Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 03 tháng 05 năm 2024,
Thị trường châu Á vẫn dồi dào tiềm năng
Ngọc Lan - 28/03/2013 23:24
 
Tập đoàn Manulife vừa công bố Báo cáo về Chỉ số lạc quan của nhà đầu tư tại thị trường châu Á, nhưng chưa có Việt Nam.  
TIN LIÊN QUAN

Phóng viên Báo Đầu tư đã phỏng vấn bà Nguyễn Vũ Ngọc Trinh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Việt Nam, xung quanh các vấn đề liên quan.

Thưa bà, tại sao Báo cáo về Chỉ số lạc quan của nhà đầu tư tại thị trường châu Á chỉ khảo sát nhà đầu tư cá nhân, mà không có sự hiện diện của các tổ chức đầu tư?

Đối với những tổ chức đầu tư, thời gian đầu tư và danh mục đầu tư đều được họ vạch ra theo chiến lược và kế hoạch tương đối rõ ràng cho một khung thời gian đầu tư định sẵn, nên những thay đổi trong ngắn hạn không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch đầu tư. Trong khi đó, đối với các nhà đầu tư cá nhân, nếu họ cảm thấy bi quan tại thời điểm nào đó, thì thái độ và cách ứng xử của họ lại có nhiều thay đổi. Qua cuộc khảo sát này, Manulife muốn có cái nhìn rõ hơn về thái độ và quan điểm của nhà đầu tư cá nhân tại châu Á.

Khảo sát được thực hiện tại 7 thị trường khu vực châu Á, nhưng lại không có thị trường Việt Nam, nơi Manulife cũng đang có những hoạt động đầu tư tài chính?

Tập đoàn Manulife rất muốn thực hiện khảo sát này tại thị trường Việt Nam, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại thì chưa thể thực hiện được. Cũng có nhiều nguyên do.

Thứ nhất, Manulife phối hợp với một công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới cùng thực hiện khảo sát này, tuy nhiên cơ sở dữ liệu của họ về thị trường Việt Nam hiện chưa đầy đủ.

Thứ hai, việc xác định các loại tài sản mà người Việt Nam sở hữu cũng có những khác biệt so với nhiều nước khác. Chẳng hạn, nếu khảo sát ở Việt Nam, thì vàng sẽ được đánh giá là một trong những nhóm tài sản quan trọng… Hơn nữa, có những khái niệm về đầu tư mà công ty nghiên cứu thị trường đưa ra chưa phổ biến với thị trường Việt Nam.

Vì vậy, chúng tôi mới chỉ thực hiện khảo sát tại 7 thị trường tài chính trong đợt khảo sát đầu tiên tại châu Á lần này. Manulife sẽ tiếp tục tiến hành khảo sát này theo định kỳ và sẽ nghiên cứu để mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực.

Những con số được đưa ra trong khảo sát có thực sự đáng tin cậy để nhà đầu tư nhìn vào và cân nhắc xu hướng đầu tư, thưa bà?

Nghiên cứu này được chúng tôi khảo sát trên 500 nhà đầu tư tại mỗi thị trường (Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Malaysia và Indonesia). Những người được khảo sát có độ tuổi từ 25 trở lên, họ thuộc tầng lớp trung lưu và là những người đưa ra quyết định cuối cùng đối với các vấn đề tài chính trong gia đình và đang tham gia hoạt động đầu tư. Mặc dù đây là lần đầu tiên Manulife thực hiện khảo sát này tại châu Á, nhưng chúng tôi đã có hơn 13 năm kinh nghiệm thực hiện khảo sát tương tự tại thị trường Canada và 3 năm tại thị trường Mỹ. Tất nhiên, kết quả cuộc khảo sát này không thể đại diện cho toàn bộ thị trường, nhưng cũng cho thấy những suy nghĩ và quan điểm của một bộ phận nhà đầu tư cá nhân tại châu Á.

Khảo sát này có hai nội dung chính.

Thứ nhất, khảo sát muốn làm rõ mức độ lạc quan của các nhà đầu tư cá nhân. Kết quả cho thấy, các nhà đầu tư tại các thị trường đang phát triển như Indonesia và Malaysia tỏ ra khá lạc quan so với các thị trường phát triển như Singapore và Hồng Kông. Điều này cũng phản ánh đúng thực trạng phát triển kinh tế của Indonesia và Malaysia năm vừa qua với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khá cao (khoảng 6%). Tại các nước đang phát triển, tình hình kinh tế vẫn tương đối ổn định, nên nhà đầu tư vẫn tỏ ra lạc quan. Kết quả cũng cho thấy, phần lớn nhà đầu tư ở các thị trường châu Á mà Manulife khảo sát đều cho rằng, trong vòng 2 năm nữa, mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn.

Thứ hai, khảo sát cho thấy, việc phân bổ tài sản của các nhà đầu tư châu Á. Có một điểm chung ở tất cả các nước ở châu Á là tỷ lệ nắm giữ tiền mặt vẫn còn rất cao, khoảng 34%. Tỷ lệ nắm giữ tiền mặt cao tại châu Á không có nghĩa đây là phương thức đầu tư hiệu quả nhất đối với họ. Có thể vì cơ hội đầu tư chưa đến, hoặc chưa biết nên đầu tư vào kênh nào, do đó, họ chọn cách nắm giữ tiền mặt như một giải pháp an toàn. Điều này khá tương đồng với tình hình của các nhà đầu tư cá nhân Việt Nam. Tuy nhiên, thói quen này sẽ dần thay đổi khi mọi người hiểu rõ hơn về đầu tư tài chính.

Nhiều ý kiến cho rằng (33% ý kiến được khảo sát), giữ tiền mặt vẫn an toàn nhất trong thời điểm hiện tại. Bà quan điểm thế nào về vấn đề trên?

Nhiều nhà đầu tư cá nhân vẫn cho rằng, thị trường hiện nay chưa ổn định, độ rủi ro vẫn cao. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nếu so sánh lượng tiền mặt mà các nhà đầu tư châu Á và châu Âu đang sở hữu, thì các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính sẽ cảm thấy lạc quan hơn, vì nguồn tiền mặt này có thể sẽ được đầu tư vào nhiều sản phẩm tài chính trong tương lai, khi tình hình kinh tế ấm lên.

Rất khó trả lời câu hỏi trong tương lai gần nhà đầu tư cá nhân sẽ đầu tư vào sản phẩm tài chính nào, bởi việc phân bổ tài sản vào đâu còn phụ thuộc vào năng lực tài chính của mỗi cá nhân nhà đầu tư. Tuy nhiên, có thể nói rằng, tình hình phát triển của nền kinh tế nói chung ảnh hưởng rất lớn đến thái độ lạc quan của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, sự xa lạ của các sản phẩm tài chính mới là một trong những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư ở châu Á vẫn thiên về tích lũy tiền mặt hơn là đầu tư vào các công cụ/sản phẩm đầu tư tài chính (chẳng hạn như quỹ tương hỗ). Chúng tôi tin rằng, điều này sẽ thay đổi theo thời gian.

Các nhà cung cấp các dịch vụ tài chính như Manulife nhìn thấy gì từ những chỉ số này?

Đối với các nhà đầu tư châu Á, đặc biệt là tại những quốc gia đang phát triển, họ nhận thấy vẫn chưa tích lũy đủ nguồn lực tài chính cho khoảng thời gian hưu trí sau này. Trong khi đó, phần lớn các nước châu Á vẫn chưa có một hệ thống hưu trí đáp ứng nhu cầu của người dân, nên người châu Á vẫn có thói quen tích lũy nhiều tài sản để đảm bảo cho cuộc sống sau khi về hưu. Điều này cũng khá tương đồng với thị trường Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ tài chính, đặc biệt là những sản phẩm tài chính liên quan đến hưu trí phát triển. Riêng đối với Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Manulife Việt Nam và Công ty TNHH Quản lý Quỹ Manulife Việt Nam, phát triển các sản phẩm bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện là một trọng tâm chiến lược tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Tập đoàn Tài chính Manulife toàn cầu có kinh nghiệm dày dạn trong việc cung cấp các sản phẩm hưu trí trên toàn cầu (Canada, Bắc Mỹ) và châu Á (Hồng Kông, Indonesia và các quốc gia khác).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư