Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Theo kịp dòng thông tin hội nhập
Thế Hải - 22/06/2019 07:57
 
Thông tin hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam luôn là mảng đề tài nhận được sự quan tâm lớn của báo chí, đặc biệt là những báo chuyên sâu về kinh tế.
.
Doanh nghiệp luôn có nhu cầu được chia sẻ thông tin, bởi đây chính là hình thức để các nhà nhập khẩu trên thế giới biết đến Việt Nam nhanh nhất.

Bắt nhịp thông tin hội nhập

“Những thông tin về quá trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), như đàm phán đến đâu, mở cửa cho từng ngành hàng thế nào, cơ hội để tận dụng ưu đãi thuế với từng ngành hàng ra sao, những FTA được thông qua rồi thì triển khai thực hiện như thế nào để doanh nghiệp chủ động thích ứng… đã được báo chí, trong đó có Báo Đầu tư, phản ánh liên tục trong suốt thời gian qua và ít nhiều giúp ích cho những doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu như chúng tôi có thêm thông tin bổ ích”, ông Hoàng Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Nam Đông (Nam Định) chia sẻ.

Giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã không ngừng tăng lên trong những năm qua. Năm 2018, lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 245 tỷ USD, tăng gần 14% so với năm 2017. Kết quả này phản ánh việc hội nhập sâu rộng của Việt Nam khi tham gia nhiều FTA thế hệ mới đã có kết quả. Trong sự trưởng thành về quy mô xuất khẩu hàng hóa, báo chí viết về hội nhập kinh tế quốc tế đã thực hiện vai trò chuyển tải thông tin rất nhạy bén để thế giới biết tới Việt Nam.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam tham gia 14 FTA, trong đó 11 FTA đã có hiệu lực; 1 FTA đã ký, nhưng chưa có hiệu lực; 1 FTA đã kết thúc đàm phán, nhưng chưa ký; 3 FTA đang đàm phán. Trong đó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là FTA mới nhất, đang tạo điều kiện để doanh nghiệp tăng tốc xuất khẩu các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, thủy sản, giày dép, đồ gỗ sang các thị trường mới như Canada, Mexico, Australia…

Tuy nhiên, vẫn còn không ít băn khoăn việc một số thông tin tô hồng những lợi thế khi Việt Nam được hưởng lợi từ các FTA, mà quên đi những “điều kiện” để được miễn giảm thuế.

“Mỗi FTA đều đưa ra những điều kiện ràng buộc không giống nhau. Mục tiêu lớn khi tham gia FTA là mở rộng thị trường, tận dụng miễn giảm thuế, nhưng với mỗi ngành hàng, lộ trình giảm lại khác nhau. Chúng tôi muốn báo chí đăng tải nội dung chi tiết hơn về lộ trình đó, đầu mối triển khai các thủ tục để doanh nghiệp nắm bắt ngay”, ông Hoàng Ngọc Anh giãi bày.

Một nguyện vọng của không ít doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là báo chí cập nhật nhiều thông tin hơn về thời sự kinh tế thế giới. Vấn đề nóng nhất lúc này là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng ra sao tới kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam. Doanh nghiệp muốn có những phân tích sâu của chuyên gia về những được - mất của từng ngành hàng để có thêm cơ sở cho việc điều chỉnh sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Thông tin đúng nhiều khi cũng chưa nên đăng

Giám đốc một doanh nghiệp lớn với quy mô 20 xí nghiệp thành viên, hơn 10.000 lao động tại Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hóa từng hồ hởi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư về hợp đồng tương lai mà doanh nghiệp này vừa đàm phán được với đối tác là một tập đoàn sản xuất và phân phối hàng dệt may lớn của Nhật Bản.

doanh nghiệp luôn có nhu cầu được chia sẻ thông tin, bởi đây chính là hình thức để các nhà nhập khẩu trên thế giới biết đến Việt Nam nhanh nhất, để họ biết Việt Nam là một trung tâm sản xuất lớn, nơi có lợi thế cạnh tranh và có nhiều nhà cung ứng hàng hóa đủ tầm với cuộc chơi thương mại toàn cầu.

Mải vui vì kết quả có được sau chuyến đi, vị giám đốc đã “dốc lòng tâm sự”, phóng viên nhiệt tình viết bài, đưa thông tin sâu và rất chi tiết. Hệ quả là, lãnh đạo của doanh nghiệp mua hàng đã hơn một lần làm việc nghiêm túc với doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề công bố thông tin.

“Chúng tôi đã rút ra bài học xương máu là thông tin dù có đúng, có giá trị với doanh nghiệp đến đâu cũng nên tiết chế khi cung cấp thông tin cho báo chí. Bởi bản thân các nhà mua hàng tại thời điểm đó cũng muốn giữ danh tính và doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam cũng giảm được yếu tố cạnh tranh từ các đối thủ cạnh tranh từ các quốc gia sản xuất cùng ngành hàng”, giám đốc doanh nghiệp dệt may này xác nhận.

Có thâm niên làm việc trong ngành dệt may, nhiều năm giữ vai trò đầu mối cung cấp thông tin cho báo chí, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 chia sẻ, trong một thế giới phẳng và Việt Nam đã hội nhập sâu rộng như hiện nay, báo chí viết về hội nhập kinh tế quốc tế đã cung cấp một lượng thông tin khổng lồ và giá trị tới các doanh nghiệp, nên May 10 cũng được lợi nhiều từ nguồn thông tin đó.

“Tôi phải khẳng định, doanh nghiệp luôn có nhu cầu được chia sẻ thông tin, bởi đây chính là hình thức để các nhà nhập khẩu trên thế giới biết đến Việt Nam nhanh nhất, để họ biết Việt Nam là một trung tâm sản xuất lớn, nơi có lợi thế cạnh tranh và có nhiều nhà cung ứng hàng hóa đủ tầm với cuộc chơi thương mại toàn cầu”, ông Việt nói.

Với May 10, một số khách hàng lớn như Gap, JC Penny…, trong quá trình ký hợp đồng xuất nhập khẩu với các nhà nhập khẩu của Mỹ cũng như các thương hiệu lớn, họ đều có quy định rất rõ về vấn đề bản quyền, nhãn mác thương mại. Chính vì vậy, việc báo chí đưa tin về doanh nghiệp A ký được hợp đồng với nhà nhập khẩu B, với sản lượng và giá trị cụ thể nào đó chỉ thực sự tốt nếu như được sự chấp thuận của cả nhà cung cấp và nhà mua hàng.

Tất nhiên, trong quá trình đưa tin, các doanh nghiệp đều cho rằng, điều mong chờ nhất của họ là thông tin đưa trên báo chí phải thật chính xác, đầy đủ.

Ông Việt cho biết, các doanh nghiệp ngoại kiểm soát rất chặt chẽ thông tin đưa ra bên ngoài. Có những nhà nhập khẩu nước ngoài sau khi làm việc với May 10 có hỏi về việc có thể công bố thông tin về giao dịch này trên toàn cầu hay không và đối tác đó chỉ cung cấp thông tin toàn cầu khi May 10 “gật đầu”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư