Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Thị trường vốn Việt Nam đang hấp dẫn khối ngoại
Hữu Hoè - 06/05/2014 08:15
 
Ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) cho biết, thị trường vốn Việt Nam đang có lực hút mới, nên thu hút sự quan tâm lớn của đông đảo các nhà đầu tư tài chính lớn trên toàn cầu.
TIN LIÊN QUAN

Lực hút mới của thị trường vốn Việt Nam như ông đề cập là gì?

Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào Việt Nam và Myanmar, do VPBS phối hợp với Bloomberg vừa tổ chức tại Singapore đã thu hút hơn 150 nhà đầu tư nước ngoài tham gia, bao gồm các quỹ đầu tư, các ngân hàng, định chế tài chính lớn như Franklin Templeton, EastSpring Investments, Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ, IFC, UOB Asset Management, Fullerton Fund Management, ING, PIMCO Asia, Temasek Holdings, Duxton Asset Management, Daiwa Asset Management (Singapore)…

   
  Ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS)  

Chúng tôi và các nhà đầu tư nước ngoài đều nhận thấy, thị trường vốn Việt Nam đang có những lợi thế trong việc tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn so với các thị trường lân cận trong khu vực.

Lý do là, các thị trường này đang đối mặt với tình trạng rút vốn, kinh tế vĩ mô bất ổn do nhiều nhân tố phi kinh tế tác động.

Luồng vốn đầu tư toàn cầu luôn không ngừng dịch chuyển giữa các khu vực, nên trong khi luồng vốn này rút khỏi một số thị trường, thì tất yếu nảy sinh nhu cầu tìm kiếm thị trường đầu tư thay thế.

Để đón bắt xu hướng đó, hiện là thời điểm thuận lợi để các cơ quan chính phủ, cũng như doanh nghiệp Việt Nam tăng cường quảng bá, xúc tiến đầu tư, nhằm thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn.

Diễn biến trên cùng với tình hình kinh tế Việt Nam ổn định và bền vững hơn đang tạo lực hút mới cho thị trường vốn Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Vậy còn những vấn đề mà nhà đầu tư nước ngoài đang quan ngại?

Ngoài lo ngại về tính hiệu quả của các công cụ pháp lý trong việc bảo vệ các cổ đông thiểu số, nhà đầu tư nước ngoài còn nhắc lại bài học không thành công khi tham gia thị trường vốn Việt Nam trong những năm khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009.

Tuy nhiên, các nghiên cứu mới nhất của VPBS đã cho thấy, sự không thành công của một số nhà đầu tư trong quá khứ chủ yếu do tham gia thị trường ở thời điểm mặt bằng giá cao, sau đó, do diễn biến không thuận lợi của tình hình vĩ mô trong và ngoài nước, nên thị trường điều chỉnh mạnh, khiến danh mục đầu tư gặp bất lợi.

Trong khi đó, kinh tế vĩ mô và thị trường vốn luôn vận động và thay đổi. Sự biến động này đang tạo ra bối cảnh khác so với những năm trước đây, bởi kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang giữ được nhịp tăng trưởng vững chắc, với các nền tảng ổn định hơn. Mặt khác, diễn biến thị trường vốn cũng đang mang lại cơ hội đầu tư mới, khi mặt bằng giá đang hấp dẫn để nhà đầu tư xem xét tham gia thị trường.

Ngoài ra, còn hai yếu tố khác mà nhà đầu tư cũng đang quan tâm tới Việt Nam hiện nay.

Thứ nhất là vấn đề nợ xấu cao trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, Chính phủ đã có những hành động mạnh mẽ để xử lý. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng phân loại nợ xấu một cách quyết liệt hơn. Đồng thời, việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) để mua lại nợ xấu của các ngân hàng thương mại đã tạo thêm thanh khoản cho thị trường.

Thứ hai là hoạt động chưa hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để xử lý, yêu cầu các doanh nghiệp này thoái vốn đầu tư ngoài ngành không hiệu quả và đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa.

Tất nhiên, còn cần nhiều thời gian để thực hiện hai vấn đề trên, nhưng nhà đầu tư cũng đánh giá tốt và lạc quan khi nhìn nhận, đánh giá các nỗ lực nghiêm túc của Chính phủ với những bước tiến quan trọng.

Bên lề hội thảo, ông có ghi nhận các thỏa thuận đầu tư cụ thể nào mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến triển khai tại Việt Nam trong thời gian tới?

Ngoài hội thảo chính, Ban tổ chức còn tổ chức nhiều không gian để các quỹ đầu tư, các định chế tài chính lớn… thảo luận, tìm hiểu sâu về cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Tại đây, VPBS đã cung cấp cho nhà đầu tư các thông tin vĩ mô, thông tin ngành, thông tin về doanh nghiệp đáng chú ý. Qua đó, các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ thể hiện sự quan tâm lớn đến thị trường vốn Việt Nam, mà còn bắt đầu triển khai các hoạt động chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.

Một số thỏa thuận hợp tác đầu tư cũng đã được các bên đi đến thống nhất, nên hứa hẹn sắp tới, thị trường vốn Việt Nam sẽ đón nhận thêm tín hiệu đầu tư tích cực từ khối ngoại.

Tại sao VPBS và Bloomberg tổ chức hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào Việt Nam và Myanmar, chứ không phải là thị trường khác, thưa ông?

Gần đây, nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm tới tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Myanmar, do nước này tiến hành hàng loạt cải cách quan trọng. Mặt khác, thông qua hội thảo quốc tế này, Ban tổ chức giúp nhà đầu tư có thêm thông tin để nhận diện, so sánh cơ hội đầu tư đa dạng từ hai thị trường vốn còn rất nhiều tiềm năng này.

Sắp tới, VPBS sẽ mở văn phòng hoạt động tại Myanmar, nên chúng tôi muốn thông qua hội thảo để gửi tới hơn 150 đại biểu là đại diện cho các quỹ đầu tư, định chế tài chính lớn trên toàn cầu tham dự thông điệp rằng, VPBS và các đối tác trong và ngoài nước sẵn sàng làm cầu nối để hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam và Myanmar.

Để góp phần thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài sớm đưa ra quyết định đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam, VPBS không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng các báo cáo phân tích và đa dạng hóa sản phẩm đầu tư để hỗ trợ các tổ chức đầu tư vào thị trường vốn Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN
Nhà đầu tư lừng danh Marc Faber đến Việt Nam
Vốn ngoại cắm rễ hay chỉ tạm trú ở Việt Nam?
VPBS là “Nhà tư vấn phát hành trái phiếu tốt nhất” năm 2013

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư