Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thị trường bia Việt: Sabeco đột phá, Habeco trầm lắng
Hoàng Nam - 16/01/2018 19:19
 
Với sự có mặt của ông chủ nước ngoài, Sabeco sẽ gia tăng mạnh sản lượng bia khiến các nhãn hiệu khác đứng ngồi không yên.

2 tỷ lít và 50% thị phần

Tại Hội nghị khách hàng và Hội nghị tổng kết năm 2017, triển khai kế hoạch năm 2018 của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) diễn ra tuần qua, đại diện cho ông chủ mới đến từ Thái Lan đã không ngại ngần bày tỏ mục tiêu đạt 2 tỷ lít bia trong năm 2018.

Phát biểu trước các đại lý, nhà phân phối của Sabeco, ông Koh Poh Tiong, Chủ tịch Công ty Fraser and Neave F&N - thành viên Tập đoàn ThaiBev của tỷ phú Thái Lan gốc Hoa Charoen Sirivadhanabhakdi, nơi đang sở hữu 53,56% vốn điều lệ tại Sabeco đã cho biết, giấc mơ của ông là sản lượng tiêu thụ bia của Sabeco sẽ đạt từ 1,8 tỷ lít đến 2 tỷ lít trong năm 2018, với thị phần 50% tại Việt Nam.

.
Ông Koh Poh Tiong, cổ đông lớn của Sabeco cho biết, giấc mơ của ông là sản lượng tiêu thụ bia của Sabeco sẽ đạt từ 1,8 tỷ lít đến 2 tỷ lít trong năm 2018, với thị phần 50% tại Việt Nam .

“Là cổ đông lớn, chúng tôi sẽ hỗ trợ để Sabeco trở thành công ty thành công nhất trong khu vực, chúng tôi có thể đưa các sản phẩm của Sabeco vào hệ thống phân phối của chúng tôi tại Việt Nam và một số quốc gia khác, đẩy mạnh tiêu thụ bia Sài Gòn tại Singapore, Thái Lan, Việt Nam, và cùng đoàn kết để đưa Sabeco thành công ty số 1 tại Việt Nam”, ông Koh Poh Tiong nói.

Năm 2017, khi còn được quản lý theo mô hình doanh nghiệp nhà nước (nhà nước nắm 89,56% vốn điều lệ), Sabeco đã đạt sản lượng tiêu thụ 1,727 tỷ lít bia, với doanh thu tăng 11% và dẫn đầu thị trường với 40% thị phần. 

Sự khác biệt - dù chưa lớn, giữa kế hoạch được Ban lãnh đạo Sabeco vốn là các “ông chủ giả” đề cập và thông điệp của ông chủ thật - người vừa bỏ ra hơn 4,8 tỷ USD để sở hữu 53,56% vốn điều lệ của Sabeco cũng hứa hẹn một năm đầy sôi động cho Sabeco.

Với kinh nghiệm sẵn có và đang thành công trong ngành bia tại Thái Lan và khu vực, dư địa của Sabeco trong tay ông chủ Thái Lan là không hề nhỏ.

Bia Sài Gòn hiện có 10 công ty thương mại khu vực, với khoảng 1.200 đại lý cấp 1. Tuy nhiên, đây chỉ là hệ thống của riêng doanh nghiệp này. Trong khi đó, Công ty Fraser and Neave F&N, hay rộng hơn là Tập đoàn ThaiBev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đang nắm cổ phần lớn hoặc cổ phần chi phối tại những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực phân phối hay ngành hàng thực phẩm chế biến tại Việt Nam như Vinamilk, Metro Cash & Carry Việt Nam, hệ thống phân phối Phú Thái hay khách sạn 5 sao Melia Hà Nội.

Chưa kể tới các đồng hương Thái Lan cũng đang nắm giữ Big C - hệ thống bán lẻ rất nhộn nhịp tại Việt Nam.

Năm 2017, Sabeco ước đạt lợi nhuận trước thuế là 5.837 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia am hiểu hoạt động của Sabeco cũng cho hay, trong năm 2018, chưa cần đầu tư thêm gì, mà chỉ cần sắp xếp lại bộ máy tổ chức hiện nay của doanh nghiệp, định danh rõ các vị trí công việc, quản lý minh bạch các hoạt động kinh doanh nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, bán hàng đầu ra, Sabeco đã có thể đạt mức lợi nhuận cao gấp rưỡi so với năm 2017.

Habeco thu hẹp ngay sân nhà

Năm 2017 đánh dấu một bước lùi của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco). Theo công bố tại Lễ tổng kết Habeco diễn ra trong tuần qua, sản lượng của Habeco đạt 675,7 triệu lít, với lợi nhuận trước thuế 952 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2016, Habeco đã đạt sản lượng 724 triệu lít, tăng 3,5% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 977,3 tỷ đồng. Thậm chí, kỳ vọng của Habeco cho năm 2017 cũng được đặt ra với 739 triệu lít. Có lẽ vì vậy mà báo cáo năm 2017 của Habeco đã không có bất cứ so sánh nào với thực hiện năm 2016 hay kế hoạch đã đặt ra cho năm 2017.

Chia sẻ thực tế này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Habeco cũng cho hay, năm 2017 có những diễn biến phức tạp về thời tiết ở miền Bắc khi mát hơn và các tháng 8, 9, 10 vẫn có mưa bão liên tục.

Với thực tế chỉ có thị trường chính ở miền Bắc và một phần ở miền Trung, chuyện các đối thủ như Heineken và Sabeco đang thực hiện kế hoạch dài hơi tấn công vào thị trường miền Bắc đã khiến Habeco không còn tự tin. Thể hiện của thực tế này là, Hà Nội - thủ phủ của Habeco đã có sự giảm sút về lượng tiêu thụ với Bia Hà Nội.

Dự báo cho năm 2018 cũng được đưa ra không lạc quan khi các đối thủ mạnh nhất của Habeco vẫn tiếp tục gia tăng thị phần của mình. “Khâu tiêu thụ của Habeco đặt mục tiêu dành toàn lực để duy trì thị phần tại Hà Nội”, ông Hùng nói.

Mục tiêu của năm 2018 tại Habeco là đạt sản lượng 699,2 triệu lít, tăng 4,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 955 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ. Dẫu vậy, đây chỉ là những mục tiêu kỳ vọng của Habeco. Với những người am hiểu Habeco, việc mất dần thị phần vào tay các đối thủ là bởi “thiếu đường lối chính sách để phát triển trong khoảng vài năm trở lại đây”, khiến doanh nghiệp rơi vào trạng thái ì trệ.

Vốn là doanh nghiệp có thị phần lớn thứ 2, chỉ sau Sabeco, hiện Habeco đã xếp sau Heineken. Chính Tổng giám đốc Sabeco Nguyễn Thành Nam cũng thừa nhận, năm 2018, Sabeco có mục tiêu tăng thị phần tại miền Bắc lên 30% thay cho 21% của năm 2017, với cách làm bao vây, dồn Habeco về góc sân nhà. “Thị phần bia ở Việt Nam là cuộc chiến khốc liệt nhất, chúng tôi giành giật nhau thị phần từng tháng, từng quý, từng vùng”, ông Nam nói.

Tỷ phú Thái ôm 53% cổ phần Sabeco: "Đừng chỉ suy nghĩ về vài tỷ USD"
Sau khi đại gia Thái hoàn tất thương vụ mua “cô gái đẹp” bia Sabeco giá gần 5 tỷ USD, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã chia sẻ rất thẳng thắn về...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư