Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang đắt hay rẻ?
 
P/E bình quân của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang là 17,4 lần, ở mức trung bình so với mặt bằng chung các nước trong khu vực Đông Nam Á. Phân tích của nhiều chuyên gia cho thấy, chứng khoán Việt đang hấp dẫn.

Chứng khoán Việt Nam xứng đáng được định giá cao hơn

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBVS) cho rằng, để đánh giá mặt bằng giá cổ phiếu đắt hay rẻ không phải chỉ dựa trên việc so sánh con số tuyệt đối của tỷ lệ P/E giữa các nước, mà cần đặt trong bối cảnh tính chu kỳ của nền kinh tế và tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp.

Khi nền kinh tế Việt Nam nằm trong chu kỳ suy giảm, giai đoạn 2008 - 2010, P/E của TTCK giảm xuống mức 13 lần, thấp nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, rất khó để có thể nói mặt bằng giá cổ phiếu của Việt Nam rẻ hơn so với các nước khác, vì về bản chất, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.

Thực tế sau đó, giai đoạn 2011 - 2012, P/E của TTCK Việt Nam thậm chí đã rơi về mức 11 - 12 lần, trước khi thực sự tạo đáy và tăng trở lại cùng với đà hồi phục của nền kinh tế.

Ở thời điểm hiện tại, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu cho tín hiệu bước sang nửa sau của chu kỳ hồi phục, nhưng vẫn còn một khoảng thời gian khá dài (kỳ vọng ít nhất là 2 - 3 năm nữa) duy trì nhịp tăng trưởng này.

Bên cạnh đó, TTCK đang có tiềm năng để được đưa vào danh sách xét duyệt nâng hạng của MSCI và đà tăng trưởng của các doanh nghiệp cũng cho thấy những tín hiệu khả quan.

P/E bình quân đang ở mức 17,4 lần, nếu loại bỏ tác động của một số mã vốn hóa lớn và mới chào sàn trong năm 2018, thì định giá chung của thị trường thấp hơn giai đoạn trước.

Vì vậy, theo KBVS, mặt bằng giá cổ phiếu của Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn. Trong chu kỳ này, kỳ vọng P/E của thị trường có thể tiệm cận tốp trên trong khu vực, ở mức 21 - 22 lần.

Đợt điều chỉnh mạnh vừa qua đã đưa P/E của VN-Index từ mức 22 lần (tháng 4/2018) về 17,4 lần và P/E HNX-Index về mức 12 lần, đây là mặt bằng chung của các thị trường trong khu vực.

Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhìn nhận, hệ số P/E là một tiêu chí mang tính chất tương đối, có nghĩa là nó so sánh mức độ đắt hay rẻ của VN-Index so với chỉ số chứng khoán của các thị trường khác, hoặc so với chính nó ở các thời điểm khác nhau.

Nếu chỉ đứng một mình, nó sẽ không giúp đưa ra một kết luận chính xác là TTCK đang hấp dẫn hay không, vì sự hấp dẫn này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, trong đó có kỳ vọng về sự tăng trưởng.

“Theo thống kê của VCSC, tốc độ tăng trưởng thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) của các công ty niêm yết trên HOSE trong quý II/2018 đạt khoảng 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Với mức tăng trưởng như vậy, cùng với triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong thời gian tới vẫn được dự báo khả quan, hệ số P/E vào khoảng 17,4 lần của VN-Index là hợp lý ở thời điểm hiện tại”, ông Đức nói.

Trong khi đó, theo phân tích của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nếu so sánh giữa định giá và tốc độ tăng trưởng (PEG) thì mức định giá TTCK khá rẻ.

PEG hiện tại của TTCK Việt Nam là 0,87 lần và đang trở nên hấp dẫn nhất khu vực.

Nước duy nhất trong nhóm so sánh có PEG thấp hơn Việt Nam là Indonesia (0,85 lần), tuy nhiên điều này có thể lý giải do thị trường Indonesia chịu nhiều rủi ro hơn với những biến động trên thị trường tài chính quốc tế so với TTCK Việt Nam, điển hình là động thái nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh tại TTCK Việt Nam, trong khi bán mạnh tại TTCK Indonesia.

Vì lẽ đó, TTCK Việt Nam xứng đáng được định giá ở mức cao hơn so với hiện tại.

Cũng theo VNDIRECT, mức PEG của nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình đang rất hấp dẫn, 0,33 lần, chỉ bằng khoảng 40% so với PEG của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (0,82 lần). Do vậy, nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình có nhiều cơ hội tăng giá hơn.

Gần đây, VN-Index dao động quanh ngưỡng 950 điểm, giảm khoảng 20% so với mức đỉnh tháng 4/2018 là 1.200 điểm. Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM, P/E trailing (P/E 4 quý gần nhất) đã giảm từ 22,5 lần về 17,4 lần, P/E 2018 ước tính khoảng 15 lần.

Như vậy, P/E của VN-Index đang ở vùng trung bình 5 năm và vùng giá thấp nhất 2 năm. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, tỷ trọng cổ phiếu VIC và VHM chiếm tới 22% giá trị vốn hóa VN-Index, khiến P/E phần nào bị “bóp méo”.

Về phía nhà đầu tư, nhiều người chia sẻ, P/E chỉ là một chỉ số mang tính so sánh, điều họ đang kỳ vọng là thị trường tiếp tục mở rộng quy mô cả về chất lượng cũng như số lượng các mã cổ phiếu niêm yết.

Nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận trả một mức P/E cao hơn khi quy mô thị trường mở rộng, tạo ra sức hút lớn hơn với dòng tiền mới. 

VN-Index có thể sớm quay lại mốc 1.000 điểm

Dựa trên những yếu tố hỗ trợ mang tính nền tảng, bao gồm chu kỳ hồi phục của nền kinh tế, đà tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và kỳ vọng về việc TTCK sẽ được nâng hạng, ông Nguyễn Xuân Bình cho rằng, thị trường sẽ duy trì xu hướng hồi phục và đi lên trong trung - dài hạn.

Từ nay đến cuối năm, một số rủi ro mang tính khách quan từ môi trường bên ngoài như diễn biến leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của một số ngân hàng trung ương lớn và tín hiệu tăng trở lại của lạm phát, kèm theo áp lực tỷ giá sẽ tác động đến tâm lý thị trường và gây ra các nhịp điều chỉnh, biến động trong ngắn hạn.

Tuy vậy, KBVS nhận định, từ nay đến cuối năm, nếu không có cú sốc nào quá lớn, VN-Index sẽ có cơ hội đạt 1.060 - 1.100 điểm trước khi điều chỉnh và cho tín hiệu xác nhận xu hướng rõ nét hơn sau đó.

Ông Nguyễn Hữu Bình, chuyên gia chứng khoán nhận xét, thị trường đang bị bao phủ bởi 2 yếu tố là chiến tranh thương mại và tỷ giá. Xét về yếu tố vĩ mô thì dường như nhà đầu tư có cảm giác đã chấp nhận thực tế là tăng trưởng GDP năm nay ngang bằng với mục tiêu của Chính phủ, thay vì kỳ vọng đạt trên 7% trước đó.

Vì thế, hiện nay, mọi người tập trung vào 2 yếu tố trên. Nếu hai yếu tố này giảm căng thẳng thì có thể TTCK sẽ tăng trưởng mạnh. Kịch bản tích cực nhất là dòng vốn ngoại quay lại thị trường và VN-Index có cơ hội tăng trở lại đỉnh cũ 1.200 điểm. Ở kịch bản xấu, VN-Index sẽ dao động trong vùng 850 - 1.000 điểm.

Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM, nền giá hiện tại của TTCK khá thấp so với tiềm năng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Nhiều nhóm ngành đã về vùng định giá phù hợp với đầu tư dài hạn như ngân hàng.

Ngoài ra, kỳ vọng vào danh sách chờ nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi vào tháng 6/2019 và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong bối cảnh tăng trưởng vĩ mô ổn định là những yếu tố hậu thuẫn giúp cho nhà đầu tư có thêm niềm tin vào sự tăng trưởng của TTCK từ nay đến cuối năm.

Ông Vũ Minh Đức đánh giá, bất chấp rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và sự dịch chuyển của dòng vốn ngoại ra khỏi các thị trường mới nổi cũng như thị trường cận biên, các chỉ số vĩ mô vẫn cho thấy triển vọng tăng trưởng tích cực của nền kinh tế trong nước.

Chẳng hạn, chỉ số sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2018 tăng 10,9% và tổng mức bản lẻ (loại trừ yếu tố giá tăng) tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, dù tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay có dấu hiệu chững lại.

Đó là một diễn biến lành mạnh của nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát bình quân 7 tháng đầu năm ở mức khá cao là 3,45% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng đang được kiểm soát tốt (chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 giảm so với tháng 6) và nhiều khả năng đạt mục tiêu kiểm soát dưới 4% trong năm 2018 mà Chính phủ đề ra.

“Dự báo, tăng trưởng GDP trong năm nay sẽ đạt mức 7%, hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng lợi nhuận của các công ty niêm yết. Kết hợp với việc đánh giá các tín hiệu phục hồi gần đây của TTCK, tôi đưa ra hai mục tiêu tăng trưởng cho VN-Index vào cuối năm 2018 là 1.020 điểm ở kịch bản trung bình và 1.100 điểm ở kịch bản tích cực”, ông Vũ Minh Đức nói.

Thị trường chứng khoán: Dò sóng ngành những tháng cuối năm
Hiện vẫn còn không ít yếu tố ảnh hưởng tới dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán (TTCK) nên các nhà đầu tư lựa chọn cổ phiếu kỹ càng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư