Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam: Nhà đầu tư ngoại tăng tốc xây nhà máy mới
Nguyên Đức - 08/12/2020 14:33
 
Các nhà đầu tư nước ngoài đã không ngừng xây thêm nhà máy mới để giành “miếng bánh ngon” trên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam.
Nhà máy sản xuất dinh dưỡng vật nuôi của Cargill (Mỹ) tại Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn
Nhà máy sản xuất dinh dưỡng vật nuôi của Cargill (Mỹ) tại Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn

Tăng tốc xây nhà máy mới

Hơn 2 tuần trước đây, Japfa Comfeed Việt Nam đã chính thức khánh thành nhà máy thức ăn chăn nuôi mới tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa (tỉnh Bình Định). Với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng (tương đương 13 triệu USD), nhà máy của Japfa có công suất thiết kế 180.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm.

Trước khi đưa nhà máy mới đi vào hoạt động, Japfa Việt Nam đang vận hành 5 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Bình, Hòa Bình, Long An và Bình Thuận. Với 6 nhà máy, Japfa Việt Nam hiện có tổng công suất 1 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, tham vọng của Japfa tại Việt Nam không dừng ở đó. Ông Arif Widjaja, Tổng giám đốc Japfa Việt Nam, cho biết, Japfa đang đặt mục tiêu đạt công suất 2 triệu tấn vào năm 2024.

“Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi có kế hoạch mở rộng và xây thêm nhiều nhà máy trong thời gian tới. Cụ thể, năm 2021, chúng tôi sẽ tăng công suất nhà máy tại Vĩnh Phúc, tìm kiếm các địa điểm mới ở phía Nam để xây dựng nhà máy mới. Hy vọng, trong năm sau, chúng tôi sẽ chốt được một địa điểm ở Bình Phước để xây dựng thêm một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nữa”, ông Arif Widjaja nói.

Dù Japfa có mạng lưới các công ty tại nhiều quốc gia, như Ấn Độ, Myanmar, Sri Lanka, Australia, Singapore..., nhưng Việt Nam được xác định là một trong 3 thị trường trụ cột quan trọng nhất của chúng tôi, cùng với Indonesia và Trung Quốc.

Ông Arif Widjaja, Tổng giám đốc Japffa Việt Nam

Từ khi đầu tư vào Việt Nam năm 1996, Japfa đã không ngừng mở rộng đầu tư và đến nay, đã trở thành một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi và gia súc, gia cầm hàng đầu tại Việt Nam. Japfa còn đang nuôi tham vọng lớn hơn, khi lấn sân sang cả lĩnh vực thức ăn thủy sản. Tháng 7/2020, Japfa Việt Nam đã xuất kho lô hàng thức ăn chăn nuôi thủy sản đầu tiên và đặt mục tiêu đạt sản lượng 200.000 tấn/năm trong 10 năm tới.

Trong khi đó, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) vào cuối tháng 9/2020 đã cùng Tập đoàn Hùng Nhơn khởi công xây dựng Tổ hợp Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đắk Lắk, với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng (tương đương 66 triệu USD). Trong đó, nhà máy thức ăn chăn nuôi là một trong các hạng mục quan trọng của khu tổ hợp này.

Theo ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc De Heus châu Á, 12 năm qua, De Heus đã xây dựng 9 nhà máy tại Việt Nam. Nhà máy ở Đắk Lắk là nhà máy thứ 10. Vì thế, việc xây thêm nhà máy mới là sự kiện quan trọng trong chiến lược đầu tư của De Heus tại Việt Nam.

Sau 25 năm có mặt tại Việt Nam, Cargill (Mỹ) đã có 1 nhà máy sản xuất chất bổ sung tại Đồng Nai và 10 nhà máy sản xuất dinh dưỡng vật nuôi tại Đồng Nai, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Bình Định, Hưng Yên, Hà Nam, Nghệ An và Bình Dương. Cuối năm ngoái, Cargill đã đưa nhà máy có vốn đầu tư 28 triệu USD ở Bình Dương vào hoạt động.

Không chia sẻ cụ thể kế hoạch đầu tư mới, song ông John Fering, Tổng giám đốc Ngành Thức ăn chăn nuôi Cargill Thái Lan và Việt Nam cho biết, Cargill cam kết sẽ tiếp tục đầu tư dài hạn về công suất, năng lực, con người và cộng đồng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng lành mạnh và giúp Việt Nam phát triển thịnh vượng. “Cargill từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng và tiềm năng to lớn của châu Á, trong đó có Việt Nam”, ông John Fering nói.

Nội - ngoại “so găng”

Không khó hiểu vì sao nhà đầu tư nước ngoài không ngừng gia tăng đầu tư lĩnh vực thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam. Sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam chính là một nguyên nhân cơ bản.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến, giai đoạn 2008-2020, sản lượng thịt các loại đã tăng 1,6 lần, từ 3,6 triệu tấn lên 5,8 triệu tấn; thức ăn chăn nuôi công nghiệp tăng gần 2,4 lần, từ 8,5 triệu tấn lên 20,2 triệu tấn. Bên cạnh sản xuất trong nước, năm 2019, Việt Nam còn phải chi hơn 3,7 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu.

Trong khi đó, theo dự báo, thị trường thức ăn chăn nuôi Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,06%/năm để đạt quy mô 12,27 tỷ USD vào năm 2025, từ mức trên 9,1 tỷ USD vào năm 2019. Đây quả là “miếng bánh” ngon cho các nhà đầu tư, kể cả ngoại lẫn nội.

Vì thế, không chỉ nhà đầu tư ngoại, mà cả nhà đầu tư nội cũng không ngừng mở rộng đầu tư. Trong top 10 công ty thức ăn chăn nuôi uy tín nhất Việt Nam 2020, do Vietnam Report vừa công bố, bên cạnh các tên tuổi nước ngoài như CP (Thái Lan), De Heus, Japfa… còn có Proconco, Dabaco, Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam, Thức ăn thủy sản Mekong, Dinh dưỡng Hồng Hà…

Tuy nhiên, thị phần thức ăn chăn nuôi lại gần như đang nằm trong tay các nhà đầu tư ngoại, trong đó CP là một trong những công ty nắm thị phần lớn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, Việt Nam có khoảng 265 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong đó, 85 nhà máy của nhà đầu tư ngoại (chiếm 32%), 180 nhà máy của doanh nghiệp trong nước (chiếm 68%). Tuy nhiên, nếu “so găng” thị phần thì nhà đầu tư ngoại đang thắng thế.

Hiện các nhà đầu tư ngoại chiếm tới 65% thị phần, còn nhà đầu tư nội chỉ chiếm 35%, dù thời gian qua, nhiều “ông lớn” Việt Nam như Masan, Dabaco, Hòa Phát, Hùng Vương… rất nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Thậm chí, theo dự báo của Vietnam Report, thị phần trên thị trường thức ăn chăn nuôi Việt có thể sẽ thay đổi trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp ngoại sau khi đổ bộ vào thị trường Việt Nam tiếp tục mở rộng thêm nhà máy.

Miếng bánh “màu mỡ”, ai cũng muốn “xơi”. Nhưng cơ hội sẽ chỉ dành cho người nhanh chân!.

9 tháng, chi 2,8 tỷ USD nhập thức ăn chăn nuôi
Sản xuất chăn nuôi 9 tháng qua gặp nhiều khó khăn do bệnh dịch tả lợn châu Phi gây ra, khiến kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư