Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 26 tháng 01 năm 2025,
Thay đổi cách tiếp cận với xu hướng du lịch của gen Z
Hoài Sương - 21/05/2023 10:18
 
Thông tin từ mạng xã hội, bạn bè hay nhóm KOLs (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) về hình ảnh điểm đến đẹp, nhiều khuyến mãi… là những yếu tố tác động mạnh mẽ đến khả năng ra quyết định cho chuyến đi của gen Z.

Thời kỳ hội nhập, gen Z (thế hệ sinh từ năm 1997-2012) được tiếp cận với công nghệ số và học hỏi một cách nhanh chóng, vì vậy, nhóm du khách trẻ tuổi thường có xu hướng tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến công nghệ, tính tương tác cao trong mua sắm và du lịch.

Do đó, sau Covid-19, dù có những thay đổi đáng kể trong việc lựa chọn điểm đến, hình thức du lịch hay nhu cầu chi tiêu, nhưng nhìn chung, các yếu tố do gen Z tác động đến ngành du lịch đều có tính tích cực.

Ông Nguyễn Thành Lộc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch và Sự kiện Gola cho biết, trước dịch, tỷ lệ cơ cấu về doanh thu từ khách hàng gen Z chiếm khoảng 10-20%. Sau dịch, tỷ lệ này đã lên đến 50% trong 4 tháng đầu năm 2023. Dự kiến các quý còn lại, tỷ lệ này sẽ tiếp tục gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ các năm trước.

Đó là những con số biết nói tại thị trường nội địa, với Gola, doanh nghiệp còn ghi nhận được những tín hiệu rất tích cực đối với thị trường outbound.

“Sự gia tăng nhu cầu của khách du lịch gen Z ở thị trường outbound còn rõ rệt hơn so với thị trường nội địa. Trước dịch, nhóm khách hàng trẻ này đem đến doanh thu khoảng 5% so với tổng cơ cấu doanh thu của Công ty. Đến thời điểm hiện nay, con số này đã lên đến 15% trong quý I/2023”, ông Lộc cho hay.

Không chỉ trực tiếp ra quyết định cho mỗi chuyến đi của mình, thế hệ gen Z còn gián tiếp trong thiết kế lịch trình, lựa chọn điểm đến, doanh nghiệp lữ hành hay dịch vụ du lịch cho gia đình, người thân. 

Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị - truyền thông Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour, gen Z sử dụng các nhiều công nghệ để tìm kiếm, tiếp cận thông tin về du lịch một cách đa dạng, nhanh chóng. Vì vậy, việc đưa ra quyết định giúp người thân trong mỗi tour tại Vietluxtour là điều phổ biến.

Đặc biệt, không giống các thế hệ trước, gen Z không đợi có công việc ổn định, lương cao, hoặc có khoản tiết kiệm lớn mới đi du lịch. Thay vào đó, họ tìm cách thưởng ngoạn trong khả năng tài chính của mình.

Ông Trần Tường Huy, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch xã hội nhận định, đặc tính của nhóm du khách trẻ là có kiến thức và nhạy cảm với các xu hướng (trend), có sự phụ thuộc vào mạng xã hội như Tiktok, Facebook, YouTube… Do đó, các chuyến đi như du lịch tự túc hoặc từng phần và hình thức du lịch một mình (solo travel) là những loại hình được gen Z sử dụng.

Nhờ tiếp cận với môi trường truyền thông rất sớm nên góc nhìn về thế giới của thế hệ gen Z rất phong phú. Vì vậy, những điểm đến mới lạ, nổi bật… luôn có sự kích thích nhóm du khách trẻ trải nghiệm.

Giám đốc marketing Công ty du lịch BestPrice, ông Bùi Thanh Tú thông tin: “Ghi nhận từ các tour của BestPrice, hiện nay nhiều bạn trẻ nhận thức rõ và có quan điểm tích cực về bảo vệ môi trường. Do đó, không ít tour hướng đến cộng đồng, văn hóa và trách nhiệm với môi trường được gen Z chú trọng nhiều hơn”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thành Lộc cho biết thêm, đối với dịch vụ tại Đà Lạt (Lâm Đồng), doanh nghiệp ghi nhận du khách thế hệ gen Z sẵn sàng chi trả cao hơn 20% để có thể trải nghiệm cắm trại tại thung lũng hoặc đỉnh đồi so với việc sẽ lưu trú ở khách sạn. Do đó, xu hướng du lịch của gen Z và sự phát triển của công nghệ thông tin sẽ là một trong những thành tố dẫn dắt thị trường du lịch trong những năm tới. 

Một lưu ý với các doanh nghiệp du lịch, gen Z thông thạo các ứng dụng và phương tiện truyền thông xã hội. Thay vì đến tận nơi, dùng tiền mặt, nhóm khách hàng này sẽ chọn thanh toán tiền vé máy bay, phòng khách sạn, homestay… theo hình thức trực tuyến. Do đó, các doanh nghiệp du lịch cần đầu tư tốt cho các trang website, các công cụ giao dịch và thanh toán online.

Tại BestPrice, doanh nghiệp này đẩy mạnh các sản phẩm du lịch chữa lành, gần gũi với thiên nhiên. Trong đó, các khu du lịch xanh gần những thành phố lớn được công ty phát triển thành combo như: tour 4 đảo Nha Trang, tour trải nghiệm, trekking... được gen Z ưa chuộng vì phù hợp với kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp hướng đến phát triển sản phẩm dựa theo thiết kế riêng. Trong đó, vé máy bay và nơi ở là dịch vụ chính theo yêu cầu của nhóm du khách trẻ. Từ đó, doanh nghiệp phát triển thêm các dịch vụ đi kèm như ăn uống, tham quan, trải nghiệm để linh động với nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Ngoài ra, khuyến mãi là yếu tố được gen Z rất quan tâm, bởi nhóm khách hàng này thường đi du lịch bất chợt, nên giá cả là yếu tố quyết định đến hành vi “xách ba lô lên và đi”. Bởi thế, các công ty du lịch nên thường xuyên tung ra các gói khuyến mãi để thu hút nhóm khách hàng này.

Chủ tịch kiêm CEO Hoiana Resort & Golf: Du lịch Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển
Ông Steven Wolstenholme nhận định, du lịch Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tạo ra một hệ sinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư