Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Thị trường smartphone: “Chiếu dưới” nổi loạn
Anh Hoa - 06/03/2014 08:44
 
 Apple và Samsung không còn nhiều thời gian để thao túng thị trường smartphone toàn cầu khi hàng loạt tên tuổi chiếu dưới đang nổi loạn. Nhưng Các tân binh trên thị trường smartphone sẽ thất bại nếu chỉ chú trọng việc làm bùng nổ thị trường một cách nhanh nhất, mà quên đi trải nghiệm của người dùng và chất lượng của sản phẩm. Galaxy S4 giảm giá "sốc" dọn đường đón S5

Cơ hội chín muồi

Tại Triển lãm Điện tử Tiêu dùng (CES 2014 - Las Vegas, Mỹ), Hãng sản xuất máy tính ASUS (Đài Loan) đã tạo cơn sốt trên thị trường quốc tế với đợt trình làng loạt sản phẩm smartphone có tên gọi ZenFone. Bộ ZenFone gồm Asus ZenFone 4, ZenFone 5 và ZenFone với giá tương ứng 99 USD, 149 USD, 199 USD.

Thị trường smartphone: “Chiếu dưới” nổi loạn
Apple và Samsung không còn nhiều thời gian để thao túng thị trường smartphone toàn cầu khi hàng loạt tên tuổi chiếu dưới đang nổi loạn

Ông Jeff Lo, Tổng giám đốc ASUS Việt Nam cho hay, đây là cột mốc báo hiệu ASUS sẽ gia nhập đồng loạt trên diện rộng và sâu trong ngành hàng sản xuất smartphone.

“Chúng tôi nhận thấy những cơ hội chín muồi từ khách quan và chủ quan, đồng thời tin tưởng vững chắc về nấc thang mới của ASUS nhằm đáp ứng một xu hướng người tiêu dùng”, ông Jeff Lo nói.

Hiện ASUS đang ở giai đoạn nước rút để nhanh chóng tung sản phẩm ZenFone đồng loạt trên thị trường toàn cầu. Dự kiến, đầu tháng 4/3014, bộ ba smartphone này sẽ cập bến thị trường Việt Nam.

Ông Jeff Lo cho hay, một sản phẩm thiết kế đẹp, cấu hình mạnh, chức năng vượt trội và khả năng tiết kiệm năng lượng đi kèm giá thành hợp lý như ZenFone sẽ “tạo sóng” trên thị trường công nghệ và di động Việt Nam thời gian tới.

Cần phải nhắc lại rằng, trong sân chơi ngành hàng điện thoại, ASUS không phải là “tay mơ”. Từ năm 2003, nhà sản xuất máy tính này đã bắt đầu dự án phát triển điện thoại. ASUS từng là đối tác của Garmin Ltd., với thành quả là chiếc điện thoại Android Garmin-ASUS Nuvifone A10 - được xem là chiếc điện thoại thông minh với tính năng định vị tối ưu chuyên dụng. Gần đây, ASUS còn được ghi nhận với dòng smartphone PadFone - kết hợp thế mạnh thiết kế của máy tính bảng với chức năng của smartphone cho người dùng.

Trong khi đó, đối thủ đồng hương là nhà sản xuất máy tính Lenovo sau khi tuột dốc ở mảng PC cũng gia nhập mảng điện thoại bằng cách đi tắt đón đầu. Năm 2013, Lenovo đã bỏ ra 2,91 tỷ USD thâu tóm Motorola từ tay Google (trước đó Google mua Motorola với giá 12,5 tỷ USD).

Thương vụ này mang lại quy mô kinh doanh lớn hơn cho Lenovo, góp phần giúp Hãng hướng đến mục tiêu trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới. Theo giới phân tích, Lenovo như hổ mọc thêm cánh. Họ đã nhanh chóng đạt được quy mô và vị thế mong muốn trên thị trường smartphone khu vực châu Á, dựa trên sức mạnh về sản xuất phần cứng của Motorola. Lenovo kỳ vọng bán được 50 triệu smartphone trong năm tài chính 2013 (kết thức tháng 3/2014), tăng 67% so với năm ngoái.

Đấu trường ở phân khúc hạng trung

Ông Gerard Tan, Giám đốc Bộ phận Khách hàng và Công nghệ số của Công ty Nghiên cứu thị trường GfK Asia nhận định: “Vẫn có khoảng 50% người dùng điện thoại phổ thông ở Đông Nam Á chưa chuyển sang smartphone, nên thị trường vẫn giàu tiềm năng cho các nhà sản xuất, kinh doanh smartphone”.

Tại thị trường Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Kinh doanh điện tử (FCE thuộc Công ty FPT Trading), thị phần smartphone Việt Nam tăng trưởng liên tục, trong khi các dòng sản phẩm điện thoại phổ thông lại giảm liên tục qua từng tháng. Tính lũy kế, năm 2013, thị phần smartphone đã chiếm đến 40% tổng số điện thoại di động được bán ra toàn quốc. Con số này năm 2012 là gần 20%.

Do đó, cùng với các thị trường khác trên toàn cầu, tại Việt Nam, các hãng sản xuất điện thoại danh tiếng trên thế giới, như Apple, Samsung, Nokia, LG, Lenovo, HTC, Huawei, Oppo… đều đã và đang không ngừng tung ra những sản phẩm đình đám nhất của mình cả ở phân khúc trung và cao cấp.

Theo ông V.P. Kim, nhà quản lý ngành hàng điện thoại di động của Samsung Electronics, trong 4 năm qua, Hãng đã tăng gấp đôi số lượng bán hàng tại khu vực Đông Nam Á. Ước tính, trong những năm tới, 70 - 80% điện thoại di động mà Samsung bán ra tại khu vực Đông Nam Á sẽ là smartphone.

“Việt Nam cũng sẽ trong xu hướng này, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển sang dùng smartphone. Giá của smartphone cũng sẽ ngày càng hợp lý hơn, với người tiêu dùng”, ông V.P.Kim nói.

Đây sẽ là một đấu trường lớn lớn đối với những tân binh đang nuôi tham vọng lấn sân như ASUS và Lenovo. Tuy nhiên, ông Jeff Lo, cho rằng, trên một “sân chơi” mới, một thị trường smartphone Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để khai phá và phát triển.

Lần đầu tiên chào sân bộ ba điện thoại thông minh ZenFone, thách thức của ASUS là phải thật nhanh chóng và hiệu quả, giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm mới.

“Chúng tôi phải gia tăng cơ hội tiếp cận người dùng thông qua hệ thống phân phối trên cả nước. Khách hàng sẽ nhận diện thương hiệu của các sản phẩm di động ASUS có ưu thế về mặt thiết kế, chất lượng và nền tảng kỹ thuật, đồng thời đi kèm giá thành đáng ngạc nhiên so với giá trị của nó”, ông Jeff Lo nói.

Mặc dù giá bán các dòng sản phẩm mới của ASUS Việt Nam có giá bình quân 5 - 6 triệu đồng/chiếc, song ông Jeff Lo lại kỳ vọng, người tiêu dùng sẽ chào đón Asus như một thương hiệu smartphone cao cấp.

Trong khi đó, Lenovo đã bước vào giai đoạn “hậu PC” và nuôi tham vọng trở thành một đấu thủ có vai vế trên thị trường di động. Với tiềm lực tài chính hùng hậu, nhân công tại chỗ giá rẻ, Lenovo có đủ tự tin để “đọ hàng” cùng Samsung và Apple.

Ông Hùng Công Hiển, Giám đốc FCE (đơn vị phân phối độc quyền smartphone Lenovo từ tháng 8/2012) nhận định, nếu so với các đối thủ cùng ngành, Lenovo có tốc độ tăng trưởng cao nhất thị trường. Chỉ tính riêng trong mảng smartphone, từ tháng 1 - tháng 8/2013, thị phần của Lenovo đã tăng từ 1,7% lên 5%.

Ông Hiển dự báo, năm 2014, mảng smartphone sẽ tiếp tục vượt qua dòng điện thoại phổ thông, trong đó, phân khúc giá tầm trung sẽ là mảng cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng muốn giành thị phần cao.

Có lẽ, đây là lý do để nhà sản xuất smartphone cao cấp HTC tuyên bố “sẽ tập trung vào phân khúc tầm trung” khi trình làng 2 dòng smartphone mới là Desire 816 và Desire 610 tại Triển lãm công nghệ di động (Mobile World Congress 2014) vừa diễn ra tại Barcelona (Tây Ban Nha).

Giới phân tích cho rằng, HTC chưa thể từ bỏ hẳn mảng smartphone cao cấp, nhưng phân khúc tầm trung sẽ là chiến trường mới để hãng tìm kiếm lợi nhuận và tăng trưởng trong năm nay. Dù chưa tiết lộ giá bán của Desire 816, nhưng HTC khẳng định có thể “gây giật mình” cho người dùng và đối thủ.

Vượt cạn…

Người dùng ngày càng am hiểu công nghệ, cập nhật xu hướng và đặt yêu cầu khắt khe về thiết kế và chất lượng sản phẩm. Điều này đặt ra nhiều áp lực đối với nhà sản xuất, buộc họ phải bước vào cuộc chạy đua.

Giới phân tích cho rằng, thời Apple và Samsung cùng nhau thao túng thị trường smartphone toàn cầu sẽ không còn lâu nữa. Tới đây, hai hãng này sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ những đối thủ thuộc hàng “chiếu dưới” đang vươn lên mạnh mẽ như Lenovo, Asus, HTC, LG, Sony, ZTE và Huawei.

Tất cả các thương hiệu smartphone đều căn cứ vào 3 yếu tố cạnh tranh căn bản là: tạo ra những sản phẩm khác biệt và ưu việt hơn; tận dụng thương hiệu vốn có từ thị trường sản xuất máy tính; chọn các đối tác có sự am hiểu sâu sắc đối với thị trường bản địa và có quan hệ lâu dài với họ.

Tuy nhiên, để cạnh tranh trên toàn cầu và chống lại những tên tuổi như Samsung, Aple, đòi hỏi các tân binh phải có nhiều nỗ lực trong việc mở rộng danh mục đầu tư.

Lenovo đang rất hưng phấn và tự hào khi sản xuất ra một thế hệ điện thoại thông minh mới.

Trong khi đó, ASUS thì lại làm ngược lại. Ông Jeff Lo cho rằng, sự có mặt của ASUS tại sân chơi smartphone năm nay là do hãng đã nhìn thấy một khái niệm rất hay và bao quát nổi lên gần đây là SOLOMO (Social – Local – Mobile), tức là nhu cầu kết nối, chia sẻ với cộng đồng, khả năng địa phương hóa để phục vụ người dùng, đáp ứng nhu cầu di động mức độ cao.

“Một sản phẩm công nghệ đáp ứng tối ưu nhu cầu SOLOMO cho người dùng sẽ là một chọn lựa hàng đầu. Không gì tốt hơn một chiếc smartphone màn hình cỡ lớn để kết nối xã hội, chia sẻ cùng mọi người, phục vụ di dộng và chủ động công việc, kế hoạch mọi nơi mọi lúc”, ông Jeff Lo nói và khẳng định, trong thời đại mà ngành công nghiệp di động đang phát triển hết sức mạnh mẽ. Nếu các nhà sản xuất chỉ chú trọng vào việc làm bùng phát thị trường một cách nhanh nhất, mà quên đi trải nghiệm của người dùng và chất lượng của sản phẩm thì sẽ thất bại trong tương lai.

5 lý do không nên mua Samsung Galaxy S5
Mặc dù được cả giới chuyên môn lẫn người dùng yêu công nghệ đặt khá nhiều kỳ vọng nhưng Samsung Galaxy S5 lại nhận được quá ít...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư