Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 01 tháng 07 năm 2024,
Thị trường y tế Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp ngoại
Nhung Bùi - 28/06/2024 17:36
 
Hơn 450 doanh nghiệp từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ tham dự Triển lãm quốc tế chuyên ngành Y Dược lần thứ 22 tại Việt Nam, để tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh.
TIN LIÊN QUAN

Dưới sự bảo trợ của Bộ Y tế, từ ngày 1-3/8/2024, công ty Vinexad và Hội Thiết bị Y Tế TP.HCM phối hợp tổ chức Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược lần thứ 22 - Vietnam Medipharm Expo 2024.

Triển lãm sẽ quy tụ hơn 500 gian hàng, thuộc 450 doanh nghiệp đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng diện tích 10.000 m2. Trong đó, nhiều khu gian hàng của các quốc gia có nền y tế, dược phẩm phát triển mạnh mẽ trên thế giới như Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc,…cũng góp mặt.

Theo báo cáo của Mordor Intelligence, quy mô thị trường thiết bị y tế toàn cầu sẽ tăng từ 637,04 tỷ USD vào năm 2024 lên 893,07 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 6,99%.

Thị trường thiết bị y tế tại Việt Nam cũng có những tín hiệu phát triển mạnh mẽ với quy mô 1.677,4 triệu USD, lớn thứ tám trong khu vực châu Á Thái Bình Dương; tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 10,2%. Cùng với đó, lĩnh vực này đã và đang thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài theo hình thức M&A – mua bán và sáp nhập.

Sự bùng nổ thị trường kinh doanh - sản xuất sản phẩm, dịch vụ ngành y dược được tạo nên bởi các yếu tố: 

Thứ nhất, xu hướng già hóa dân số đang gia tăng. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tăng từ 11,9% năm 2019 lên 13,9% vào năm 2023, tỉ lệ thuận với các bệnh mãn tính, bệnh tuổi già, thường xuyên sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Thứ hai, mức sống ngày càng được cải thiện, không chỉ ở thành thị mà ngay cả nông thôn, người dân sẵn sàng đầu tư khoản tiền lớn để mua sắm các sản phẩm - trang thiết bị nâng cao sức khỏe. 

Thứ ba, Việt Nam có nhiều chính sách mở cửa thu hút nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích chuyển giao công nghệ, đơn cử như Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được phê duyệt tháng 10/2023; Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được phê duyệt tháng 2/2024.

Những năm vừa qua, thị trường y tế, dược phẩm Việt Nam luôn thu hút nhiều sự quan tâm từ các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài. Như trong năm 2023, triển lãm Vietnam Medipharm Expo chào đón hơn 12.000 lượt khách tham quan, con số được ban tổ chức đánh giá là “vượt ngoài mong đợi”.

Năm nay, bên cạnh sự ủng hộ của doanh nghiệp quốc tế, triển lãm còn nhận được sự quan tâm của các tổ chức chính phủ như: Viện Phát triển Y học Quốc gia Hàn Quốc, Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dược phẩm Ấn Độ, Liên đoàn các Phòng thương mại và công nghiệp Ấn Độ, Cục phát triển xuất khẩu Srilanka…

Các nhóm ngành trưng bày cũng tăng lên thành 6 nhóm ngành chính bao gồm: Dược phẩm, thực phẩm chức năng, máy móc chế biến và đóng gói; Máy móc và thiết bị y tế; Thiết bị phân tích, thí nghiệm, hóa chất; Dịch vụ và nội thất bệnh viện; Du lịch y tế, Phần mềm y tế; Thiết bị nha khoa, nhãn khoa; Mỹ phẩm, thẩm mỹ, thiết bị làm đẹp. 

Triển lãm diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) - 799 Nguyễn Văn Linh, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh. 

Bên lề triển lãm là chuỗi sự kiến cung cấp kiến thức, kinh nghiệm cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, như: Hội thảo “ Công nghệ y tế 4.0”; Tọa đàm giao thương: “Hợp tác ngành Dược phẩm Việt Nam - Ấn Độ”; “Luật đấu thầu và các chính sách cập nhật, thị trường y dược Việt Nam”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư