Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 14 tháng 10 năm 2024,
Thiết lập xu hướng phát triển du lịch bền vững
Hồ Hạ - 01/07/2021 16:36
 
Covid-19 khiến cả du khách và các cơ quan quản lý ngành kinh tế xanh bừng tỉnh, quan tâm tới du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh.
.
Nhu cầu đi du lịch đã trở thành ưu tiên hàng đầu của số đông.

Quay về với giá trị cốt lõi

Nền tảng du lịch trực tuyến Booking.com vừa thực hiện một cuộc khảo sát toàn cầu với hơn 28.000 khách du lịch tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm nắm bắt những nhu cầu mà du khách trên toàn thế giới mong muốn nhất, cũng như những thứ họ sẵn sàng từ bỏ để ưu tiên việc du lịch trong năm 2021 khi dịch Covid-19 được khống chế, tình hình an toàn để có thể du lịch trở lại.

Theo kết quả này, hơn 1.000 du khách Việt Nam là người trưởng thành tham gia nghiên cứu cho biết có dự định đi du lịch trong 12 tháng tới. Có tới 57% số người được hỏi trả lời rằng họ ưu tiên dành thời gian cho gia đình, chỉ 43% du khách Việt chọn kỳ nghỉ. Trong khi đó, 66% du khách tại Đài Loan (Trung Quốc) và 62% du khách tại Hàn Quốc ưu tiên kỳ nghỉ.

Giữa bối cảnh chưa thể kết nối lại các đường bay thương mại quốc tế như bình thường, 69% khách Việt Nam thích đi nghỉ dưỡng xanh hơn là nghĩ tới chuyện “tìm kiếm tình yêu đích thực”, trong khi 77% du khách Hồng Kông, 75% du khách Thái Lan và 71% du khách Nhật Bản lựa chọn ngược lại.

Điều đáng nói là có tới 63% du khách Việt chọn một chuyến đi thay vì có cơ hội mua xe ô tô mới; 57% người Việt chọn một kỳ nghỉ thay vì được thăng tiến trong công việc, con số này với du khách từ Tây Ban Nha, Nhật Bản và Đan Mạch lần lượt là 89%, 77% và 77%.

Khi du lịch mở cửa trở lại, 37% du khách Việt mong chờ “mùi hương đặc trưng của kỳ nghỉ” đánh thức các giác quan. Điều này cho thấy, nhu cầu tinh thần với những cảm nhận mang tính cá nhân về giây phút đầu tiên được hít hà không khí của kỳ nghỉ, cảm nhận mùi vị món ăn và hương thơm tại địa điểm mới đang là yếu tố kích thích tâm lý du khách Việt…

Kết quả nghiên cứu này mặc dù chưa thực sự toàn diện, nhưng lại là lát cắt đáng chú ý về sự thay đổi trong tâm lý và nhu cầu của du khách Việt sau một năm rưỡi bị Covid-19 kìm kẹp. Nó cho thấy thực tế rằng, du lịch đã trở thành ưu tiên hàng đầu của số đông.

Phát triển du lịch bền vững

Trong một nghiên cứu khác của Booking.com thực hiện với 29.000 du khách trên 30 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam cho thấy, cam kết hướng tới bền vững trong sinh hoạt hàng ngày của du khách cũng nhất quán với ý định của họ cho các chuyến du lịch sau này.

Theo đó, 88% du khách Việt muốn giảm rác thải tổng hợp, 86% muốn giảm mức tiêu thụ năng lượng; 81% muốn sử dụng loại hình giao thông thân thiện với môi trường hơn như đi bộ, xe đạp hoặc phương tiện công cộng thay vì taxi hay thuê xe; 84% du khách Việt muốn có những trải nghiệm chân thật, mang nét đặc trưng văn hóa bản địa; 93% tin rằng việc nâng cao nhận thức về văn hóa cũng như việc bảo tồn di sản là quan trọng…

Ngoài ra, 64% du khách Việt chấp nhận tránh các điểm đến phổ biến nhằm “giảm tải” cho những nơi đã quá đông đúc, đồng thời góp phần phân chia lợi ích từ du lịch đến các địa điểm và cộng đồng có ít khách ghé qua.

Điều đáng nói là mọi thứ đã không chỉ dừng lại ở nhận thức về bền vững, mà ngày càng nhiều du khách Việt đang biến thành hành động khi đi du lịch trong 12 tháng qua. Có tới 52% du khách cho biết đã tắt máy lạnh/lò sưởi trong phòng nghỉ khi đi ra ngoài, mang theo chai nước riêng có thể tái sử dụng thay vì mua nước đóng chai khi du lịch; 44% tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương…

Cũng thật bất ngờ khi 100% du khách Việt trả lời rằng, trong năm tới, họ mong muốn lưu trú tại những nơi cam kết với du lịch bền vững.

Song, khảo sát cũng cho thấy, đến 41% khách Việt tin rằng, trong năm 2021 vẫn chưa có đủ các lựa chọn cho du lịch bền vững.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, giao Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện.

Quy hoạch nhằm phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc; giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh quốc phòng.

Để quy hoạch có thể triển khai, giải pháp được Chính phủ đưa ra bao gồm: giải pháp về phát triển sản phẩm - thị trường du lịch; giải pháp về xúc tiến, quảng bá du lịch; giải pháp phát triển doanh nghiệp du lịch và nguồn nhân lực du lịch; giải pháp liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch; giải pháp phối hợp liên ngành, liên địa phương trong phát triển du lịch; giải pháp về đầu tư phát triển du lịch…

Doanh nghiệp vận tải, du lịch đồng loạt xin khoanh nợ: Ngoài thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước
Làn sóng Covid-19 thứ 4 ập đến đúng vào “mùa vàng” du lịch, khiến nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp lữ hành, vận tải, khách sạn bị dập...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư