Thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi Tập đoàn JFE (Nhật Bản) xin rút khỏi Dự án Thép Guang Lian (dự án thép Quảng Liên, vốn đầu tư 3 tỷ USD), chủ đầu tư hiện tại của Dự án - Tập đoàn E-United (Đài Loan) đã trình hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư lần thứ 5 cho Dự án.
Dự án Thép Guang Lian vẫn đang ở điểm xuất phát sau gần 10 năm triển khai. Ảnh: Đức Thanh |
Đáng nói là, khác với lần đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư mà cho đến nay chưa được tỉnh phê duyệt - là nâng tổng vốn đầu tư lên 4,5 tỷ USD, thì lần này, Guang Lian xin giảm vốn đầu tư Dự án xuống chỉ còn 2 tỷ USD.
Cùng với đó là các đề nghị điều chỉnh liên quan đến phân kỳ đầu tư và tiến độ đầu tư; sản phẩm và cơ cấu sản phẩm; quy hoạch mặt bằng nhà máy và bến cảng chuyên dụng...
Theo thông tin của Báo Đầu tư, chủ đầu tư vẫn sẽ giữ nguyên công suất cũ là 5 triệu tấn/năm, nhưng sẽ phân kỳ đầu tư thành 4 giai đoạn.
Sau đề xuất của Guang Lian, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi các bộ, ngành Trung ương đề nghị xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 5 cho Dự án.
“Dự án Thép Guang Lian triển khai chậm tiến độ đã nhiều năm nay, với lý do chủ yếu là vì năng lực tài chính của nhà đầu tư còn hạn chế. Vì thế, việc nhà đầu tư đề nghị điều chỉnh vốn đầu tư cũng như các nội dung khác, đặc biệt là phân kỳ đầu tư làm 4 giai đoạn, là phù hợp với tình hình thực tế hiện nay cũng như khả năng thu xếp tài chính cho Dự án”, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ngãi lý giải.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, ngay sau khi JFE tuyên bố rút khỏi Dự án vào tháng 9/2014, E-United đã xin tiếp tục triển khai Dự án, song lại xin giãn tiến độ. Vì thế, khi đề xuất các phương án xử lý Dự án, UBND Quảng Ngãi cũng đã tính đến phương án thu hồi dự án thép đang quá chậm tiến độ này.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi các bộ, ngành cách đây ít ngày, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, thời điểm này, nếu đơn phương xử lý chấm dứt và thu hồi Dự án sẽ không có lợi cho cả hai bên - nhà đầu tư và cơ quan quản lý.
“UBND tỉnh Quảng Ngãi nhận thấy cần thiết cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 5 cho Dự án, nhằm tạo căn cứ pháp lý mới, làm cơ sở xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại liên quan đến Dự án”, ông Lê Viết Chữ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ quan điểm.
Trong khi đó, liên quan đến đề xuất của nhà đầu tư về việc giữ nguyên các ưu đãi đầu tư như giấy chứng nhận đầu tư cũ, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho là “có cơ sở để xem xét được”, vì lần điều chỉnh này không làm thay đổi mục tiêu và quy mô công suất đã cấp chứng nhận đầu tư trước đây.
Gửi công văn xin ý kiến của các bộ, ngành, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi có ý kiến thẩm tra của các cơ quan Trung ương, sẽ yêu cầu nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 5. “Chúng tôi sẽ chỉ cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh sau khi Công ty TNHH Guang Lian Việt Nam xuất trình hợp đồng tín dụng chính thức đã ký với ngân hàng”, ông Chữ khẳng định và cho biết, có thể chỉ một ngày sau khi có văn bản chính thức này, tỉnh sẽ cấp Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần thứ 5 cho Dự án.
Cũng theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ngãi, nếu trong vòng 60 ngày kể từ khi Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất có văn bản chấp thuận nguyên tắc các nội dung dự kiến được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh mà chủ đầu tư không cung cấp được hợp đồng tín dụng chính thức, thì Quảng Ngãi có quyền đơn phương chấm dứt, thu hồi Dự án và xử lý theo quy định của pháp luật.
Như vậy nghĩa là, số phận dự án thép đầy long đong, lận đận này vẫn còn rất bấp bênh, vừa phụ thuộc vào thẩm định của các bộ, ngành, vừa phụ thuộc vào quyết tâm đầu tư và năng lực tài chính của chủ đầu tư.
Được biết, sau một thời gian chậm triển khai, đầu năm 2012, JFE và E-United đã ký thỏa thuận về việc JFE sẽ nghiên cứu đầu tư dự án này. Nếu JFE đầu tư Dự án, thì nhiều khả năng, E-United sẽ chuyển toàn bộ phần đầu tư của mình cho JFE. Chính vì vậy, vào thời điểm đó, sự xuất hiện của tập đoàn thép đứng thứ 2 Nhật Bản và thứ 6 thế giới này khiến dư luận kỳ vọng, Thép Guang Lian sẽ được đẩy nhanh tiến độ và việc xin nâng công suất và vốn đầu tư của Dự án lên 4,5 tỷ USD sẽ nhanh chóng được Chính phủ thông qua.
Tuy nhiên, tháng 9 năm ngoái, sau một thời gian theo đuổi, với hàng loạt đề xuất liên quan đến ưu đãi đầu tư, xin thêm đất, xây dựng khu cảng riêng, nhà máy điện riêng…, JFE đã rút lui.
Nguyên Đức
-
Lâm Đồng đầu tư 164 tỷ đồng xây chợ hoa đầu mối -
Áp dụng hình thức BOT dự án cải tạo Quốc lộ 18 -
Dự án điện 2 tỷ USD chọn tổng thầu EPC trong nước -
Hàn Quốc muốn đầu tư trồng dược liệu tại Cao Bằng
-
Hà Nội chốt vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng -
Showa Denko đầu tư 1 triệu USD trồng rau sạch tại Hà Nam -
Cảng du thuyền lớn nhất thế giới Tuần Châu thành cảng quốc tế -
Hàn Quốc tài trợ 100 triệu USD vốn ODA cải tạo 60 cầu yếu -
10 triệu USD xây nhà máy điện tử Sumida tại Quảng Ngãi -
Hải Phòng sắp khánh thành Khu nhà ở sinh viên hiện đại -
Phó tổng TKV: Alumina Tân Rai sẽ nhanh thu hồi vốn
-
1 Tin vắn Đầu tư Online ngày 22/11 -
2 Thời gian vận hành chính thức tuyến metro số 1 TP.HCM -
3 Lập liên doanh phát triển công nghiệp đường sắt: Rõ dần phương hướng -
4 Công chức không ăn vài trăm năm mới mua được nhà, sao không mở rộng đất cho nhà ở xã hội? -
5 Làm rõ suất đầu tư Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku vốn 35.940 tỷ đồng
- Ký kết hợp tác chiến lược Vietnam Land và CaraWorld: Khai mở những cơ hội mới
- SeABank ưu đãi lãi suất 0% cho khách hàng vay mua căn hộ tại dự án Newtown Diamond
- Giải Golf ngành Nhôm - Kính - Cửa toàn quốc 2024: Hứa hẹn nhiều bất ngờ và trải nghiệm thú vị
- NAB Vietnam nhận giải thưởng “Doanh nghiệp xuất sắc châu Á” tại APEA 2024
- SeABank thông báo mời thầu
- Huawei Việt Nam chính thức khởi động cuộc thi ICT Competition 2024 - 2025