuyển tới các cơ quan chức năng để kiểm tra với mong muốn, nếu đúng như vậy, thì Nhà nước phải có giải pháp khắc phục”, ông Cường nói và nhấn mạnh, đó cũng là lý do khiến VSA mới đây lại kiến nghị Chính phủ cấm xuất khẩu quặng sắt để dành nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

“Đã là tài nguyên thì không nên cho xuất khẩu tiểu ngạch. Nếu cho xuất khẩu, thì nên xuất khẩu qua cửa khẩu quốc tế để tránh tình trạng xuất lậu. Một khi doanh nghiệp đã xuất lậu được, thì sẽ thúc đẩy khai thác tự do, phá hoại môi trường, chưa kể có những địa phương vì lợi ích nhóm mà sẵn sàng cấp phép khai thác tận thu tràn lan cho các doanh nghiệp”, ông Cường nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư