Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Thị trường chứng khoán: Những nhịp rung lắc và cơ hội tích lũy thêm cổ phiếu
 
Thị trường chứng khoán đang có những diễn biến khá bất ngờ khi chỉ chỉ số VN-Index biến động không chỉ tăng một chiều mà đã có sự rung lắc khá mạnh, thậm chí ngay trong cùng một phiên.

Bình thường hay bất thường?

Việc thị trường tăng/giảm tính bằng chục điểm đã không còn xa lạ với nhà đầu tư trong thời gian gần đây. Nguyên nhân là chỉ số đang bị chi phối bởi nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn nên thị trường điều chỉnh với biên độ rộng. 

Nhìn nhận về hiện tượng “giật cục” của chỉ số, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KingEng cho rằng, những phiên điều chỉnh đan xen giúp thị trường kìm hãm độ nóng, đồng thời đưa ra cảnh báo nhà đầu tư cần phải bình tĩnh hơn.

“Những phiên điều chỉnh vừa qua là phản ứng của thị trường với xu hướng tăng quá nhanh, đồng nghĩa với việc cần thêm thời gian để chinh phục những vùng đỉnh mới. Trong mỗi giai đoạn, thị trường sẽ có cách phản ứng khác nhau, không nhất thiết phải tích lũy hoặc đi ngang. Chỉ cần dòng tiền dương thì xu hướng vẫn là tích cực và mục tiêu của thị trường hiện tại là tiếp tục chinh phục các đỉnh mới”, ông Khánh cho biết.

Ở góc nhìn lạc quan, nhiều nhà đầu tư cho rằng, những nhịp điều chỉnh trong thời gian vừa qua là thời điểm tốt để thị trường cân bằng, trong khi bản thân nhà đầu tư cũng có dịp để cơ cấu danh mục. Điều này có chăng chỉ ảnh hưởng tới các nhà đầu tư ưa lướt sóng, ít tác động tới nhà đầu tư trung và dài hạn, thậm chí còn tạo cơ hội tốt để đối tượng này có thể gia tăng tỷ trọng danh mục.

Theo ông Dương Văn Chung, Giám đốc khu vực Phía Bắc, Công ty Chứng khoán MB (MBS), đa phần các nhà đầu tư có kinh nghiệm với thị trường chứng khoán Việt Nam dưới 10 năm đều cho rằng, trong một nhịp đi lên mà các mã cổ phiếu trên thị trường đã tăng hơn 30% thì đều cần có một nhịp điều chỉnh kéo dài hàng tuần. Do đó, khi thị trường có dấu hiệu chững lại tại vùng chỉ số VN-Index 1.060 thì lực bán chốt lời đã xuất hiện. Điều này lý giải cho sự “giật cục” trong những phiên vừa qua.

Ngoài ra, thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chuẩn bị tăng tỷ lệ margin từ 50% lên 60% (tỷ lệ cho vay tối đa chỉ còn 40%) cũng được đánh giá đã ít nhiều tạo nên tâm lý tiêu cực ngắn hạn cho các nhà đầu tư ở những phiên vừa qua. Tuy nhiên, theo ông Chung, dư nợ margin tuy ở mức cao, nhưng chỉ chiếm trên 1% so với tổng vốn hóa thị trường. Do vậy, nếu xét về tổng thể, margin khó có thể tác động mạnh đến diễn biến thị trường chứng khoán.

Hiện tại, mấu chốt nằm ở dòng tiền. Một khi dòng tiền mới trong dân và nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài còn chảy mạnh vào thị trường chứng khoán như thời gian vừa qua, thì việc điều chỉnh giảm kéo dài dường như là rất khó.

Chọn chiến lược nào?

Nhìn nhận thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn "siêu uptrend", tức gần giống thị trường Việt Nam những năm 2006 - 2007 hoặc thị trường Pakistan 2 năm trước khi chính thức được nâng hạng thành thị trường mới nổi (Emerging Market), nhưng theo ông Chung, việc giao dịch ngắn hạn là không hiệu quả.

“Nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn thường có hành động “trading” liên tục, mà nhiều lần thì đều có xác suất sai, thậm chí nhiều nhà đầu tư chứng khoán “mất hàng” khi không mua lại kịp”, ông Chung cho biết.

Đối với chiến lược giao dịch ở giai đoạn hiện nay, ông Chung cho rằng, nhà đầu tư nên tận dụng tối đa mọi nhịp rung lắc và điều chỉnh của thị trường để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và hạn chế bán ra chốt lãi khi cổ phiếu vẫn đang còn theo xu hướng tăng. Nhóm cổ phiếu cần tập trung tỷ trọng cao trong quý I/2018 vẫn là nhóm dầu khí, ngân hàng và một vài cổ phiếu hàng đầu thuộc nhóm bất động sản, chứng khoán.

Đồng quan điểm, ông Phan Dũng Khánh cho rằng, việc lướt sóng, đặc biệt là với các nhóm cổ phiếu đang hút tiền như dầu khí, ngân hàng và nhóm cổ phiếu trong rổ chỉ số VN30... khiến nhà đầu tư dễ mất hàng, thậm chí phải mua lại giá cao hơn. Hành động lướt sóng hiện chỉ phù hợp với những nhà đầu tư có nhiều kinh nghiệm, chịu được áp lực, còn không nhà đầu tư nên nắm giữ trung hạn.

“Nhóm cổ phiếu như dầu khí, ngân hàng, chứng khoán… vẫn là điểm nóng thu hút dòng tiền”, ông Khánh dự báo

Trong khi đó, ông Võ Văn Cường, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS) cho rằng, thị trường dù đang ở trạng thái dễ bị “tổn thương”, nhưng lại khá cân bằng giữa các yếu tố với nhau. Trong thời gian tới, thị trường có thể biến động trong 2 tình huống. Thứ nhất, nếu thị trường điều chỉnh giảm mạnh trong ngắn hạn thì cũng có khả năng phục hồi nhanh không kém và sẽ sớm chinh phục đỉnh cao mới. Thứ hai, nếu thị trường ở trạng thái cân bằng hiện tại thì thời gian để chinh phục mức cao mới có thể kéo dài lâu hơn và bản thân nhiều nhà đầu tư đang thiên về tình huống thứ hai.

Chính vì vậy, các nhà đầu tư ngắn hạn có tìm kiếm lợi nhuận trong việc giao dịch các cổ phiếu vốn hóa lớn, kết hợp với những hợp đồng tương lai về chỉ số để tránh rủi ro cao khi thị trường có những đợt điều chỉnh quá mạnh.

Trả lời câu hỏi về tỷ lệ đầu tư phù hợp, ông Cường cho rằng, trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên phân bổ 25% vốn cho cổ phiếu vốn hóa lớn một khi thị trường có những điều chỉnh giảm mạnh và 65% vốn tích lũy cho cổ phiếu vốn hóa vừa và 10% tiền mặt.

Cũng có ý kiến cho rằng, với mức định giá P/E hiện nay là 21, thị trường Việt Nam hiện không còn rẻ để các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Chưa kể, thị trường chứng khoán đang ở trạng thái sẵn sàng điều chỉnh mạnh khi có những yếu tố rủi ro tác động. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn có thể giữ tâm lý lạc quan, khi dòng tiền hiện tại rất tích cực, giúp thị trường có khả năng chống đỡ khá tốt trước những biến động giảm mạnh.

Bên cạnh đó, khi thị trường đang ở gần những vùng kháng cự tâm lý mạnh và biến động thất thường như hiện nay, nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, việc mua mới cần rất thận trọng và nên hạn chế mua đuổi ở mức giá cao trong các phiên tăng điểm hưng phấn. Thậm chí với những khoản đầu tư đạt được mức kỳ vọng có thể tranh thủ những nhịp tăng điểm để chốt lời. Song ranh giới chốt lãi và mất hàng là rất “mong manh”.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ Trưởng Vụ phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, thị trường có những phiên điều chỉnh sau chuỗi ngày tăng nóng là điều dễ hiểu. Một số thành viên thị trường cho rằng, việc thắt chặt tỷ lệ ký quỹ đã tác động đến diễn biến của chỉ số, nhưng thực tế, phản ứng này chỉ mang tính chất ngắn hạn. Điều quan trọng là giữ thị trường hoạt động an toàn, bền vững trong tương lai.

Nếu xét về dài hạn, thị trường sẽ có biến động khá tích cực, cả về nhu cầu lẫn nguồn vốn tham gia vào thị trường. Một điều đáng mừng trong năm vừa qua là dòng vốn đổ vào thị trường sơ cấp (IPO), bên cạnh thị trường thứ cấp cho thấy dòng tiền đầu tư mang tính dài hạn nhiều hơn. Trong khi đó, ở bình diện chung so với các thị trường thế giới, các chuyên gia quốc tế cũng nhận định Việt Nam có xu hướng tăng trưởng khá ổn định.

Đối với cơ quan quản lý, việc dĩ nhiên là sẽ luôn theo sát sự vận động của thị trường và càng theo dõi sát sao hơn ở những thời điểm thị trường tăng trưởng nóng để có những “ứng xử” phù hợp, giúp thị trường vận động và phát triển minh bạch hơn.

Thị trường chứng khoán: Định giá cao, vì sao vẫn tăng mạnh?
Phiên 17/1, chỉ số VN-Index cũng như VN30 lao dốc, trong bối cảnh hệ số P/E ở mức cao so với nhiều thị trường khác trong khu vực và tỷ lệ ký quỹ ban...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư