Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Thấy gì từ con số doanh nghiệp phá sản?
Cẩm Tú (VOV) - 23/10/2015 10:44
 
Số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động trong 9 tháng qua lên tới 54.000, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Liệu con số này có đáng lo?.

Giải thể hay phá sản doanh nghiệp là một quy luật của nền kinh tế thị trường. Những doanh nghiệp yếu kém, không đủ sức cạnh tranh sẽ bị loại bỏ. Số doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động trong 9 tháng qua lên tới 54.000, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Vậy con số này có đáng lo ngại?

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 9 tháng qua, cả nước có gần 68.350 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nhưng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động trong thời gian này là gần 7.000 doanh nghiệp và số doanh nghiệp khó khăn tạm ngừng hoạt động lên tới hơn 47.600.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Có chuyên gia kinh tế cho rằng, việc doanh nghiệp phá sản là một tín hiệu bình thường. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Như vậy, tính chung cả nước, số doanh nghiệp khó khăn phải giải thể và tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng qua lên tới 54.000 doanh nghiệp, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đánh giá về thực trạng này, các chuyên gia cho rằng: tình trạng doanh nghiệp giải thể và phá sản nhiều là chuyện không tránh khỏi khi nền kinh tế suy giảm. Bởi giải thể, phá sản giúp tái cơ cấu nền kinh tế, thanh lọc để tồn tại những doanh nghiệp “khỏe” hơn.

Phá sản là tín hiệu bình thường

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Hiện tượng phá sản theo kinh tế thị trường không phải là hiện tượng xấu. Một doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán nữa thì họ có quyền, hoặc là đến xin tòa cho phá sản, hoặc là tòa tuyên bố phá sản để khi họ phá sản rồi thì có thể làm lại, xây dựng lại doanh nghiệp của họ. Theo vị chuyên gia này, việc doanh nghiệp phá sản là một tín hiệu bình thường.

Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ nên khi khó khăn, chủ doanh nghiệp đóng cửa để chuyển sang lĩnh vực kinh doanh khác khá dễ dàng. Doanh nghiệp giải thể không hẳn là tín hiệu xấu. Doanh nghiệp phá sản, giải thể, xét ở một góc độ tích cực, là để thanh lọc doanh nghiệp.

“Trước mắt vẫn còn rất nhiều khó khăn bởi nền kinh tế vĩ mô còn chưa ổn định, đặc biệt nó phụ thuôc vào sự biến động của thị trường bên ngoài, trong nước thì tình hình khá hơn nhưng chúng ta đang hội nhập nên sự ảnh hưởng của thị trường nước ngoài không thể không tác động tới các doanh nghiệp Việt Nam,” bà Hằng nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, trong đó nguyên nhân khách quan là do kinh tế thế giới suy giảm, trong khi kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong đầu ra nên phải giải thể, ngừng hoạt động.

Trong khi đó, theo dữ liệu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Điều này phần nào cho thấy, đứng trước khó khăn các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam có sức chống chọi kém hơn so với những doanh nghiệp có quy mô lớn.

Hệ lụy từ doanh nghiệp phá sản

Ông Nguyễn Tất Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động là quá trình đào thải tất yếu của thị trường. Song, khi một nền kinh tế có quá nhiều doanh nghiệp phá sản cũng sẽ mang đến nhiều hệ lụy.

“Việc doanh nghiệp đóng cửa, phá sản không chỉ thuần túy là không có đầu ra mà nó liên quan đến toàn bộ chất lượng hoạt động nội bộ của hệ thống doanh nghiệp, rồi liên quan tới tính thiếu tin cậy trong các quan hệ đối tác, thiếu tin cậy trong hệ thống tiêu chuẩn, thiếu tin cậy trong các hoạt động khác của họ đối với các đối tác, thị trường và chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng của quản trị, công nghệ… Tất cả những điều đó là nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự đổ vỡ và đóng cửa, phá sản của rất nhiều doanh nghiệp vừa qua,” ông Thịnh phân tích.

Với một nền kinh tế có quá nhiều doanh nghiệp phá sản, đặc biệt khi Việt Nam đang xây dựng một môi trường kinh doanh ổn định nhằm thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài thì việc có tới hàng chục nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt và tạm dừng hoạt động trong một năm cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến cái nhìn của các nhà đầu tư đối với môi trường kinh doanh trong nước.

Mặt khác, những hệ lụy về mặt xã hội như việc làm cho lao động, môi trường sinh thái cũng là vấn đề đáng lưu ý khi nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động. Do đó, cần có những biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp hoạt động tốt hơn và có thể quay lại thị trường, giúp kinh tế trong nước hồi phục và phát triển.

9 tháng, hơn 42.000 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 9 tháng, có 42.459 doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên, cũng có 11.299 doanh nghiệp quay trở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư