Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 12 năm 2024,
Thị trường mua bán - sáp nhập (M&A): Lò xo nén chặt chờ bùng nổ
Tú Ân - 27/11/2024 08:35
 
Thị trường M&A Việt Nam đang như chiếc lò xo nén chặt, chờ thời cơ thuận lợi để bung ra.
Những động thái tích cực của nền kinh tế cùng nỗ lực cải cách, hoàn thiện thể chế đang là động lực giúp thị trường M&A tại Việt Nam nhộn nhịp hơn trong thời gian tới. Ảnh: Shutterstock. Đồ họa: T.H

Những chỉ dấu tích cực của thị trường

Báo cáo “M&A Việt Nam 2024: Cơ hội thăng hoa từ nền tảng vững chắc” do KPMG công bố cho thấy, đến tháng 9/2024, quy mô thị trường M&A Việt Nam đạt 3,211 tỷ USD, với 221 thương vụ. Dù kết thúc năm 2024, quy mô thị trường khó lập đỉnh 10,8 tỷ USD của năm 2021, nhưng nếu so với năm 2023, thị trường M&A đã có sự tăng trưởng trở lại (9 tháng năm 2023 đạt 2,201 tỷ USD).

Theo đó, 9 tháng năm 2024, Việt Nam ghi nhận sự cải thiện đáng kể về giá trị giao dịch M&A, với mức tăng 45,9%, dù khối lượng giao dịch giảm 11,6% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh thị trường M&A toàn cầu và Đông Nam Á ảm đạm thì đây là chỉ dấu tích cực của sự hồi phục.

Chỉ dấu sáng sủa nữa là sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt Nam. Trong 5 quốc gia có giá trị giao dịch lớn nhất, Việt Nam chiếm tới 1,707 tỷ USD, vượt xa Singapore (611 triệu USD), Mỹ (256 triệu USD), Hàn Quốc (93 triệu USD) và Trung Quốc (75 triệu USD).

“Trong 9 tháng năm 2024, các nhà đầu tư trong nước đóng vai trò chính trong thị trường M&A Việt Nam, khi chiếm 53% tổng giá trị giao dịch được công bố, gần gấp đôi tổng giá trị đóng góp của 4 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất cộng lại. Đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa. Xu hướng này còn cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đang có sự tiếp cận thị trường M&A ở Việt Nam thận trọng hơn”, báo cáo của KPMG nhận định.

Trong suốt một thập niên qua, khối ngoại luôn là bên chủ động dẫn dắt thị trường M&A ở Việt Nam. Nhưng năm 2024, tình hình đã đảo chiều, khi khối nội chủ động thực hiện các thương vụ M&A, như nhóm 4 công ty Việt Nam chi 982 triệu USD mua lại 55% cổ phần Công ty Phát triển Đầu tư và Thương mại SDI (công ty con của Vingroup, sở hữu gián tiếp 41,5% cổ phần tại Vincom Retail); Becamex IDC chuyển nhượng dự án trị giá 553 triệu USD tại Bình Dương cho Sycamore Limited; Masan Group mua lại cổ phần trị giá 200 triệu USD tại VinCommerce từ SK South-East Asia Investment; VinFast mua lại VinES Energy Solutions từ ông Phạm Nhật Vượng với giá trị 440 triệu USD…

Theo ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam, việc thị trường M&A suy giảm hiện nay chủ yếu do xu hướng toàn cầu. Khi tiền đắt, lãi vay cao, thì nhà đầu tư không muốn mang tiền đi đầu tư ở nước ngoài. Thị trường không chắc chắn, nhà đầu tư muốn gửi tiền vào ngân hàng, đặc biệt khi lãi suất ở Mỹ đang trên 5%, tại Australia khoảng 8%, EU là 4%. Trong khi đó, đầu tư vào Việt Nam cũng gặp khó do quá trình xin cấp phép còn dài và phức tạp, thủ tục, quy định đôi khi chưa rõ ràng.

“Năm 2024, thị trường M&A tiếp tục tích lũy năng lượng, chờ một cú bùng nổ trong năm 2025”, ông Ái dự báo.

Đón những ngành M&A mới

Tại Việt Nam, đang diễn ra xu hướng tập trung chiến lược vào việc củng cố hoạt động kinh doanh cốt lõi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và thích ứng với những biến động thị trường. Theo đó, nhóm ngành bất động sản tiếp tục dẫn dắt thị trường (với 53%); tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp (21%) và tiêu dùng thiết yếu (14%). Ba nhóm ngành này chiếm tổng cộng 88% giá trị giao dịch và nằm trong Top 5 thương vụ M&A.

Ở lĩnh vực bất động sản, bên cạnh 2 thương vụ lớn của Vingroup và Becamex IDC, đã xuất hiện nhiều thương vụ đáng chú ý như Jencity Limited (Keppel, Singapore) thoái 70% vốn tại Công ty TNHH Saigon Sports City, với giá trị thương vụ 6.558 - 7.450 tỷ đồng; Gamuda mua lại 100% vốn của Tâm Lực trị giá khoảng 316 triệu USD; Tập đoàn Daewoo E&C đầu tư Khu đô thị mới Kiến Giang quy mô hơn 96 ha tại tỉnh Thái Bình, với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 10.000 tỷ đồng; Tập đoàn Kim Oanh hợp tác với nhóm nhà đầu tư Nhật Bản phát triển The One World trị giá 1 tỷ USD tại Bình Dương...

Đánh giá lĩnh vực này, bà Vương Thị Huyền, Chủ tịch Công ty cổ phần Giải pháp Fast Capital nhận định, do khó khăn về thanh khoản của các công ty bất động sản hiện nay và nhu cầu về tài sản chất lượng cao, tài sản dòng tiền vẫn tiếp tục gia tăng, M&A trong mảng bất động sản nhà ở được kỳ vọng tiếp tục duy trì ở mức cao trong vòng 12 tháng tới.

“Riêng với bất động sản công nghiệp và logistics, các nhà đầu tư nước ngoài đã và sẽ tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp trong nước thông qua hoạt động M&A nhằm tăng cường năng lực sản xuất và tối ưu hóa chuỗi cung ứng”, bà Huyền nhận xét.

Còn ông David Jackson, Tổng giám đốc Avison Young Việt Nam dự báo, các phân khúc chủ đạo trong M&A sẽ tiếp tục là công nghiệp và hậu cần, nhà ở thương mại, văn phòng và dự án phức hợp.

“Các luật mới được kỳ vọng giúp rút ngắn thủ tục pháp lý, bảo vệ quyền lợi của các bên, từ đó hứa hẹn môi trường đầu tư ổn định và minh bạch hơn. Do đó, giới đầu tư quốc tế vẫn duy trì triển vọng lạc quan về kinh tế và thị trường bất động sản Việt Nam ít nhất trong 5 - 10 năm tới và sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược mở rộng và đa dạng hóa danh mục đầu tư tại đây”, ông David Jackson chia sẻ.

Với lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thị trường đã ghi nhận nhiều thương vụ đáng chú ý bên cạnh thương vụ VinFast Auto mua lại VinES Energy Solutions. Đó là thương vụ Mitsui tuyên bố đầu tư khoảng 560 triệu USD cho chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn tại Việt Nam. Trong lĩnh vực năng lượng sạch, công ty con của Sembcorp (Singapore) đã mua lại phần lớn vốn góp tại 3 công ty con thuộc hệ thống của Tập đoàn Gelex, đồng thời dự kiến tiếp tục mua 73% cổ phần của công ty con thứ 4 trong hệ thống của Gelex trong nửa cuối năm 2024….

Trong khi đó, Levanta Renewables (Singapore) mua lại dự án điện mặt trời áp mái công suất 28,7 MWp từ Tiến Nga; Scatec ASA (Nauy) bán Trang trại điện gió Đầm Nại cho Sustainable Asia Renewable Assets (SARA) với giá khoảng 40 triệu USD...

Còn ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, cùng với thương vụ Masan Group là các thương vụ lớn khác, như KIDO hoàn tất thỏa thuận nâng tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn Hùng Vương lên 75,39%. KIDO cũng chuyển nhượng thành công 51% vốn cổ phần tại công ty thành viên Kido Foods cho Nutifood; Greenbee mua 5% cổ phần của Bách Hóa xanh trị giá hơn 1.700 tỷ đồng…

Ông Đào Tiến Phong, luật sư điều hành của Investpush Legal cho biết, bên cạnh các nhà đầu tư Nhật Bản, nhiều nhà đầu tư thuộc Singapore, Mỹ và Trung Quốc đang rất quan tâm việc góp vốn hoặc M&A với các doanh nghiệp Việt tiềm năng. Để không mất thời gian trong xây dựng nhà máy sản xuất và đáp ứng các điều kiện về môi trường và phòng cháy chữa cháy, nhiều nhà đầu tư ưa thích hoạt động M&A hơn đầu tư trực tiếp.

“Nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua lại toàn bộ hoặc một phần các doanh nghiệp đang sở hữu chuỗi nhà hàng ăn uống hoặc nhà máy sản xuất có sẵn các đơn hàng đi Mỹ, châu Âu. Theo đó, nhóm ngành lớn nhất là công nghệ, y tế. Trong khi đó, lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng chỉ chiếm 8-9%, nhưng là lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia”, ông Phong cho biết.

Triển vọng thị trường M&A năm 2025

Khẩu vị của các nhà đầu tư với thị trường M&A Việt Nam đang khá đa dạng. Bên cạnh các “món ăn chính” như bất động sản, tiêu dùng, công nghiệp…, đã xuất hiện những món ăn mới lạ, hấp dẫn.

Theo ông Nguyễn Công Ái, hai xu hướng quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam là xanh hóa và số hóa. Cả hai đều quan trọng trong thu hút FDI. Về xanh, các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nguồn gốc năng lượng và sử dụng năng lượng xanh. Gần đây, Chính phủ ban hành cơ chế về thỏa thuận mua bán điện trực tiếp (DPPA). Đây là cơ chế hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng quan tâm đến tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Việt Nam đang tăng cường chú ý các yếu tố này.

Về số hóa nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang thành lập các trung tâm xử lý dữ liệu tại Việt Nam để tận dụng lao động lành nghề, giá hợp lý. Các ngành liên quan trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây cũng rất được quan tâm. “Trong các ngành kinh tế, triển vọng đầu tư vào các ngành năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục khá sáng”, ông Ái nhận xét.

Theo phân tích của ông Đinh Thế Anh, thành viên điều hành, Trưởng bộ phận Tư vấn Tài chính doanh nghiệp (KPMG Việt Nam), giá trị giao dịch tập trung ở các lĩnh vực dịch vụ tài chính, y tế, giáo dục, năng lượng do ở Việt Nam, nhu cầu tài chính ngân hàng, tài chính tiêu dùng còn mới và cơ hội tăng trưởng còn rất nhiều, nên nhà đầu tư vẫn dành nhiều vốn đổ vào mảng này.

Với mảng y tế và giáo dục, giá trị các giao dịch cao do xu thế khẩu vị của nhà đầu tư chuyển sang các ngành truyền thống hơn, yêu cầu có dòng tiền, lợi nhuận và có mô hình kinh doanh rõ ràng. Đặc biệt, tại Việt Nam, khu vực tư nhân đang có rất nhiều lợi thế để chiếm lĩnh thị phần khu vực công, nên có có hội hút vốn từ các nhà đầu tư.

Còn theo bà Phi Hoa, Tổng giám đốc Công ty OneValue, nhà đầu tư Nhật Bản đang rất quan tâm các lĩnh vực như giáo dục và y tế, do nhu cầu tiêu dùng lớn và liên tục tăng, chi tiêu cho y tế và giáo dục tại Việt Nam cũng cao hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực. Ngoài ra, năng lượng cũng là một mảng được các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt quan tâm…

Ông Hoàng Xuân Trung, Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp - Khối nguồn vốn (Ngân hàng Citi tại Việt Nam), Việt Nam có dân số lớn, trẻ, thu nhập tăng, nên nhu cầu sở hữu tài sản, mua sắm, đầu tư rất nhiều. Trong khi đó, nhu cầu về tiêu dùng, y tế, giáo dục, làm đẹp chắc chắn tăng và ngày càng tăng mạnh mẽ, nên những thương vụ về y tế, giáo dục rất tiềm năng.

“Nguồn vốn đầu tư không chỉ đến từ Mỹ, châu Âu, mà còn từ châu Á, bởi một số nhà đầu tư nhận định, thị trường Việt Nam có dân số trẻ và rất tiềm năng. Việt Nam hiện có cơ cấu dân số vàng để đón những ngành M&A mới”, ông Trung nhận định.

Trong khi đó, ông Phạm Duy Khương, luật sư điều hành (Công ty Luật ASL) nhận định, xu hướng M&A sẽ tập trung vào những doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất, công nghệ cao, năng lượng sạch.

Có thể thấy, thị trường M&A năm 2025 sẽ khởi sắc hơn, cho dù vẫn đối mặt nhiều khó khăn. Việc hành lang pháp lý dần hoàn thiện, hàng loạt luật nền tảng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư công, Luật Các tổ chức tín dụng và các chính sách nâng hạng thị trường chứng khoán… đang tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, những động thái tích cực của nền kinh tế như tăng trưởng ổn định, khả năng kiểm soát lạm phát, thu hút vốn FDI mạnh mẽ và đặc biệt là nỗ lực cải cách, hoàn thiện thể chế đang là động lực để thị trường M&A “bật lò xo” trong thời gian tới.

Thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam thực sự hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài
Các chuyên gia tại Hội nghị Đối tác M&A toàn cầu (GMAP) 2023 đều cho rằng, Việt Nam có tiềm năng trong lĩnh vực mua bán - sáp nhập (M&A), dù quy mô còn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư