Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Thí điểm không gửi bản giấy 21 loại văn bản điện tử đã ký số
Như Chính - 11/04/2019 13:35
 
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện ký số tất cả các văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia (trừ văn bản mật) giữa các cơ quan.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điện tử (Ảnh VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điện tử (Ảnh VGP)

Việc thí điểm được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả gửi, nhận văn bản điện tử có ký số giữa các bộ, ngành, địa phương, với phạm vi áp dụng là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Văn phòng Chính phủ.

Thí điểm không gửi văn bản giấy đối với 21 loại văn bản điện tử đã ký số, trong đó, văn bản quy phạm pháp luật gồm: 1- Nghị định của Chính phủ; 2- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 3- Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ; văn bản hành chính gồm: 1- Văn bản hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 2- Nghị quyết của Chính phủ; 3- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo của các bộ, ngành, địa phương; 4- Chỉ thị; 5- Quy chế; 6- Quy định; 7- Thông báo; 8- Hướng dẫn; 9- Kế hoạch; 10- Đề án; 11- Dự án; 12- Báo cáo; 13- Tờ trình; 14- Công văn; 15- Công điện; 16- Giấy mời; 17- Phiếu gửi; 18- Phiếu chuyển. Thời gian thực hiện thí điểm từ nay đến hết ngày 10/5/2019.

Báo cáo đánh giá tình hình gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia và việc thực hiện thí điểm gửi nhận văn bản điện tử có ký số thay văn bản giấy về Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/5/2019 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản và điều hành, tích hợp giải pháp dịch vụ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ. Thời gian hoàn thành trước ngày 10/5/2019.

Thí điểm gửi nhận văn bản điện tử có ký số trong nội bộ thay văn bản giấy

Các bộ, ngành, địa phương tổ chức kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản trong nội bộ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thực hiện thí điểm gửi, nhận văn bản điện tử có ký số từ ngày 15/5/2019 đến ngày 15/6/2019. Báo cáo đánh giá tình hình gửi, nhận văn bản điện tử và việc thực hiện thí điểm gửi nhận văn bản điện tử có ký số trong nội bộ thay văn bản giấy về Văn phòng Chính phủ trước ngày 20/6/2019.

Bên cạnh đó, thường xuyên giám sát, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ cho phần mềm quản lý văn bản và điều hành hoạt động ổn định. Cung cấp thông tin của các cán bộ đầu mối chịu trách nhiệm tiếp nhận văn bản điện tử, quản lý, vận hành phần mềm quản lý văn bản điện tử và điều hành để nhận cảnh báo văn bản đến trên Trục liên thông văn bản quốc gia, việc cơ quan chưa nhận văn bản và phản hồi trạng thái về Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/4/2019.

Đồng thời, cung cấp thông tin về tình hình triển khai kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử trong nội bộ các cơ quan hành chính nhà nước gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 10/5/2019. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ, Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Thời gian dự kiến vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5/2019.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn VNPT thường xuyên giám sát, kiểm tra đánh giá an toàn thông tin hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia; hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử bảo đảm an toàn thông tin hệ thống quản lý văn bản và điều hành theo quy định. Bảo đảm đường truyền Mạng Truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước hoạt động thông suốt, ổn định đáp ứng yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử.

Bộ Nội vụ hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện Thông tư số 01/2019/TT-BNV, Thông tư số 02/2019/TT-BNV ngày 24/1/2019 của Bộ Nội vụ. Thời gian hoàn thành trước ngày 30/4/2019.

Ban Cơ yếu Chính phủ chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích hợp giải pháp dịch vụ ký số trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử ký số trên Trục liên thông văn bản quốc gia, bảo đảm giá trị pháp lý của văn bản điện tử; thống kê tình hình tích hợp chữ ký số trên phần mềm quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 15/5/2019 để tổng hợp, báo cáo.

Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel tiếp tục hoàn thiện phần mềm Trục liên thông văn bản quốc gia, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc bảo đảm việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số được thông suốt, an toàn thông tin, tích hợp các tính năng cảnh báo về việc gửi, nhận văn bản điện tử có ký số cho các đơn vị chưa nhận được văn bản điện tử.

Trên cơ sở kết quả thí điểm gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên Trục liên thông văn bản quốc gia, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan về gửi nhận văn bản điện tử báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Khai trương Trục liên thông văn bản quốc gia: Hướng tới nền quản trị quốc gia, quản trị xã hội thông minh
"Đây là cuộc cải cách hành chính lớn, trước hết là thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, động lực cho nền tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư