Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 19 tháng 05 năm 2024,
Thẻ tín dụng - “con dao hai lưỡi”?
Vân Linh - 15/06/2019 09:22
 
Nếu người dùng không thận trọng và tỉnh táo trong cách chi tiêu và tất toán nợ, thì thẻ tín dụng sẽ trở thành “con dao hai lưỡi”.
Thẻ tín dụng đang được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh
Thẻ tín dụng đang được sử dụng khá phổ biến tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh

Chi tiêu qua thẻ tín dụng

Để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng cũng như đẩy mạnh thanh toán phi tiền mặt, các ngân hàng không ngừng đầu tư để cho ra đời nhiều dòng sản phẩm, nhất là đối với dịch vụ thẻ tín dụng.

Ông Phan Viết Cường, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân (Ngân hàng Bản Việt) cho biết, thị trường thẻ tín dụng tại Việt Nam rất tiềm năng, bởi dân số trẻ chiếm tới 70%.

Theo ông Cường, những năm gần đây, các ngân hàng tập trung đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng và Ngân hàng Bản Việt không phải ngoại lệ khi lựa chọn đây là mảng sản phẩm cốt lõi. Thị trường thẻ tín dụng có nhiều tiềm năng, hầu hết các ngân hàng lớn đều tập trung vào thành phố lớn, trong khi bỏ ngỏ thị trường tại các tỉnh. Vì vậy, đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng còn lại, trong đó có Bản Việt.

Có thể thấy, các ngân hàng đang tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng chi tiêu qua thẻ tín dụng. Thậm chí, các ngân hàng còn vào cuộc đua mở thẻ miễn phí và cấp hạn mức cao cho khách hàng chi tiêu tín chấp, với các điều kiện mở thẻ khá dễ dàng. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, người tiêu dùng sẽ khó tránh được nợ nần, do lãi vay qua thẻ cao.

TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, tâm lý người tiêu dùng khi thấy nhân viên ngân hàng mời mở thẻ tín dụng ít khi nghĩ tốt, mà nghĩ đó là nhiệm vụ của nhân viên ngân hàng. Theo ông, thẻ tín dụng rất tiện lợi, nhưng hiện nay, việc phổ biến tới những người có nhu cầu vẫn còn chưa tốt, công tác marketing, PR chưa xứng tầm để tiếp cận những người thực sự có nhu cầu.

Mặt khác, TS. Hiển cho rằng, nếu không cẩn trọng trong chi tiêu thì sẽ lợi bất cập hại. Nếu không có sự tính toán kỹ lưỡng, cứ đụng đâu cũng quẹt thẻ tín dụng thì sẽ khó tránh nợ nần. Đồng thời, khi sử dụng thẻ tín dụng phải rất chú ý việc thanh toán nợ đúng hạn 45 ngày.

Phải trả nợ đúng hạn

Quả thực, nếu khách hàng chi tiêu qua thẻ tín dụng trong vòng 45 ngày sẽ không phải trả một đồng lãi suất nào cho ngân hàng, song nếu sau thời gian này mà chưa thanh toán được nợ, thì lãi suất sẽ được tính ở mức rất cao. Các ngân hàng áp dụng lãi suất thẻ tín dụng sau thời hạn miễn lãi ở mức 17 - 18%/năm, nhưng cũng không ít ngân hàng áp dụng mức lãi suất tới 30 - 40%/năm.

Các ngân hàng áp dụng lãi suất thẻ tín dụng sau thời hạn miễn lãi ở mức 17 - 18%, nhưng cũng không ít ngân hàng áp dụng mức lãi suất tới 30 - 40%/năm.

Đó cũng là lý do các ngân hàng sẵn sàng cho vay tín chấp qua thẻ để khách hàng cá nhân thoải mái chi tiêu trước, trả nợ sau. TS. Đinh Thế Hiển kể về tình huống một người bạn là chủ doanh nghiệp khi có nhu cầu cần vốn để nghĩ đến thẻ tín dụng. Chủ doanh nghiệp này có giai đoạn kẹt tiền, cần vay 3 tỷ đồng vốn lưu động, nhưng cuối cùng nghĩ đến họp nhân viên và tất cả nhân viên cà thẻ tín dụng để huy động đủ 3 tỷ đồng. Thế nhưng, nếu sau 45 ngày các nhân viên trên không thanh toán được nợ trả cho ngân hàng, thì con số lãi phạt sẽ được tính đến vài chục phần trăm. “Gia đình tôi với mức chi tiêu khoảng 30 triệu đồng/tháng, song vẫn chưa có thói quen sử dụng thẻ tín dụng, cho dù đã có thẻ tín dụng. Thẻ tín dụng là cách thức rất tốt cho người sử dụng”, TS. Hiển nói. Tuy nhiên, ông Hiển cũng cảnh báo người tiêu dùng phải thận trọng và tỉnh táo trong mua sắm và chi tiêu qua thẻ tín dụng.

Liên quan lãi suất, hiện không có quy định nào về trần lãi suất cho vay tín chấp chi tiêu qua thẻ tín dụng. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, từ nhiều năm nay, Ngân hàng Nhà nước chỉ có quy định 2 loại lãi suất.

Thứ nhất là lãi suất tiền gửi với trần lãi huy động ngắn hạn VND dưới 6 tháng tối đa là 5,5%/năm và 0%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm bằng USD.

Thứ hai là trần đối với lãi suất cho vay ngắn hạn VND áp dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp - nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ phụ trợ và ứng dụng công nghệ cao, với vay ngắn hạn tối đa là 6,5%. Các lãi suất còn lại, trong đó có lãi suất thẻ tín dụng, là thỏa thuận giữa ngân hàng với khách hàng.

Có bao nhiêu thẻ tín dụng là đủ?
Nhiều khách hàng muốn sở hữu cho mình càng nhiều thẻ tín dụng càng tốt, nhưng liệu đây có phải là một quyết định đúng đắn?
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư