Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 11 tháng 11 năm 2024,
Thấy gì từ quy hoạch điện của Vương quốc Anh?
Lê Quân - 08/04/2022 08:11
 
Vương quốc Anh chọn thúc đẩy điện hạt nhân, điện gió, nhiên liệu hóa thạch để đảm bảo an ninh năng lượng, nhưng các nhà vận động môi trường cho rằng chiến lược này thiếu tham vọng.
Một trang trại điện gió ở phía Đông Nam nước Anh. Ảnh: AFP
Một trang trại điện gió ở phía Đông Nam nước Anh. Ảnh: AFP

Trong thông cáo ngày 6/4 về chiến lược an ninh năng lượng "táo bạo" vốn được chờ đợi từ lâu, chính phủ Vương quốc Anh đã cho thấy "sự gia tăng đáng kể của nguồn năng lượng sản xuất trong nước trong chiến lược" nhằm có được sự độc lập cao hơn về năng lượng.

Chính phủ Anh đánh giá chiến lược an ninh năng lượng mang hàm ý nhiều năng lượng "sạch hơn" và "giá cả phải chăng" sẽ được sản xuất ở Anh, trong bối cảnh quốc gia này đang tìm cách "thúc đẩy sự độc lập và an ninh năng lượng, thịnh vượng về lâu dài".

Theo đó, Anh đặt mục tiêu đạt được 24 gigawatt điện hạt nhân vào năm 2050, một con số mà họ ước tính sẽ đáp ứng khoảng 1/4 nhu cầu điện dự kiến của cả nước. Với chiến lược này, Anh có thể phát triển tới 8 lò phản ứng.

Cùng với hạt nhân, kế hoạch phát triển năng lượng của Anh bao gồm đảm bảo tối đa 50 GW điện gió ngoài khơi và 10 GW công suất hydro "carbon thấp" và ít nhất một nửa trong số này sẽ là "hydro xanh" vào năm 2030. Chính phủ Anh cũng tham vọng nâng công suất điện mặt trời lắp đặt tăng gấp 5 lần vào năm 2035, so với 14 GW hiện nay.

Về điện gió trên đất liền - một vấn đề gây chia rẽ trong đảng Bảo thủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson, chính phủ Anh cho biết họ sẽ tham vấn về việc "phát triển quan hệ đối tác với một số cộng đồng ủng hộ, những người muốn phát triển cơ sở hạ tầng điện gió mới trên bờ để có được các hóa đơn tiền điện thấp hơn".

Theo ghi nhận của đài CNBC, trong một động thái khiến các nhà vận động môi trường dậy sóng, chính phủ Anh cho biết chiến lược của họ sẽ "hỗ trợ sản xuất dầu mỏ và khí đốt trong nước trong thời gian tới", với việc cấp phép cho các dự án dầu khí mới ở Biển Bắc (North Sea) để ra mắt vào mùa thu năm nay.

Chính phủ Anh cũng khẳng định chiến lược an ninh năng lượng đưa 95% sản lượng điện của nước này là "carbon thấp" vào năm 2030.

Ông Kwasi Kwarteng, Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược công nghiệp Anh, cho biết: "Sự thật đơn giản là chúng tôi càng tạo ra nhiều nguồn điện sạch và rẻ trong biên giới nước mình, thì chúng tôi càng ít chịu ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu hóa thạch do các thị trường trên thế giới ấn định mà chúng tôi vốn không thể kiểm soát".

"Mở rộng quy mô năng lượng tái tạo giá rẻ và năng lượng hạt nhân mới, đồng thời tối đa hóa sản lượng ở Biển Bắc, là cách tốt nhất và duy nhất để đảm bảo sự độc lập về năng lượng của chúng tôi trong những năm tới", Bộ trưởng Kwasi Kwarteng nói thêm.

Việc chính phủ Anh công chiến lược an ninh năng lượng lần này đúng vào thời điểm chiến sự Nga - Ukraine đang diễn ra, đã làm gia tăng mối lo ngại về an ninh năng lượng. Nga là nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt lớn trên thế giới và các hành động của Điện Kremlin ở Ukraine đã khiến một số nền kinh tế tìm cách giảm bớt phụ thuộc nguồn năng lượng từ Moscow.

Để ứng phó với những bất ổn từ chiến sự, Anh cho biết họ sẽ "loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga" vào cuối năm nay. Nga thường đóng góp khoảng 8% nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của Anh.

Chính phủ Anh cho biết, khí đốt tự nhiên của Nga chỉ chiếm "chưa đầy 4%" tổng nhu cầu của nước này, đồng thời nhấn mạnh rằng các bộ trưởng của nước này đang "bàn thảo các giải pháp để giảm lượng khí đốt này hơn nữa".

Trong khi Bộ trưởng Kwarteng lạc quan về chiến lược an ninh năng lượng vừa công bố cũng như triển vọng của nó, thì các nhà vận động năng lượng tỏ ra bất bình.

Danny Gross, một nhà vận động năng lượng tại mạng lưới các tổ chức môi trường Friends of the Earth, cho rằng: "Đó là một chiến lược không thành công vì nó không làm được những điều rõ ràng nhất để có thể làm giảm nhu cầu năng lượng và bảo vệ các hộ gia đình trước sự tăng giá".

"Đào sâu hơn vào kho năng lượng tái tạo của Vương quốc Anh là con đường chắc chắn nhất để đáp ứng nhu cầu năng lượng của chúng ta - chứ không phải là đào 'vàng' từ nhiên liệu hóa thạch", Danny Gross lưu ý. Nhà vận động này cho rằng, việc tăng cường phát triển gió ngoài khơi là điều "đáng hoan nghênh", nhưng các bộ trưởng của Anh nên "nghĩ xa hơn và tận dụng tối đa nguồn tài nguyên gió khổng lồ trên đất liền của Anh".

Trong khi đó, bà Lisa Fischer, Giám đốc chương trình tại Tổ chức tư vấn về biến đổi khí hậu E3G, đánh giá rằng tương lai của Biển Bắc nằm ở năng lượng tái tạo chứ không phải dầu khí.

"Việc thúc đẩy điện gió ngoài khơi là điều đáng hoan nghênh, nhưng việc đồng thời tăng cường sản xuất dầu mỏ và khí đốt sẽ trở thành rào cản để Anh có thể đạt bước nhảy vọt đi tới một tương lai năng lượng sạch và giá cả phải chăng", bà Lisa Fischer nói thêm.

An ninh năng lượng
Dứt khoát không để khủng hoảng năng lượng, bảo đảm cung ứng đủ điện cả trước mắt và lâu dài- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư