Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 07 năm 2024,
Thêm “đường sống” cho doanh nghiệp mỏng vốn
Mạnh Bôn - 15/04/2013 17:48
 
Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi tính cả chi phí đối với phần lãi vay vượt quá mức trần cho phép.
TIN LIÊN QUAN
Dự thảo Luật thuế TNDN tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn để tái đầu tư. Ảnh: Đức Thanh

(baodautu.vn) Nhiều khả năng, Chính phủ sẽ trình Quốc hội không đưa vào Dự thảo Luật Thuết thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi nội dung đánh thuế đối với doanh nghiệp mỏng vốn.

Thông tin này vừa được ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) tiết lộ tại một hội thảo mới đây.

Trước đó, Chính phủ đã có tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đánh thuế đối với doanh nghiệp mỏng vốn (hoạt động chủ yếu dựa vào vốn đi vay, trong khi vốn chủ sở hữu/tổng vốn hoạt động rất thấp).

Luật thuế TNDN hiện hành không quy định về vốn mỏng, doanh nghiệp vay vốn bao nhiêu thì toàn bộ phần lãi đi vay đều được coi là chi phí hợp lý khi xác định thuế TNDN.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi không tính vào chi phí hợp lý (được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế) đối với phần chi trả lãi tiền vay của khoản vay vượt quá 4 lần vốn chủ sở hữu. Đối với một số lĩnh vực đặc thù như tín dụng, ngân hàng, tiền lãi trả cho phần vốn huy động vượt quá 10 lần vốn chủ sở hữu cũng không được coi là chi phí hợp lý.

“Để phù hợp với thực tiễn là hiện có rất nhiều doanh nghiệp có vốn vay vượt 4 lần vốn chủ sở hữu có thời gian để tái cơ cấu và cân đối lại các nguồn vốn hoạt động, quy định này dự kiến được áp dụng từ ngày 1/1/2016”, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Vũ Thị Mai nói.

Bà Mai cũng cho rằng, không tính vào chi phí hợp lý đối với khoản vay vượt quá quy định là để bảo đảm phản ánh đúng chi phí lãi vay phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, góp phần bảo đảm an toàn tài chính cho doanh nghiệp và cho cả nền kinh tế, đồng thời cũng có tác dụng trong việc chống chuyển giá.

Việc không tính vào chi phí hợp lý đối với lãi trả cho khoản vốn đi vay vượt quá “mức trần”, theo bà Mai, đang được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng, như New Zealand, Đức, Australia, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Chile, Peru, Nam Phi, Bồ Đào Nha, Brazil, Liên bang Nga… Thậm chí, nhiều nước như Hoa Kỳ, Pháp, Canada, Venezuela… còn không tính vào chi phí hợp lý đối với lãi vay trả cho phần vốn vượt quá 1 - 2 lần vốn chủ sở hữu.

“Tuy nhiên, ở Việt Nam, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn chủ sở hữu rất ít, “sống” dựa chủ yếu vào ngân hàng, trong điều kiện doanh nghiệp đang gặp khó khăn như hiện nay mà áp dụng quy định này thì sẽ khiến không ít doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản”, ông Nguyễn Văn Phụng cho biết.

Theo ông Phụng, cũng chính vì lý do trên, mà Bộ Tài chính đang nghiên cứu, cân nhắc rất kỹ nội dung này xem có nên đưa vào Luật thuế TNDN hay không. “Với tình hình kinh tế như hiện nay, nhiều khả năng đến năm 2016, doanh nghiệp vẫn chưa hết khó khăn. Vì vậy, Bộ Tài chính đã tính đến 2 phương án: kéo dài thời gian áp dụng quy định này kể từ ngày 1/1/2018, thay vì 1/1/2016 như dự kiến ban đầu; hoặc không đưa nội dung này vào Luật thuế TNDN”, ông Phụng tiết lộ.

Tuy nhiên, “nhã ý” của Bộ Tài chính lại nhận được không ít sự đồng tình của một số chuyên gia kinh tế. Theo ông Bành Quốc Tuấn, Trường đại học Quốc gia TP.HCM, hiện có nhiều doanh nghiệp chỉ có 1-10% vốn chủ sở hữu, còn lại là vốn vay, dẫn đến không chỉ mất an toàn tài chính cho bản thân doanh nghiệp, cho khách hàng, bạn hàng, mà còn ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng do rủi ro về nợ xấu gia tăng và gây thất thu ngân sách nhà nước.

Ông Tuấn cho rằng, cần phải có quy định khống chế chi phí trả lãi vay vốn đối với khoản vay vượt quá mức vốn chủ sở hữu ở tỷ lệ nào đó. Bởi việc này không chỉ tránh được những hạn chế nêu trên, mà còn góp phần đáng kể trong việc chống chuyển giá, do doanh nghiệp mẹ lợi dụng chính sách này cho công ty con vay tiền với khối lượng lớn, lãi suất cao.

“Cho đến nay, thời điểm chín muồi để đưa quy định về vốn mỏng vào Luật thuế TNDN đã đến. Bởi tình trạng doanh nghiệp lợi dụng chính sách thuế hiện hành vay vốn thoải mái, mà không cần biết vốn vay gấp bao nhiêu lần vốn chủ sở hữu nhằm tránh thuế diễn ra phổ biến”, ông Đỗ Minh Tuấn, Công ty Luật châu Á phát biểu.

So sánh với những quy định về vốn mỏng của nhiều nước trên thế giới, ông Đỗ Minh Tuấn cho rằng, quy định như trong Dự thảo Luật thuế TNDN rất thông thoáng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn để tái đầu tư nhằm vượt qua khó khăn của giai đoạn hiện nay.

“Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cũng nên thiết kế cơ chế mềm là cho phép doanh nghiệp thực sự có nhu cầu vay vốn để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, có năng lực tài chính, chưa có tiền sử bị xử phạt vi phạm hành chính vế thuế, thực hiện trả nợ tốt với chủ nợ… được vay vốn vượt quá mức trần cho phép, nhưng phải đăng ký trước với cơ quan thuế”, ông Tuấn kiến nghị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư