Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
The Vissai đầu tư xây cảng biển: Ngả thoát trong xuất khẩu xi măng
Thế Hải - 26/10/2017 10:28
 
Với quy mô công suất ở mức gần 100 triệu tấn, để cạnh tranh được với các nhà sản xuất trong khu vực, ngành xi măng cần thêm các dịch vụ hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ.

The Vissai có cảng biển

Cuối tuần qua, 21/10, Cảng quốc tế Vissai tại Nghi Thiết, Nghệ An do Tập đoàn Xi măng The Vissai đầu tư đã chính thức được vận hành.

Con tàu 63.000 tấn mang quốc tịch Liberya đã cập cảng quốc tế The Vissai Nghi Thiết (Nghi Lộc), Nghệ An, nhập nguồn hàng clinker và xi măng từ Nhà máy xi măng Sông Lam để xuất khẩu.

Lượng xi măng, clinker xuất khẩu của Vissai đã vượt 20 triệu tấn. Trong ảnh: Vận chuyển thành phẩm tại The Vissai. Ảnh: Chí Cường
Lượng xi măng, clinker xuất khẩu của Vissai đã vượt 20 triệu tấn. Trong ảnh: Vận chuyển thành phẩm tại The Vissai. Ảnh: Chí Cường

Đây là một trong những cảng quốc tế được đầu tư bởi chính nhà sản xuất xi măng, với mục tiêu là thúc đẩy giao thương, vận chuyển clinker và xi măng của Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đến các vùng miền trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Việc doanh nghiệp tư nhân trong ngành xi măng tự bỏ vốn đầu tư cảng biển nước sâu, có khả năng đón tàu tải trọng lớn để thuận lợi cho xuất khẩu là sự kiện không phổ biến trong ngành xi măng. Nhưng, đây là sự lựa chọn không thể khác của Tập đoàn Vissai, khi mà năng lực sản xuất của Tập đoàn đã ở mức xấp xỉ 15 triệu tấn.

Cảng biển quốc tế Vissai thuộc Tổ hợp Nhà máy xi măng Sông Lam, Trạm nghiền Nghi Thiết và Cảng nước sâu Vissai, có tổng mức đầu tư 13.000 tỷ đồng.

Riêng vốn đầu tư dành cho 2 giai đoạn của Cảng biển quốc tế Vissai là 300 triệu USD. Giai đoạn 1 vừa được hoàn thành với tổng đầu tư 90 triệu USD, góp phần thúc đẩy giao thương xuất khẩu xi măng của Tập đoàn, khi mà chỉ tính riêng tại Nghệ An, sản lượng của Vissai đã lên tới hơn 5 triệu tấn và tương lai sẽ lên gần 8 triệu tấn, chưa kể các nhà máy khác như Vicem Hoàng Mai gần 2 triệu tấn.

Ông Hoàng Mạnh Trường, Chủ tịch Tập đoàn Xi măng The Vissai cho biết, việc hoàn thành Cảng quốc tế Vissai chứng minh rõ hơn cam kết của Tập đoàn trong việc đầu tư bền vững vào ngành xi măng và các dịch vụ hỗ trợ.

Cần phải nói thêm, tại Việt Nam, cảng biển được phân thành 3 loại, trong đó loại I với tiêu chuẩn cao nhất là cảng biển đầu mối khu vực; có vai trò là cảng cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế được ký hiệu là cảng biển loại IA.

Cảng IA là cảng có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn; cảng loại I có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 70.000 tấn. Theo tiêu chuẩn trên, Cảng biển Vissai Nghệ An là cảng biển loại I.

Xuất khẩu sẽ thuận hơn

Ông Lê Văn Tới, nguyên Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực xi măng nhận định, ngành xi măng sẽ cạnh tranh tốt hơn khi thị trường có những tập đoàn sản xuất quy mô lớn dẫn dắt, tạo thế liên kết với các nhà máy nhỏ để gia tăng hiệu quả tiêu thụ xi măng cả về sản lượng lẫn giá bán tại nội địa và xuất khẩu.

Do dư cung tại nội địa, 5 năm trở lại đây, xuất khẩu là con đường tiêu thụ lượng xi măng dư thừa của hầu hết doanh nghiệp xi măng. Trong đó, lợi thế xuất khẩu đang nghiêng về các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như Vissai, Vicem….

Đơn cử, trong vòng 5 năm qua, lượng xi măng, clinker xuất khẩu của Vissai đã vượt 20 triệu tấn. Nay, với việc sở hữu cảng biển có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng lớn đến 70.000 tấn, Vissai có điều kiện để “bắt tay” các doanh nghiệp xi măng nhỏ để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Tập đoàn Vissai cũng xác nhận, việc đầu tư sẽ chưa dừng lại. Giai đoạn II sẽ tiếp tục được đầu tư để ngắm đích biến nơi đây thành cảng tổng hợp, trở thành cảng biển quốc tế đa dụng. Đặc biệt, với độ sâu tự nhiên 9 m, cầu cảng Vissai có thể phục vụ cho tàu trên 100.000 tấn cập cảng.

Theo đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), từ trước tới nay, Việt Nam chưa có cảng chuyên dùng cho việc xuất trực tiếp sản phẩm xi măng, đặc biệt là clinker, hệ thống logistics còn thiếu chưa đồng bộ gây khó khăn cho công tác xuất khẩu.

Với việc Cảng biển quốc tế Vissai được đưa vào vận hành tạo nền tảng xuất khẩu tốt cho ngành xi măng. Điều này cũng phù hợp với định hướng phát triển của ngành xi măng trong những năm tới.

Hiện, Bộ Xây dựng đang hoàn thiện Dự thảo Quy hoạch xi măng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 nhằm thay thế cho Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 về phát  triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030.

Dự thảo Quy hoạch này chỉ rõ, mục tiêu hướng đến phát triển công nghiệp xi măng thành một trong số các ngành công nghiệp mạnh ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xi măng trong nước và một phần xuất khẩu.

Thu về gần 500 triệu USD, xuất khẩu xi măng, clinker sắp hoàn thành kế hoạch 2017
9 tháng đầu năm 2017, ngành xi măng Việt Nam đã xuất khẩu được 13,6 triệu tấn xi măng và clinker, đạt 90% kế hoạch, đem về trị giá xuất khẩu 483...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư